"Thanh xuân như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm vẫn muốn quay về để ướt mưa thêm lần nữa" (Cửu Bả Đao). Thế nhưng, với những thực khách lâu năm của quán Thanh Xuân (quận 1) thì qua bao nhiêu năm tháng, hương vị hủ tiếu nơi đây vẫn như ngày đầu. Để rồi, không chỉ ông bà mà cha mẹ, con cháu cũng lần lượt trở thành khách quen của quán hủ tiếu lâu đời này.
Quán hủ tiếu hơn 70 năm tuổi nằm tại số 62 Tôn Thất Thiệp. (Ảnh: Minh Quân).
Nằm trong hẻm 62 Tôn Thất Thiệp, quán hủ tiếu do ông ngoại của ông Đỗ Văn Khuê mở vào năm 1946, khi chạy giặc từ Mỹ Tho lên Sài Gòn. Tên quán được ông đặt theo tên đứa cháu út ông cưng nhất nhà. "Tui tên là Xuân Thanh, tiệm thì tên là Thanh Xuân" – ông Thanh cho biết.
Trước đây, ông Khuê vốn là nhà giáo. Khi mới đặt chân lên Sài Gòn, ông được mọi người cho ở tạm trong một căn nhà nhỏ tại con hẻm cạnh chùa Ấn Giáo (đường Tôn Thất Thiệp). Ít lâu sau, quán hủ tiếu ra đời, vừa là sinh kế cho cả gia đình, vừa để trông coi nhà cửa, như một cách trả ơn cho những dân nồng hậu tại hẻm này.
Hơn 6h sáng, nhiều thực khách đã đến thưởng thức hương vị thân quen, không lẫn vào đâu giữa Sài Gòn. (Ảnh: Minh Quân - Bách Hợp).
Dần dần, quán ăn mang đậm hương vị Mỹ Tho của ông giáo Khuê được nhiều người biết và tìm đến. Hủ tiếu ở đây được pha thêm bột lọc nên có độ trong và dai nhất định khi nấu chín.
Điểm thu hút thực khách còn ở chính món nước sốt được rưới lên những tô hủ tiếu khô. Theo tiết lộ của chủ quán, tuy nguyên liệu chỉ là cà chua nhưng để công thức để làm ra món nước sốt này cũng không hề đơn giản.
Món hủ tiếu khô được rưới nước sốt đặc trưng và hủ tiếu nước thơm lừng, đậm đà hương vị Mỹ Tho. (Ảnh: Bách Hợp).
Thêm một điểm thú vị nữa là hủ tiếu khô ở đây được ăn kèm với bánh Pate chaud (pa-tê-sô) - một loại bánh có tên tiếng Pháp nhưng lại mang đậm sự sáng tạo của ẩm thực Việt. Vỏ bánh được làm từ bột nghìn lớp (puff pastry dough) và nhân gồm thịt băm, gan heo, hành tây, gia vị và ít hạt tiêu. Toàn bộ bánh bán đều do tiệm tự làm và khá kì công. Vì thế, mỗi ngày quán chỉ bán tầm 100 cái, nếu đến trễ khách đành "bấm bụng" đợi lần sau.
Anh Nguyễn Quang Vinh, lần đầu ghé quán, chia sẻ: "Mình bị thu hút bởi tên gọi nghe rất… tình của quán. Hủ tiếu ở đây có vị đậm đà và lạ miệng, chắc rằng mình sẽ trở thành khách 'ruột' luôn".
Căn bếp nhỏ giữa lòng thành phố đã tạo nên thương hiệu Thanh Xuân, mê hoặc không ít người Sài Gòn. (Ảnh: Minh Quân).
Quán mở cửa vào 6h30 đến 13-14h mỗi ngày, cuối tuần thì bán đến tận tối. Cô Tươi, hiện đang trực tiếp đứng bán, chậm rãi cho biết: "Có những Việt kiều tranh thủ vài ngày về thăm Việt Nam cũng ghé quán để tìm lại chút hương xưa".
Chỉ vào tấm bảng hiệu đã nhuộm màu năm tháng, cô nói đã có nhiều người tìm đến hỏi mua nhưng cô chú không bán. Nhờ vậy nên những vật dụng đã gắn với Thanh Xuân gần như vẫn nguyên vẹn như ngày đầu.
Quán có nhiều món cho thực khách dễ dàng lựa chọn. (Ảnh: Bách Hợp).
Sau những năm tháng vất vả, cô Tươi cũng dần nhẹ gánh bởi chị Hoa Cúc (28 tuổi, con cô Tươi) đang dần thành thục công việc và trở thành thế hệ thứ tư giữ gìn thương hiệu lâu đời này.
Nhìn những người phụ nữ tất bật bên gia vị, đĩa rau hay nồi nước sốt thơm lừng, thực khách chỉ mong căn tiệm nơi hẻm nhỏ này cứ luôn ấm cúng và đậm đà tình cảm như thế. Để nơi này, mãi lưu giữ "thanh xuân" của bao thế hệ dân Sài Gòn...