Ông bảo vệ ở Sài Gòn và 'gia tài' danh ngôn độc đáo trong hầm giữ xe

Tại tầng hầm B2 tòa nhà Flemington (quận 11, TP HCM), có một ông bảo vệ già sở hữu cả “gia tài” hiếm có. Không giữ cho riêng mình, hàng ngày, ông thầm lặng chia sẻ “gia tài” ấy với đồng nghiệp và cư dân tòa nhà.

"Gia tài" đặc biệt ở hầm B2

Đã hơn hai năm kể từ khi làm việc tại tòa nhà này, ông Trần Ngọc Phương (62 tuổi) đều đặn viết danh ngôn lên giấy và dán sau lưng máy quẹt thẻ xe. Như một thói quen, thứ 6 hàng tuần người dân gửi xe ở hầm B2 lại nôn nao đón chờ những câu danh ngôn mới.

Đó có thể là những câu nói về tình yêu, về triết lí sống hay truyền cảm hứng để mọi người bắt đầu ngày làm việc mới. Những câu nói sau khi tháo xuống cũng chưa hết nhiệm vụ, ông Phương tranh thủ dán thêm lên cột trụ kế máy quẹt thẻ để lại cho những người chưa kịp đọc.

Những danh ngôn thế này có thể dễ dàng thấy ở hầm B2 tòa nhà Flemington, quận 11. (Ảnh: Minh Quân).

Từng nổi tiếng nhất nhì lớp về chữ đẹp nên công việc này vừa là cách ông ôn lại những kỉ niệm ngày xưa, vừa để rèn luyện nét chữ, tâm tính của mình. Nhờ nét chữ cứng cáp, ngay ngắn hệt như đánh máy từ phần mềm hiện đại, những câu danh ngôn trên giấy càng khiến không ít người trầm trồ. Lâu dần, ông bảo vệ với gia tài là hàng trăm tờ giấy ghi đầy danh ngôn đã trở thành "đặc sản" của hầm B2.

Ông bảo vệ ở Sài Gòn và 'gia tài' danh ngôn độc đáo nơi tầng hầm - Ảnh 4.

Mỗi thứ 6 hàng tuần, câu danh ngôn ngay máy quẹt thẻ lại được thay đổi.

Mở chiếc hộp trên bàn bảo vệ, ông Phương cười rạng rỡ như một nghệ sĩ đang cho khách chiêm ngưỡng "đồ nghề" của mình. Gọi là "đồ nghề" nhưng thực ra chỉ đơn giản là hai chiếc bút lông xanh, đỏ, thước kẻ và xấp giấy trắng đã in một mặt. Nhanh nhẹn bày biện tất cả lên bàn, ông ngồi nắn nót viết liền một mạch câu danh ngôn đã chuẩn bị sẵn cho tuần này.

Giải thích về kí hiệu "S.T B2" cuối mỗi câu danh ngôn, ông nói đó là viết tắt của từ "sưu tầm", còn B2 để chỉ tầng hầm nơi ra đời của những mảnh giấy này. "Vì tôi đâu có tự nghĩ ra mấy câu này nên nếu có nguồn thì ghi nguồn cụ thể, còn không có thì ghi sưu tầm. Tôi chỉ thay mặt tác giả gửi những điều ý nghĩa này tới nhiều người hơn thôi", ông bảo vệ già cười hiền, bộc bạch.

"Đồ nghề" đơn giản của ông Phương. (Ảnh: Minh Quân).

Đằng sau những tờ giấy biết nói

Không chỉ từ những mảnh giấy, cư dân và nhân viên tòa nhà còn biết và yêu quý ông Phương bởi tính tình thân thiện, cởi mở. Ngồi chưa đến 30 phút mà ông đã nhận được không ít lời chào, lời hỏi thăm từ mọi người. Có người còn đùa: "Nhờ mấy tờ giấy này mà ‘bố Phương’ được mọi người biết đến. Còn những người ở đây thì thần tượng ‘bố Phương’ lâu rồi".

Ông bảo vệ ở Sài Gòn và 'gia tài' danh ngôn độc đáo nơi tầng hầm - Ảnh 7.

Ông Sơn nắn nót những câu danh ngôn mỗi trưa thứ 6. (Ảnh: Minh Quân).

Lâu dần thành quen, nếu không thấy danh ngôn mới vào mỗi thứ 6, cư dân tại đây sẽ sốt ruột. Bởi, họ biết ông Phương có việc bận hoặc đau ốm không đi làm được. Đến khi đi làm lại, chắc chắn ông Phương sẽ nhận được không ít lời hỏi thăm và cả… "deadline" cho ra đời những mảnh giấy mới.

Trong hành trình xây dựng "gia tài" của mình, ông bảo vệ già tại tầng B2 đã nhận được không ít lời động viên từ bạn bè, đồng nghiệp và mọi người xung quanh. Đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến những tin nhắn từ vợ ông - bà Giang Cẩm Hường (41 tuổi).

Vốn thích sưu tầm các câu danh ngôn, cứ thấy câu nào hay, bà Hường lại chụp gửi sang cho chồng. Thế nên, bà vừa là người san sẻ niềm đam mê, vừa là người "hùn vốn" và động viên ông tiếp tục việc làm ý nghĩa.

Ông bảo vệ ở Sài Gòn và 'gia tài' danh ngôn độc đáo nơi tầng hầm - Ảnh 10.

Câu danh ngôn được ông Sơn rất tâm đắc. (Ảnh: Minh Quân).

Hiện tại, ông Phương có một đứa con học lớp 10 tại một trường THPT gần nhà. Dù ủng hộ công việc, cậu bé vẫn có lần so sánh sao ba không đem bánh kẹo thay vì những tờ giấy viết đầy danh ngôn về nhà sau giờ làm.

Thế rồi, người cha chậm rãi đáp: "Cái bánh, cái kẹo ăn rồi sẽ hết, còn những câu danh ngôn này, không chỉ đọc một lần, mà con còn phải nghiền ngẫm. Những tờ danh ngôn này giờ có ích, và sau này vẫn sẽ có ích".

"Gia tài" đặc biệt của ông bảo vệ tầng B2 ngày càng nhiều lên, mang theo những thông điệp và sự tử tế được lan truyền, như chính câu danh ngôn mà ông tâm đắc: "Những lời tử tế có thể ngắn và dễ nói, nhưng tiếng vọng của chúng thực sự vĩnh cửu".

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.