Làng làm lồng đèn hơn nửa thế kỉ ở Sài Gòn

Càng gần Tết trung thu, làng nghề lồng đèn Phú Bình (quận 11, TP HCM) lại tấp nập người người ra vào đặt hàng, chở sản phẩm hoàn thiện đi khắp mọi miền đất nước.

Nửa thế kỉ gìn giữ làng nghề

Rẽ vào xóm đạo Phú Bình trên đường Lạc Long Quân (quận 11, TP HCM), dễ dàng thấy không khí trung thu đã đến thật gần qua những chiếc lồng đèn giấy kính xanh đỏ, những đoạn tre vát mỏng, tiếng nhạc phát ra từ những chiếc lồng đèn máy ngay từ đầu ngõ. 

Làng làm lồng đèn hơn nửa thế kỉ ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Chú Hà đang say sưa trang trí cho những chiếc lồng đèn. (Ảnh: Minh Quân).

Hơn 50 năm tồn tại, làng nghề truyền thống này đã chứng kiến không ít đổi thay. Nếu trước đây nhiều nhà trong ngõ theo tiêu chí "ăn lồng đèn, ngủ cũng… đèn lồng", không khí luôn bận rộn như chuẩn bị vào mùa thì nay đã khác. Nhiều nhà vì không còn người nối nghiệp đã phải bỏ nghề, những gia đình còn trụ lại cũng vắng khách hơn trước.

Theo chú Hà, người đã có hơn 30 năm tuổi nghề, những nghệ nhân đầu tiên của làng nghề này có gốc gác ở làng Báo Đáp (Nam Định) di cư vào Nam. Dần dần có thêm người Hoa đến sinh sống và sáng tạo ra những mẫu mã, hoa văn mới.

Làng làm lồng đèn hơn nửa thế kỉ ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Công đoạn dán giấy kính và tô màu trang trí thường thuộc về các nữ nghệ nhân. (Ảnh: Minh Quân).

Chú Hà cho biết, cứ vào tháng 3, các nghệ nhân bắt đầu tỏa đi tỉnh tìm về những thương lái quen để đặt hàng tre dùng làm khung lồng đèn. Sau đó, họ bắt đầu vát tre thành những nan mỏng vừa phải, đủ độ cứng nhưng cũng phải dẻo để dễ tạo hình. Đây thường là công việc của cánh đàn ông lớn tuổi bởi vát sao cho tre vừa đủ độ dày, không quá thô hay quá mỏng là cả một khoảng thời gian làm nghề và tích lũy kinh nghiệm. 

Cuối cùng là dán giấy kính và tô màu trang trí. Công việc thường được đảm nhiệm bởi phần đông các bà, các mẹ bởi sự chăm chút, mềm mại trong từng đường nét, một điều dù công nghệ có hiện đại cũng khó lòng có được.

Làng làm lồng đèn hơn nửa thế kỉ ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Tre làm khung đã được chọn kĩ lưỡng từ tận tháng 3. (Ảnh: Minh Quân).

Thông thường một chiếc lồng đèn hoàn thiện từ đầu đến cuối sẽ mất khoảng 20 phút. Những ngày chưa vào mùa, một thợ lành nghề có thể cho ra đời từ 50-60 chiếc/ngày. Càng gần Tết trung thu, xóm lồng đèn này gần như không ngủ để kịp hoàn thành đơn hàng giao khách. 

Có những đại lí ở tận Phú Yên, Khánh Hòa cũng biết tiếng mà tìm đến. Đông nhất vẫn là các bạn hàng ở miền Tây, họ thường đặt những đơn hàng lớn khiến cả làng như được dịp mở hội, như gia đình chú Hà đang tất bật hoàn thành đơn hàng hai ngàn con giống (những đèn lồng chưa được tô màu hoàn thiện) để giao vào đầu tháng 9.

Nỗi niềm đèn lồng thời 4.0

Những chiếc lồng đèn đang chờ để theo chân bạn hàng đi khắp các tỉnh. (Ảnh: Minh Quân).

Vừa thoăn thoắt trang trí cho những chiếc lồng đèn, chú Hà cho hay những năm gần đây, làng nghề tuy không đông đúc, nhộn nhịp như buổi đầu nhưng vẫn thu hút nhiều khách hàng yêu nét đẹp truyền thống, đặc biệt là có không ít bạn trẻ cũng dần nhen nhóm tình yêu với lồng đèn thủ công truyền thống thay vì những chiếc lồng đèn ngoại nhập. Đó là một trong những niềm vui và động lực để những người thợ nơi đây vẫn còn gắn bó với công việc này.

Chỉ vào những chiếc lồng đèn đang treo đầy nóc nhà, vợ chú Hà, một nghệ nhân cũng gắn bó với nghề hơn chục năm nay, tự hào khoe những hình thú như gà, cá, bướm, thỏ là những mẫu mã đã "thành trend" từ lâu. Bên cạnh đó, để cạnh tranh với các mẫu mã đa dạng trên thị trường, người thợ cũng dần sáng tạo nên hình trực thăng, tàu thủy… với hơn chục kiểu loại khác nhau để phục vụ những khách hàng nhỏ tuổi.

Làng làm lồng đèn hơn nửa thế kỉ ở Sài Gòn - Ảnh 5.

Những chiếc lồng đèn ngoại nhập đang dần khiến lồng đèn truyền thống vắng bóng. (Ảnh: Minh Quân).

Sống và giữ gìn nghề gia truyền, những nghệ nhân nơi đây luôn đau đáu ý định một ngày nào đó làng nghề sẽ lại hồi sinh. Không dừng lại ở việc chỗ đứng mà còn có thể cạnh tranh một cách mạnh mẽ với hàng ngoại. Để mỗi mùa trăng tháng tám, không chỉ trẻ con mà cả người lớn sẽ được trông thấy những chiếc lồng đèn lấp lánh tuổi thơ.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.