Xóm làm tượng thờ gần trăm năm tuổi ở Sài Gòn

Gần trăm năm nay, từ một ngõ nhỏ trên đường Hồng Bàng (quận 6, TP HCM), những bức tượng Phật, Quan Âm, Hộ Pháp… dần thành hình, như để giữ gìn một chút xưa cũ cho nhịp sống tất bật của thành phố này.

'Hoàng hôn' một xóm nghề

Ghé thăm con hẻm cạnh chùa Giác Hải (đường Hồng Bàng, quận 6, TP HCM) vào một ngày giữa tháng 7 âm lịch, nhiều người sẽ khó tưởng tượng được đây từng là nơi sản xuất tượng thờ cho không ít chùa chiền, đền miếu trong và ngoài nước. 

Hiện, xóm nghề này vẫn được duy trì bằng lòng yêu nghề của những người thợ đã vào tuổi xế chiều, dù không còn nhộn nhịp như thuở đầu.

11

Đa phần những người thợ ở đây đều đã bước sang tuổi xế chiều. (Ảnh: Minh Quân).

Chú Tám, một thợ làm tượng lâu năm cho biết, chú là đời thứ 3 trong một gia đình có truyền thống làm tượng thờ tại ngõ nhỏ này. Trước đây, mỗi độ rằm tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy và tháng Mười là xóm lại tấp nập người đến thỉnh tượng. 

Các xưởng sản xuất lẫn thợ làm cũng ít có thời gian nghỉ, nhiều hôm phải làm đến tận 19, 20h đêm để kịp giao cho khách. Thậm chí, có những người vì quý cái hồn, cái thần thái đặc biệt của tượng thờ nơi đây mà đặt hàng làm và vận chuyển sang tận nước ngoài.

Nghề làm tượng thủ công dần mai một. (Ảnh: Minh Quân).

Giờ đây, cùng với sự phát triển của công nghệ và vật liệu mới, nghề làm tượng thủ công cũng dần bị mai một. Với ưu điểm nhẹ và tiện lợi đóng gói, chuyên chở nên tượng composite (vật liệu hỗn hợp) được nhiều người ưa chuộng hơn. Từ đó, số người đặt tượng thờ bằng đất trở nên ngày càng hiếm hoi. 

Hiện, mỗi xưởng tại đây chỉ giữ lại chưa đến 10 thợ chính, còn những thợ khác hoặc học việc đều phải kiếm thêm công việc để đắp đổi qua ngày. Thế nhưng, mỗi khi có đơn hàng lớn hoặc vào mùa rằm, họ đều gác lại việc khác để trở về, cùng nhau tỉ mỉ biến hòn đất vô tri vô giác thành những pho tượng sinh động, uy nghiêm.

Những hi vọng nhen nhóm

Ghé vào một trong những xưởng làm tượng lâu đời của xóm nghề này - Mai Văn Lai, bắt gặp hơn 7 người thợ đang chăm chú làm việc, người chà nhám, người làm nguội (cách gọi người thợ chỉnh lại những đường nét cuối cùng trước khi đưa tượng vào tô vẽ), người đang pha màu để tô… Không khí làm việc bình lặng và thoáng chút trang trọng. 

Những bức tượng sinh động thế này là niềm tự hào của những người thợ nơi đây. (Ảnh: Minh Quân).

Anh Quý (29 tuổi) bộc bạch: "Trước đây tôi cũng có làm công việc khác, nhưng rồi quanh đi quẩn lại cũng thèm được cầm cây cọ để 'trang điểm' cho tượng. Vậy là mình quay lại và gắn bó với xưởng đến giờ này".

Còn chú Sơn, người có hơn 30 năm kinh nghiệm làm tượng thờ, nhẩm tính: "Nếu một người thợ lành nghề chăm làm thì thu nhập khoảng 200 đến 300 nghìn mỗi ngày, cao điểm có khi lên đến 500 nghìn". Nhưng do những năm gần đây, nhu cầu ngày càng giảm nên đời sống cũng khó khăn hơn. 

Xóm làm tượng phật gần trăm năm tuổi ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Anh Quý đang chăm chút từng nét cọ cho những bức tượng. (Ảnh: Minh Quân).

Tuy vậy, khi được hỏi đã bao giờ có ý định sẽ tìm một công việc khác hay chưa, chú mạnh dạn trả lời: "Nghề này tôi làm hơn chục năm rồi, mình góp chút công, chút sức để người ta có tượng thờ tươm tất thì mình cũng vui lây".

Ngọn lửa nghề cứ thế được các thế hệ đi trước cố gắng gìn giữ và truyền lại cho lớp người sau. Hiện, chú Tám có hai người cháu đang tập tành để dần tiếp quản nghề truyền thống của gia đình.

Từng đường nét trên bức tượng đều được lau chùi cẩn thận. (Ảnh: Minh Quân).

Dù là người quản lí hay thợ làm công, trước buổi "hoàng hôn" của xóm nghề, những con người ấy vẫn giữ cho mình thái độ tích cực. Bởi họ tin, chỉ cần bản thân đặt hết cái tâm, cái tình vào công việc thì "cả trời và người đều không phụ lòng mình".

Từng chiếc khuôn, đường cọ, mũi đục đều được họ thực hiện chỉn chu nhất có thể. Bởi đối với họ, đó không chỉ là công việc mà còn là truyền thống, là tình yêu với làng nghề trăm tuổi, một nét hương xưa giữa phố phường tấp nập, bộn bề...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.