Tại cuộc họp báo chiều tối 6/8, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan thừa nhận thành phố (TP) có nhiều sai phạm trong việc thu hồi đất tại dự án Khu Công nghệ cao (quận 9) dẫn đến khiếu nại. Theo đó, 652 hộ dân, tổ chức bị thu hồi đất trong phần diện tích gần 41 ha tại dự án này sẽ được bồi thường thêm khoảng 1.471 tỉ đồng.
Người dân sống tại khu nhà tạm cư trên đường Tăng Nhơn Phú (quận 9). (Ảnh: Ngự Kỳ).
Trước động thái này của TP, người dân thuộc dự án trên hiện sống tại khu tạm cư thuộc đường Tăng Nhơn Phú (phường Phước Long B, quận 9) vừa mừng, vừa lo. "Nghe thì chúng tôi cũng mừng, nhưng không biết có giải quyết đúng luật hay không", bà Nguyễn Thị Gái nói.
Cho biết đã về sống tại khu tạm cư này hơn 11 năm, bà Gái trải lòng: "Người nhà tôi giờ sang tới hộ khẩu thứ 2 rồi, nhưng phải tản đi nhiều nơi mà sống. Ở đây chỉ được 2 căn phòng 26 m2, mà đến 7 người ở".
Bà Nguyễn Thị Gái. (Ảnh: Ngự Kỳ).
Ngồi cạnh vợ, chồng bà Gái thở dài rồi tiếp lời: "Trước đây nhà chúng tôi ở mặt tiền, rộng rãi, nuôi gà nuôi heo, trồng trọt, buôn bán gì cũng dễ. Giờ ở đây trồng cây ớt cũng không sống nổi, nuôi con gì cũng không xong, chỉ nuôi được miệng ăn đã mừng lắm rồi".
Hai vợ chồng già cho biết đều là con của gia đình liệt sĩ, vậy mà suốt 10 năm qua, khi bị đưa đến nơi này sống, "không ai quan tâm gì cả, không cho được một hạt gạo để ăn".
"Giờ tới cái nhà để thờ cúng cũng không yên. Quăng vô đây rồi, như bỏ đi", bà Gái nói bằng giọng ngậm ngùi.
Căn nhà cũ kĩ, rộng 26 m2 là nơi ở của 7 nhân khẩu. (Ảnh: Ngự Kỳ).
"Mười mấy năm nay tôi ăn xong lau dọn rồi ngủ ở dưới đất luôn, trong nhà chật chội quá chỗ đâu mà nằm. Nắp cống thì phải đậy từng cái, không thôi chuột gián bò lên tràn vô nhà hết", họ kể.
Bà cho biết hiện hai vợ chồng nhận đồ gia công về làm, cứ hai ngày được trả 170.000 nghìn. "Giờ làm được gì tôi làm để lo cho cháu nhỏ, già rồi đâu ai thuê nữa", người phụ nữ tuổi ngoài 60 lắc đầu buồn bã.
Ngừng một lát, bà Gái cùng chồng nhớ lại ngày trước gia đình có đến hơn 1.000 m2 tại Khu Công nghệ cao, nhưng lúc giải tỏa chỉ được đền bù 650 triệu đồng.
Khu nhà tái định cư xuống cấp khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Ngự Kỳ).
"Lấy đất nhưng không có quyết định thu hồi, chỉ có 2 quyết định 2666, 2193 để cưỡng chế thôi, dù nhà tôi nằm ngoài ranh. Đất của chúng tôi có chủ quyền đàng hoàng, vậy mà cưỡng chế hành chính", giọng bà Gái bức xúc.
Nhìn sang đứa cháu trai, bà cho biết: "Kết luận Thanh tra Chính phủ có từ 2008, tôi đi khiếu kiện khắp nơi, lúc thằng cháu 16 tháng tuổi, giờ nó học tới lớp 8 rồi cũng chưa xong".
Bà Năm mong muốn được bồi thường thỏa đáng theo giá thị trường. (Ảnh: Ngự Kỳ).
Cũng sống tại khu tạm cư này, bà Năm tiếp lời bằng giọng đầy thất vọng: "Bây giờ đất lên giá tới 100 triệu/m2, mà chính quyền đền bù giá năm 2007 chỉ có 10 triệu/m2 thì làm sao chúng tôi cầm tiền đi mua được".
Theo bà, nếu có dự án hợp pháp, nhà chức trách phải đưa ra bản đồ quy hoạch đã được phê duyệt và quyết định thu hồi đất. Còn nếu đã giao cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải thương lượng với dân, mua lại theo giá thị trường.
"Chính quyền nói Chủ tịch UBND quận 9 sẽ có báo cáo trước tháng 11, chúng tôi trông chờ họ sẽ có những động thái hợp tình, hợp lí, xoa dịu lòng dân, để phần nào bù đắp được những khó khăn của chúng tôi hơn chục năm qua", bà Năm mong mỏi.
KCNC TP HCM thành lập ngày 24/10/2002, là một trong ba KCNC Quốc gia do Chính phủ thành lập, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thành phố (TP).
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định sai phạm ở đây là sai phạm trình tự thủ tục chưa đúng, thu hồi trước, thu hồi bổ sung nhưng không xin ý kiến Chính phủ. Còn ông Trần Văn Bảy - Chủ tịch UBND quận 9 cho rằng không thể so sánh dự án KCNC với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vì sai sót ở đây rất khác và không có chuyện thu hồi đất ngoài ranh quy hoạch.