Trong cuộc họp báo chiều tối 6/8, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, tổng diện tích đất thu hội tại dự án Khu Công nghệ cao (KCNC) là 913 ha với các Quyết định 2666 (804 ha), Quyết định 2717 (6,9 ha) và Quyết định 2193 (102 ha).
Một góc KCNC, quận 9, TP HCM. (Ảnh: Thanh Niên)
Trong số 3 quyết định thu hồi đất, Quyết định 2666 là "đúng thẩm quyền và phù hợp quy hoạch chung của thành phố" còn Quyết định 2717 và 2193 là "chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh, bổ sung qui hoạch tổng thể KCNC là chưa đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu hồi và giao đất".
Do vậy, ông Hoan khẳng định sai phạm ở đây là sai phạm trình tự thủ tục chưa đúng, thu hồi trước, thu hồi bổ sung nhưng không xin ý kiến Chính phủ. Còn ông Trần Văn Bảy - Chủ tịch UBND quận 9 khẳng định không thể so sánh dự án KCNC với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vì sai sót ở đây rất khác và không có chuyện thu hồi đất ngoài ranh qui hoạch.
"Thanh tra Chính phủ đã kết luận, quyết định thu hồi đất thứ nhất (Quyết định 2666) là đúng, còn hai quyết định sau (Quyết định 2717 và 2193) dựa trên định hướng qui hoạch KCNC, TP HCM thu hồi rồi mới xin ý kiến thủ tướng là sai chứ không có chuyện thu hồi ngoài ranh", Chủ tịch UBND quận 9 nói.
Năm 1998, Thủ tướng ban hành quyết định số 989/QĐ-TTg về giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập KCNC TP HCM, tổng diện tích là 800 ha.
Năm 2002, bằng Quyết định 2666, TP HCM thu hồi tổng diện tích là 804 ha, vượt 4 ha
Năm 2003, TP HCM bổ sung thu hồi 6,9 ha bằng Quyết định 2717.
Năm 2004, TP HCM ra Quyết định 2193 thu hồi bổ sung diện tích lên đến 102 ha. Tổng diện tích thu hồi của dự án KCNC đến lúc này là 913 ha.
Về vấn đề bồi thường đối với 652 trường hợp trong diện tích thu hồi 41 ha thuộc dự án này, số tiền định giá mới sẽ là 1.417 tỉ đồng bao gồm khoản tiền chênh lệch từ giá bồi thường đất, tiền hỗ trợ lãi suất ngân hàng và tiền phạt bằng mức tiền chậm nộp. 1.471 tỉ đồng này sẽ được dùng vào việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (1.399 tỉ đồng) và các chi phí khác (72 tỉ đồng).
41 ha đất được tính lại bồi thường trên nằm ở bảy khu vực như khu tái định cư Man Thiện, khu di tích Bến Nọc, khu vực xa lộ Hà Nội…
Vấn đề bồi thường này chỉ áp dụng cho 652 hộ dân trên chứ không phải tất cả trường hợp nằm trong dự án KCNC. Đối với 49 trường hợp hộ dân khiếu nại, UBND xác định diện tích đất thu hồi của các hộ này nằm trong ranh qui hoạch nên mức giá bồi thường giữ nguyên.
Các cơ quan chức năng sẽ rà soát hồ sơ, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể từng trường hợp để hỗ trợ theo hướng bán nền tái định cư cho các hộ dân theo giá bán tái định cư để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hộ dân.
Trong kì họp HĐND TP HCM vào tháng 7/2019, HĐND đã thông qua tờ trình của UBND, chấp thuận bổ sung kế hoạch vốn 1.471 tỉ đồng đầu tư trung hạn cho dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án KCNC được lấy từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 của TPHCM.
UBND Thành phố đã thực hiện xong 4/8 nội dung liên quan đến dự án KCNC: Tổ chức công bố công khai quy hoạch KCNC; Rà soát kiểm tra việc hoán đổi 1.111 m2 đất công cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Minh Tuấn; Rà soát kêu gọi đầu tư; Tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan.
4 nội dung tiếp tục giải quyết: Thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất thuộc phần diện tích 41 ha; Chính sách hỗ trợ đặc thù đối với 49 trường hợp có khiếu nại, tố cáo; Thực hiện đối với 8 dự án tái định cư; Sử dụng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng vào các khoản chi phí của Ban Quản lý dự án Khu công nghệ cao; Thu hồi số tiền tạm ứng để hoàn trả ngân sách.