Khảo sát của PV tại các bến xe có xe chạy đường dài Bắc – Nam như Giáp Bát, Nước Ngầm ngày 1/2 (5 tháng Giêng), hãng xe Hoàng Long ngày bình thường có giá 845.000 đồng cho tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh nhưng riêng ngày 1, và 2 /2 có giá 1.728.000 đồng một vé chưa bao gồm ăn uống, gấp đôi so với những ngày thường.
Tương tự hãng xe Mai Linh xuất phát từ bến xe Nước Ngầm cũng có giá 1.390.000 đồng một vé trong khi đó những ngày thường chỉ có 870.000 đồng một vé. Các xe đều không nhận đặt chỗ qua điện thoại và yêu cầu người hành khách tới nhà xe để mua vé.
Không chỉ riêng hai doanh nghiệp Hoàng Long và Mai Linh tăng vé mà các nhà xe khác cũng “được đà” tăng theo. Giá vé từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh giao động từ 1.400.000 đồng đến 1.800.000 đồng.
Giá vé được niêm yết trên wedsite hãng xe Hoàng Long ngày thường. Ảnh chụp màn hình |
Giá vé niêm yết ngày 1/2 có giá từ 1.560.000 tới 1.728.000 đồng. |
Anh Trần Tuấn hiện đang làm công nhân một công trường tại quận Tân Bình TP Hồ Chí Minh đang tìm xe chuyến Hà Nội – Hồ Chí Minh cho biết: “Trước Tết tôi về giá xe tăng hai ba trăm ngàn thấy bình thường vì Tết cái gì cũng lên giá, nhưng hôm nay thấy nhà xe thông báo giá vé tăng từ hơn 800.000 đồng lên 1.700.000 đồng tôi thấy tăng nhiều quá”.
Cùng tâm trạng với anh Tuấn anh Minh Lục từ TP Hồ Chí Minh về Hưng Yên ăn tết bất ngờ khi thấy giá vé xe tăng một cách chóng mặt như vậy: “Trước tết tôi về giá vé tăng hơn ngày thường nhưng cũng chỉ khoảng một triệu đồng một vé, bây giờ đi vào làm giá vé tăng gấp đôi như thế này thì quả thật là quá cao. Biết vậy tôi đặt vé máy bay sớm cho rẻ chứ giá vé ô tô cũng bằng giá vé máy bay giá rẻ rồi”.
Không chỉ có tuyến Hà Nội – Tp Hồ Chí Minh tăng giá cao như vậy. Anh Thọ cùng gia đình ra mua vé từ Huế để về Sài Gòn rất bức xúc ngày thường chỉ 510.000 một vé ngày này các nhà xe hét giá 1.600.000 đồng một vé. Đi cả gia đình đông người thì số tiền tăng lên rất nhiều mà không đi muộn được vì đã đến ngày cơ quan làm việc
PV đã xác nhận nhiều nhà xe chạy tuyến Huế - Sài Gòn có giá vé từ 1.300.000 đến 1.600.000 giá vé cho chiều ngược lại cũng tương tự.
Cụ thể nhà xe Tâm Minh Phương ngày thường có mức giá niêm yết 510.000 đồng nhưng ngày 1/2 được thông báo giá vé là 1.300.000 đồng một vé.
Doanh nghiệp Sinh Cafe thông báo giá vé 1.597.000 đồng một người và có thể sẽ thay đổi tuỳ từng thời điểm.
Trước Tết Nguyên Đán các doanh nghiệp vận tải đã xin tăng giá vé từ 7 – 60% đối với các tuyến chạy đường dài trên 300 km điều này đã gây không ít khó khăn trong việc đi lại của người dân trong dịp tết. Tuy nhiên sau Tết các doanh nghiệp không những không giảm giá về mức quy định mà còn lợi dụng để hét giá, chặt chém người dân.
Lợi dụng nhu cầu đi lại của người dân nhiều doanh nghiệp vận tải tăng giá vé gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Ảnh Chí Duy |
Một lái xe chạy tuyến Hà Nội – Bến xe miền Đông (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Trước tết chúng tôi xin tăng giá vé để bù lỗ chiều ngược lại thì sau tết tình trạng đó lại xảy ra. Trước tết xe chạy tuyến Hà Nội – Sài Gòn vắng khách thì bây giờ tuyến Sài Gòn – Hà Nội lại vắng khách. Nên việc tăng giá vé là bình thường”. Khi được hỏi tại sao lại tăng gấp đôi, thậm chí có doanh nghiệp còn tăng gấp ba lần thì người này nói “chúng tôi chỉ là lái xe thôi còn chuyện tăng giảm thế nào là của chủ xe, chúng tôi cũng không rõ”.
Nhiều người mặc dù rất bức xúc nhưng vẫn phải chi một số tiền lớn để đi do sát ngày phải đi làm. Việc tăng giá vé một cách quá cao, lợi dụng nhu cầu đi lại trong những ngày cuối cùng của dịp nghỉ lễ để chặt chém, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.