Nhiều ngày qua, các tài xế liên tục sử dụng tiền xu, tiền lẻ mệnh giá thấp như 200, 500 đồng để trả phí qua trạm BOT Biên Hoà (xã Trung Hoà, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) nhằm phản đối chủ đầu tư đặt vị trí trạm sai và mức phí cao.
Trạm thu phí BOT Biên Hòa được Công ty Đồng Thuận xây dựng trên quốc lộ 1 ở km 1842, đoạn thuộc địa phận ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Vị trí này cách đường tránh TP Biên Hòa 10 km nên nhiều người không đồng tình.
Người dan bức xúc trước việc đặt sai vị trí trạm BOT Biên Hoà và giá vé quá cao nên đã dùng tiền lẻ trả phí qua trạm để phản đối. Ảnh: Văn Dũng |
Anh Duy Linh (tài xế xe tải ngụ huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, trước đây, chủ đầu tư BOT Biên Hoà chỉ sữa chữa mấy đoạn mặt đường quốc lộ 1 qua địa bàn rồi đặt trạm thu phí ngay tại xã Trung Hoà là bất hợp lý. Điều này khiến nhiều tài xế không đồng tình nên đã cho xe chạy vào đường trong khu dân cư ấp Bàu Cá để né trạm.
“Trạm thu phí này đặt không hợp lý, tại vì trạm này là thu phí của đường tránh TP Biên Hòa nhưng chủ đầu tư lại đặt trên quốc lộ 1, cách xa cả chục cây số. Chúng tôi yêu cầu di dời trạm về đúng vị trí ở đường tránh Biên Hòa”, tài xế Duy Linh bức xúc.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Chiến (ngụ xã Trung Hòa) bức xúc: “Trạm thu phí đặt ở vị trí này là sai và thu phí với giá quá cao. Do vậy, xe lớn, xe nhỏ đều chọn cách né tránh vào đường trong khu dân cư gây nguy hiểm cho người dân chúng tôi”.
Ông Chiến kiến nghị các cấp chính quyền phải có giải pháp để giải quyết vấn đề này, đồng thời nhanh chóng di dời trạm thu phí về ngay đường tránh để khỏi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.
Người dân địa phương và tài xế kiến nghị di dời trạm BOT Biên Hoà về ngay đường tránh. Ảnh: Văn Dũng |
Một người dân khác cũng nói rằng, nhà đầu tư cần có biện pháp hữu hiệu hơn trong việc thu phí hồi vốn cho dự án. Trong trường hợp vẫn để lại trạm tại khu vực xã Trung Hòa, chủ đầu tư cần giảm giá vé cho tài xế.
Chung quan điểm, nhiều tài xế cũng cho rằng vị trí trạm BOT chưa hợp lý và họ chờ đợi một sự thay đổi hợp lý, hợp tình.
Anh Hưng, người kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách ở xã Trung Hòa cho biết anh không khai thác tuyến nào trên đường tránh Biên Hòa nhưng hàng tháng vẫn phải bỏ hơn 3 triệu đồng để trả phí qua trạm.
“Xe ra khỏi ngõ là đụng trạm thu phí, giá lại cao nên tự nhiên tôi phải chịu thiệt hại khoản tiền không nhỏ. Tôi đề nghị chủ đầu tư phải di dời trạm về đúng con đường mà chủ đầu tư bỏ vốn ra để làm nhằm thuận tiện cho những người dân không có nhu cầu sử dụng đường tránh Biên Hoà”, anh Hưng nói.
Trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa đi vào hoạt động từ năm 2014 với giá vé thấp nhấp 35.000 đồng, cao nhất 180.000 đồng mỗi lượt phương tiện. Theo kế hoạch, trạm sẽ thu phí trong thời gian 10 năm.
Trong 2 ngày 9/9 và 12/9, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ, đồng xu mệnh giá 200 đồng, 500 đồng mua vé qua trạm làm giao thông qua khu vực trở nên rối loạn, ách tắc. Khi xảy ra việc này, chủ đầu tư buộc xả trạm để đảm bảo mạch lưu thông của xe cộ qua khu vực.
Liên quan đến vấn đề này, vào ngày 16/6, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký văn bản số 5781/UBND-ĐT có nội dung kiến nghị Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ Việt Nam di dời trạm thu phí BOT Tân Phú ở quốc lộ 20, giảm giá vé ở trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa và điều chỉnh hệ thống trạm trên quốc lộ 51 để phù hợp với tình hình hiện nay.
Mặc dù văn bản kiến nghị đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký ngày 16/6, nhưng đến nay, chủ đầu tư trạm BOT Biên Hoà vẫn chưa thực hiện việc giảm giá vé qua trạm khiến nhiều tài xế bức xúc.
Mặc dù văn bản kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai do Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký gửi Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ Việt Nam vào ngày 16/6. Nhưng ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phụ giao thông – vận tải lại bác bỏ điều này. Ảnh: Văn Dũng |
Chiều ngày 12/9, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Quốc Hùng qua điện thoại để làm rõ về văn bản kiến nghị do ông ký gửi Bộ GTVT và Cục đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hùng nói rằng đang đi công tác nước ngoài nên chưa thể trả lời được.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phụ giao thông – vận tải thì được ông Vĩnh trả lời rằng UBND tỉnh Đồng Nai chưa có văn bản kiến nghị nào liên quan đến các trạm thu phí BOT trên địa bàn. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về văn bản kiến nghị do ông Nguyễn Quốc Hùng ký ngày 16/6 thì vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh này không trả lời thêm điều gì mà vội tắt máy.
Tài xế qua BOT Biên Hòa: Sẽ tiếp tục dùng tiền lẻ nếu không di dời trạm |