Người dùng sẽ thiệt nếu các đối thủ làm theo Apple bỏ củ sạc và tai nghe

Giới phân tích lo ngại các nhà sản xuất điện thoại Android sẽ làm theo Apple trong việc không bán kèm củ sạc và tai nghe với điện thoại. Nhiều người dùng bình luận rằng họ có thể chấp nhận việc Apple bỏ tai nghe, song việc bỏ củ sạc là hành động quá đáng.

Trong sự kiện ra mắt 4 phiên bản điện thoại iPhone 12 vào tối 13/10 (theo giờ Mỹ), Apple thông báo họ sẽ không bán kèm củ sạc và tai nghe EarPods để giảm tác động môi trường của hành vi dùng điện thoại.

Người mua sẽ chỉ thấy một dây cáp USB-C to Lightning trong hộp sản phẩm. "Táo khuyết" cũng tuyên bố họ sẽ bỏ củ sạc và tai nghe với những phiên bản năm ngoái như iPhone XR, iPhone 11, iPhone SE.

Tương tự, Apple cũng không bán kèm thiết bị sạc cho đồng hồ thông minh Apple Watch. Tập đoàn nhận định động thái đó sẽ làm giảm mức độ tiêu thụ vật liệu đối với mỗi sản phẩm mà họ bán. Kích thước hộp đựng sản phẩm cũng nhỏ hơn để giảm mức phát thải carbon.

Người dùng sẽ thiệt nếu các đối thủ bỏ củ sạc và tai nghe như Apple - Ảnh 1.

Loại bỏ phụ kiện sẽ trở thành xu hướng nếu các nhà sản xuất điện thoại khác noi gương Apple. (Ảnh: Techradar).

Nhiều người dùng bình luận rằng họ có thể chấp nhận việc Apple bỏ tai nghe, song việc bỏ củ sạc là hành động quá đáng.

Tuy nhiên, động thái của Apple chưa phải vấn đề người dùng lo ngại nhất. Sự tiết kiệm của Apple sẽ chỉ khiến những khách hàng lựa chọn iPhone phải bỏ thêm tiền. Vấn đề đáng sợ hơn là loại bỏ phụ kiện sẽ trở thành xu hướng nếu các nhà sản xuất điện thoại khác noi gương Apple.

"Táo khuyết" từng gây nhiều tranh cãi với những chiến lược của họ. Hồi năm 2017, nhiều đối thủ chế giễu thiết kế phần khuyết "tai thỏ" trên iPhone X. Năm 2018 và 2019, Samsung, Xiaomi công bố những mẫu quảng cáo chê phần khuyết của iPhone.

Song phần lớn nhà sản xuất điện thoại thông minh Android đều áp dụng thiết kế "tai thỏ" đó trong những sản phẩm năm 2018. Dù vậy, phần khuyết đỉnh đã không trở thành trào lưu bởi các hãng Android nghĩ ra nhiều cách thiết kế khác để tích hợp camera trước.

Rồi các nhà sản xuất điện thoại Android tiếp tục giễu cợt Apple về lỗ cắm tai nghe 3,5 mm. Google, OnePlus tung những bài viết hài hước về loại điện thoại "có chân cắm tai nghe" trên Twitter. Nhưng rồi sau đó hai tập đoàn đều bán những điện thoại không có cổng 3,5 mm. Những lời chê Apple biến mất.

Sau sự kiện ra mắt iPhone 12, các đối thủ tiếp tục nhạo báng Apple trên mạng xã hội. Samsung, Xiaomi tung đòn đầu tiên. Hành động ấy khiến nhiều người nhớ lại quá khứ, và lo ngại các hãng Android sẽ hành động trái với lời giễu cợt của chính họ.

"Họ đang giễu cợt, nhưng tôi tin chắc phần lớn đối thủ sẽ bắt chước Apple và loại bỏ sạc ra khỏi hộp sản phẩm vào năm 2022", Arum Maini, chủ kênh công nghệ Mrwhosetheboss, dự báo.

Một số người nêu những lí do để tin một số hãng điện thoại Android sẽ không noi gương Apple. Thứ nhất, sạc nhanh đã trở thành một trong những điểm nổi bật của các hãng điện thoại Android, và điểm nhấn ấy sẽ biến mất nếu bỏ sạc theo hộp.

Oppo, Huawei, hay OnePlus đều sử dụng những chuẩn riêng để sạc siêu nhanh cho điện thoại của họ. Những chuẩn đó đòi hỏi củ sạc, thậm chí cáp sạc, phải tương thích. Giới sản xuất điện thoại Android không thể kì vọng người dùng mua củ sạc tương thích, bởi có thể họ sẽ chọn sản phẩm khác có củ sạc.

Mức độ đa dạng của thị trường điện thoại Android cũng là yếu tố khiến các nhà sản xuất phải thận trọng. Người chuộng Android thấy vài chục nhà sản xuất với hàng trăm mẫu điện thoại khác nhau để quyết định.

Khả năng mọi hãng đều thống nhấtbỏ củ sạc trong máy là viễn cảnh gần như bất khả thi. Việc đưa ra quyết định đơn phương sẽ làm hại chính nhà sản xuất.

Kịch bản mọi nhà sản xuất điện thoại Android đều học hỏi Apple có thể là "thảm họa" với người dùng. Song vì chính lợi ích của những doanh nghiệp sản xuất điện thoại Android, người mua có thể hi vọng họ sẽ không chọn cách ấy.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.