Người gác tàu không lương suốt 20 năm

Tiếng còi tàu hỏa rít từ đằng xa, một người đàn ông lấy hết sức bình sinh đẩy chiếc xe lăn ra cạnh gác chắn, tiếng còi síp-lê trên môi anh vang lên, buộc người đi đường phải dừng lại trước đường ranh nguy hiểm.
 - Ảnh 1.

Anh Toàn luôn có mặt ở gác chắn mỗi khi có đoàn tàu đi qua - Ảnh: NGUYỄN TRỌNG

Anh Toàn tự nguyện làm việc rất có ích là cảnh báo nguy hiểm cho mọi người, khiến tôi và nhiều người rất cảm kích.

Anh Võ Phương Long (một người dân xã Lộc Bổn)

Đó là anh Nguyễn Đức Toàn (ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) - người tự nguyện gác chắn đường tàu, cảnh báo nguy hiểm cho dân ngót nghét 20 năm nay.

Người bất hạnh

Trong một vụ tai nạn xe máy 20 năm trước, Toàn bị thương rất nặng tưởng chừng không qua khỏi. Vượt qua đợt "thập tử nhất sinh", gia đình Toàn trở nên khánh kiệt, túng thiếu đủ đường; anh chỉ biết ngồi trên chiếc xe lăn nhìn vợ con, mẹ già mà chảy nước mắt chứ chẳng biết làm gì.

Từ một lao động chính, nay những người thân còn phải lo cho cuộc sống và nhiều sinh hoạt khác của anh. Trong hoàn cảnh quá đỗi khốn khó đó, người vợ dắt hai con trai lên đường đi làm ăn xa. Phần mình, anh Toàn sống phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ già lúc ấy ngoài 60 tuổi.

Sau những ngày "chết đi sống lại" ấy, từ kinh nghiệm bản thân, Toàn hiểu rõ hệ lụy của tai nạn giao thông, nó khiến một gia đình đầm ấm trở nên tan tác, cùng cực. Rồi anh nghĩ đến nhiều vụ tai nạn thương tâm từng xảy ra ở đường tàu gần nhà mình, nơi có con đường dân sinh tự phát băng qua đường ray ẩn chứa quá nhiều nguy hiểm cho sinh mạng người dân.

Tuyến đường ngang ở thôn Hòa Vang ấy do người dân tự mở băng qua đường sắt, trong một thời gian dài chỉ có biển báo nguy hiểm chứ không có gác chắn hay nhân viên trực gác.

Đó là do xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, không chỉ đau đớn với những người đã khuất mà còn để lại vết thương lòng cho người ở lại, cùng nhiều hệ lụy khốn khó kéo theo.

Một tháng trước đó, cũng tại đây, một vụ tai nạn đã cướp mất mạng sống của hai mẹ con sống cách nhà anh không xa khi họ đang băng vội qua đường tàu.

Tàn nhưng không phế

Trong một buổi chiều ngồi ngẫm ngợi buồn bã trên xe lăn, Toàn chợt rùng mình nghĩ đến các vụ tai nạn đã xảy ra trên đường tàu. Thấy người dân vẫn cứ liều lĩnh băng ngang đường sắt khi đoàn tàu vùn vụt lao đến, Toàn đẩy xe lăn lao ra đường, đến gác chắn, báo hiệu cho người đi đường dừng lại. Anh trở thành người gác tàu không lương cho người dân kể từ ngày đó...

Gần 2 năm trước, khi ngành đường sắt cho công nhân đến lắp đặt gác chắn ở đường ngang dân sinh này, anh Toàn cũng mừng vì từ nay người đi đường sẽ an toàn.

Anh tưởng rằng đã đến ngày mình... thất nghiệp, nào ngờ người ta lắp gác chắn tự động và vẫn không có ai canh chừng, mỗi lần tàu chuẩn bị qua, gác chắn tự hạ xuống, nhưng nhiều người dân không đủ kiên nhẫn đợi chờ, vẫn cứ liều mình vượt chắn trước tiếng còi và tiếng rít của đoàn tàu đang lao đến. Vậy là anh tiếp tục đẩy xe lăn ra ngay gác chắn, thổi síp-lê cảnh báo mọi người...

Hàng xóm và người dân qua lại quý mến và cảm phục công việc của anh Toàn. Thi thoảng, nhiều người dừng lại, khi thì gửi anh vài nghìn đồng, khi thì cho chai nước uống, có khi họ cho bịch gạo để giúp đỡ anh đắp đổi qua ngày...

Anh Toàn bùi ngùi chia sẻ: "Cuộc sống tật nguyền của mình vốn dĩ rất khó khăn, nhưng mà mình giúp người khác thì cái được lớn nhất mang lại cho mình chính là niềm vui và sự thanh thản. Mà bạn thấy đó, của ít lòng nhiều, mình cũng được nhiều người giúp đỡ!".

Toàn cho biết anh làm công việc này để chứng tỏ cho người khác thấy rằng dù tật nguyền nhưng tâm hồn anh không bị khuyết tật. "Mình quyết tâm làm sao không để thêm một ai bị thương hay mất mạng vì tàu hỏa ở đường chắn này nữa" - anh nói.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.