Chị Nguyễn Trần Thùy Dương (bên phải) cùng chị gái đến trung tâm đăng kí hiến tạng. Ảnh: Đinh Tuấn. |
Đèn hải đăng Hải An bừng sáng
Bé Hải An qua đời vì bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một căn bệnh hiếm gặp ở trẻ em. Trước khi qua đời, Hải An đã đồng ý hiến tặng giác mạc của bé để mang lại ánh sáng cho những người khác. Câu chuyện bé Hải An hiến giác mạc không chỉ giúp cho hai người có cơ hội nhìn thấy ánh sáng mà đã thực sự tạo nên một phép màu kì diệu lan tỏa ra xã hội.
Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người những ngày sau đó đã nhận được rất nhiều đơn xin được hiến nội tạng sau khi chết. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho những bệnh nhân đang cần được chữa trị.
Trước đó, ngày 26/2 ca ghép giác mạc cho hai người mắc bệnh lý về mắt từ giác mạc của cô bé 7 tuổi Hải An đã diễn ra thành công. Hai người đã được ghép giác mạc của bé Hải An là một cụ bà 73 tuổi và một bệnh nhân nam 42 tuổi. Hiện cả hai đều tiến triển tốt về khả năng nhìn.
Câu chuyện về sự dũng cảm của bé Hải An đã thực sự thúc đẩy nhiều người đăng kí hiến tạng. Nếu như trước đây, họ vẫn còn hoài nghi, hoang mang về việc hiến tạng thì câu chuyện về Hải An đã giúp họ có thêm động lực.
“Hôm mùng 8/3 đã nhận được 2 đơn đăng kí hiến tạng của hai mẹ con. Họ chọn vào ngày đặc biệt này để đánh dấu việc làm ý nghĩa. Hay như câu chuyện về sư thầy bay từ Thái Lan về đăng kí, một kiều bào nước ngoài thu xếp công việc để đến trung tâm đăng kí hiến tạng đã khiến chúng tôi rất xúc động. Câu chuyện của Hải An thực sự là một phép màu cổ tích giữa đời thực”. chị Hương (nhân viên tiếp nhận hồ sơ đăng kí hiến tạng) xúc động kể.
Chị Nguyễn Trần Thùy Dương tại Trung Tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (bệnh viện Việt Đức, Hà Nội). Ảnh: Đinh Tuấn. |
Thuận theo nguyện vọng của con, mẹ bé Hải An tiếp tục thắp ngọn hải đăng Hải An bằng cách tiếp tục vận động mọi người khiến nội tạng sau khi qua đời. Từ sau sự ra đi của con, hàng ngày chị nhận được rất nhiều cuộc gọi từ khắp nơi. Hầu hết là những người đang trong tình trạng khủng hoảng về bệnh tật cần sự tư vấn từ chị.
Những ngày này, bên cạnh việc lo hậu sự cho con, người mẹ gầy gò nhưng kiên cường vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình mà con mình đã trao lại, tình yêu thương con đã tạo cho chị động lực và quyết tâm thực hiện những việc giúp ích cho cộng đồng.
Tâm sự với chúng tôi, chị chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ hối hận về việc mà tôi và con đã làm, nhìn thấy nhiều người được chữa trị, nhiều người lấy lại được niềm tin vào cuộc sống khiến tôi mừng lắm. Đấy là lí do vì sao tôi chưa bao giờ tắt điện thoại, chỉ sợ người ta cần mình mà gọi đến không gặp được thì tôi áy náy lắm. So với con mình, tôi cần phải mạnh mẽ và lạc quan hơn để lại tiếp tục cuộc hành trình giúp đỡ người khác mà con còn dang dở”.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc (phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người) nói:
“Trong suốt 5 năm qua trung tâm đã nhận được gần 13000 người đăng kí hiến nội tạng. Câu chuyện nhân văn cô bé Hải An đã lan rộng được tinh thần yêu thương, họ không còn cảm thấy sợ hãi hay hoang mang khi chưa thực sự hiểu rõ về hiến ghép mô tạng.
Suốt 10 ngày qua đã có hơn 1000 người liên lạc hiến tạng ở bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, tp Hồ Chí Minh) và gần 900 người đến đăng kí tại trung tâm ở bệnh viện Việt – Đức”.
Mở rộng cơ hội được sống
Theo điều 5 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì điều kiện được hiến tạng phải từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Điều này khiến rất nhiều người muốn hiến tạng hay những trẻ em cần tạng khó khăn hơn rất nhiều trong việc điều trị. Mong muốn này không chỉ riêng chị Dương mà có rất nhiều người cũng đóng góp ý kiến nhằm tác động sửa đổi, bổ sung điều luật này nhằm mở rộng cơ hội được sống hơn cho mọi người.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (bệnh viện Việt Đức, Hà Nội). Ảnh: Đinh Tuấn. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ: “Trung tâm cũng đang hoàn thiện hồ sơ để trình lên trên đề xuất về việc độ tuổi đăng kí hiến tạng, hiện tại những người cần nội tạng so với số lượng người hiến tạng còn quá ít ỏi, đã có những câu chuyện đau lòng xảy ra vì không được cấy ghép kịp thời. Thật sự, đó là sự hối tiếc rất lớn của chúng tôi”.
Ông trao đổi thêm: “Chúng tôi tin rằng trong thời gian tới câu chuyện của bé Hải An còn cháy bùng lên những giá trị nhân văn và chắc chắn sẽ được nhiều hơn tiếp tục thắp ngọn lửa để cho ngọn lửa Hải An vẫn luôn hiện hữu, đem lại năng lượng, động lực , niềm vui, hạnh phúc cho cộng đồng , cho xã hội.Như vậy một cô bé nhỏ như Hải An đã làm nên điều phi thường và mẹ của bé cũng là một người dũng cảm, một người mẹ với trái tim đập mạnh mẽ hơn vì con của mình”.
5 tuổi, bé Hải An được phát hiện trong não có khối u. Tuy nhiên, thời điểm đó bác sĩ chẩn đoán khối u phải tới 18 tuổi mới khởi phát thành ung thư. Tháng 9/2017, bé bất ngờ phát bệnh, sau đó bệnh diễn biến rất nhanh. Tháng 9, Hải An bị liệt dây thần kinh số 7. Tháng 10 liệt dây 6, phải che một bên mắt. Tháng 11, các dây thần kinh đi đứng, nói năng của bé bị ảnh hưởng, tai con bắt đầu không nghe được, liệt tay,… Thời điểm Hải An nằm trong phòng cấp cứu, sức khỏe đã rất yếu, giọng nói đã bị ngọng đi nhưng con vẫn động viên mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc”. Dù rất đau đớn nhưng Hải An vẫn luôn cố gắng chịu đựng và chỉ nói với mẹ: “Con vẫn chịu đựng được”. Trước khi con mãi ra đi, trên chặng đường đưa con về nhà bằng xe cứu thương, chị Dương đã tự mình bóp bóng trợ thở cho con tới kiệt sức. Lúc con ra đi, chị đã ôm bé rất lâu trước khi nhân viên y tế đến lấy giác mạc của Hải An.
|
Vì sao giác mạc bé Hải An lại được ghép cho 2 người lớn?
Thời gian gần đây có nhiều câu hỏi gửi tới Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia hỏi về đôi giác mạc của bé ... |