Người nghèo chật vật lo Tết

Trong khi nhiều người háo hức đón Xuân Đinh Dậu với bánh mứt hoa quả, rượu bia và quần áo mới, đâu đó một bộ phận không nhỏ người dân ở TP HCM vẫn đang đánh vật với cuộc sống, chạy ăn từng bữa. Nói theo một cách nào đó thì họ đang…  sợ Tết đến.

Tết ngay sau lưng

nguoi ngheo lo tet
Tết cận kề nhưng nhiều người vẫn chưa chuẩn bị gì vì đang đánh vật với cuộc mưu sinh. Ảnh KA

Giữa tháng Chạp, tôi đi cắt tóc ở một tiệm gần nhà, tôi hỏi Hoàng – chủ tiệm, Tết này ăn Tết lớn không. Mặt anh buồn so thổ lộ: “Mấy năm trước, giờ này trong nhà đã có ít bánh mứt và kiệu chua rồi. Hai vợ chồng làm tháng gần 10 triệu đồng mà vẫn không lo đủ cho hai đứa nhỏ ông à. Tết ngay sau lưng mà chưa mua được cho tụi nhỏ bộ quần áo mới nào thấy buồn quá”.

Hoàng là người gốc thành phố, có nhà bố mẹ để lại và có công ăn việc làm ổn định mà còn than như bộng khi nhắc đến Tết. Nghĩ vậy, chúng tôi quyết định dạo quanh những khu nhà trọ và xóm nghèo trong thành phố, để xem người nghèo lo Tết.

Trên Bến Bình Đông, quận 8, chúng tôi gặp nhóm công nhân miền Tây đang bốc vác gần đó. Mấy anh em công nhân này năm nào cũng về quê vì gia đình họ chỉ cách thành phố hơn trăm cây số nhưng nói đến Tết ai cũng ngao ngán.

nguoi ngheo lo tet
Nhóm thợ hồ có cảm giác sợ Tết vì sau ba ngày Xuân thường rất ít việc. Ảnh KA

“Tết gì anh ơi, ngày nào có vài ba xị lai rai là Tết rồi. Bốc vác như tụi tui lương đâu có nhiều mà nghĩ chuyện Tết nhứt. Nói vậy chứ hổm rồi tui cũng ra mua được cái quần jeans mặc với người ta. Mà dân miền Tây mình đâu có chuẩn bị nhiều, vài cặp bánh tét, nồi thịt kho tàu rồi bứng cây mai từ vườn ra hiên là Tết thôi”, Tuấn một bốc vác quê Bến Tre cho biết.

Nói vui một hồi các anh cũng thừa nhận đang rầu “thúi ruột” vì đi làm cả năm cũng không có đồng dư. Anh chưa vợ ráng gom tiền tháng mua cho “bà già” cái bếp gas làm quà, tiền dư để dành lì xì em út, cháu chắt và lai rai mấy ngày Tết. Anh nào có vợ thì khá hơn, mua thêm được ít bánh mứt, nhánh tầm xuân, tranh 3D và mấy bộ đồ mới cho con cái trước ngày về quê. Tính đi tính lại cái Tết của họ gói gọn trong một, hai triệu đồng.

Trong số những người nghèo chúng tôi gặp, có một nhóm người không chỉ lo Tết mà còn tỏ ra sợ hãi. Đối với họ Tết không chỉ riêng chuyện quần áo, bánh mứt, tiền tiêu… mà là những ngày nằm dài đói việc. Đó là nhóm thợ hồ và lao động phổ thông. Nhiều người ra Tết kiếm việc miệt mài nhưng mãi tận rằm tháng hai mới có người thuê vài ba hôm rồi lại loay hoay kiếm việc hoặc nằm nhà chờ thời.

Những người không Tết

nguoi ngheo lo tet
Với nhiều người, việc chạy ăn từng bữa đã khá vất vã nên Tết không có đồng dư để sắm sửa thêm. Ảnh KA

Ngược xuống khu Gò Vấp giáp quận 12, chúng gặp anh Nguyễn Văn Quí, quê Quảng Bình, đang lấy hoa kiểng tại vựa hoa trên đường Phạm Văn Chiêu. Anh Quí cho biết, năm nay làm ăn bết bát lắm. Mấy năm nay, người bán ngày một nhiều thêm mà người mua thì ít lại.

Tết này anh có về quê không, chúng tôi hỏi. Như khơi đúng nỗi niềm, anh Quí giãi bày: “Phòng tôi năm thằng nhất trí đón Tết ở Nam, tiền đâu mà về quê, riêng tiền xe ra vô đã gần 4 triệu chứ tính gì đến quà cáp, mừng tuổi và tiền xài. Tiền đó để mẹ nó sắm cho bọn trẻ cái máy tính học tập, thời buổi này mà không có mấy thứ đó thì dốt chết”.

Dừng chân ở vựa hoa này một tí, chúng tôi cảm nhận rõ hơn cuộc sống của những lao động tha phương này. Thường thì những ngày cuối năm, nhóm người này phải làm việc gấp đôi vì đây là cơ hội kiếm sống khá nhất trong năm. Chính vì thế, nhiều người đã chọn ăn Tết xa quê để dôi thêm ít tiền làm vốn hay lo cho con cái ăn học.

nguoi ngheo lo tet
Nhiều người nhập cư quyết định không về quê đón Tết do tiền tàu xe đắt đỏ. Ảnh KA

Rời con phố chuyên bán hoa chúng tôi ghé chợ công nhân ở khu chế xuất, khu công nghiệp gần đó để tìm hiểu “sức mua” của công nhân những ngày cận Tết như thế nào. Hàng hóa ở đây khá phong phú gần như có mọi thứ từ bánh mứt, hoa quả đến quần áo và các loại thức uống nhưng giá cả rẻ bèo vì chất lượng không tốt.

Công nhân đi chợ nhiều nhưng chủ yếu là mua đồ ăn thường nhật, chẳng mấy ai sắm Tết. Thấy nhóm công nhân nữ đang lựa đồ con nít, chúng tôi lân la làm quen. Một chị trong nhóm mặt tươi hẳn khi vừa thanh toán tiền cho ba bộ đồ trẻ con. “Hàng xuất khẩu đó, ba cái mất trăm hai, chắc con bé ở nhà thích lắm”, chị Hoa quê Thái Bình gói gém cẩn thận bộ đồ rồi khoe với chúng tôi.

“Mỗi lần về quê cực lắm và tốn kém lắm, nhất là Tết nhất và lễ lạt, cái gì cũng tăng giá, lương công nhân chịu sao nổi. Tết ở đây mình chẳng sắm gì, chỉ mua ít đồ cho con gửi về quê làm quà”, chị Hoa ngậm ngùi. Sở dĩ nhóm chị Hoa không về quê là vì mấy chị vừa xin được chân rửa bát ở một quán ăn gần chỗ trọ, làm đôi ba ngày Tết để kiếm thêm vài trăm ngàn tiết kiệm.

Dạo một vòng thành phố vào những ngày cuối năm thật khó để kể hết cuộc mưu sinh đầy vất vả của người nghèo trước cái Tết Nguyên Đán đang gần kề, hay những cảnh đời đón Xuân tha hương vì còn bận lòng cơm gạo. Nói như những người làm nghề lượm ve chai và bán vé số - những người lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm trong những ngày Tết, thì: “Tết là dịp người ta tiêu tiền còn với mình là ngày để kiếm tiền”.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.