Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP HCM cho biết theo thống kê từ năm 2014 đến năm 2017, tỉ lệ tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng rượu bia chiếm từ 6-9% trong tổng số vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên. Trong năm 2018, tỉ lệ này được kéo giảm xuống 4%.
Theo ông Phúc, hiện chưa có thống kê đầy đủ về mức tiêu thụ rượu bia của người dân TP nhưng qua số liệu từ Sở Công thương, chỉ riêng dịp tết, thị trường TP HCM đã tiêu thụ đến 44 triệu lit bia. Việc uống rượu bia diễn ra phổ biến khắp nơi từ nhà riêng, quán nhậu vỉa hè đến nhà hàng sang trọng, quán karaoke, vũ trường…
Mặc dù ngành y tế và các cơ quan chức năng đưa ra rất nhiều cảnh báo về những hậu quả khôn lường do rượu bia gây ra nhưng tình trạng lạm dụng rượu bia ở Việt Nam vẫn đang gia tăng vô tội vạ tới mức báo động.
“Văn hóa rượu bia” đang bị lạm dụng quá mức trong thói quen sinh hoạt hiện nay của người Việt. Rượu bia xuất hiện trong mọi cuộc vui, buồn, hiếu, hỉ. Vui uống rượu ăn mừng, buồn uống rượu giải sầu. Nhiều người uống rượu bia nhưng vẫn lái xe tham gia giao thông mà không quan tâm đến hậu quả, sự an toàn của bản thân và mọi người.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức, thuộc Trường Đại học Việt Đức cho biết, theo kết quả Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam cho thấy nhiều người sau khi nhậu vẫn tự chạy xe về nhà.
Theo đó, 68% thực khách tự chạy xe về sau khi nhậu, khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng say xỉn. Trong số đó, rất nhiều người không chấp hành luật giao thông như: không bật đèn xi nhan, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, không mở đèn xe…
Nhiều nạn nhân nhập viện Việt Đức vì TNGT sau khi sử dụng rượu bia, trước khi bị tai nạn nghĩ rằng: “Đi quãng đường ngắn nên an toàn”, “Tôi nghĩ rằng lái xe máy sau khi uống rượu bia vẫn an toàn như mọi khi”,… Nhưng thực tế, những nạn nhân nghĩ mình vẫn bình thường đủ khả năng chạy xe ra về lại có tỉ lệ chấn thương nặng hơn so với những người cảm thấy bị say. Dù vậy, gần 2/3 số nạn nhân vẫn tiếp tục tự chạy xe ra về sau khi uống rượu bia say.
Thượng tá, PGS.TS Lê Huy Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông, thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân cũng cho biết, dù số lượng thống kê của CSGT chỉ có 4% số vụ TNGT liên quan đến rượu bia, nhưng số liệu từ BV Việt Đức và Saint Paul có đến 62% (2008-2009), 32,6% (2013) nạn nhân TNGT có nồng độ cồn trong máu vượt quy định.
Viện Pháp y Quốc gia xét nghiệm 500 nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ thì 34% nạn nhân trong máu có nồng độ cồn.
Theo Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 2 về tỉ lệ uống rượu bia ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 10 ở châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỉ lit bia vào 70 triệu lit rượu, đó là chưa kể khoảng 200 lit rượu không chính thống được nấu ở trong dân cũng được tiêu thụ hết. Nếu tình trung bình, ở Việt Nam một người nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lit cồn nguyên chất mỗi năm.
Viện Chiến lược và chính sách y tế cũng cho biết, 77,3% nam giới ở Việt Nam thường xuyên sử dụng rượu bia. Việc sử dụng rượu bia có liên quan đến 200 loại bệnh tật như: ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tâm thần, ngộ độc. Rượu bia là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội và là một trong những nguyên nhân chính gây TNGT.Uống 1 ly bia tăng khả năng TNGT gấp 3 lần!
TS Vũ Anh Tuấn cho hay, kết quả mô phỏng chứng minh chỉ cần uống 1 ly bia, xác xuất TNGT tăng gấp 3 lần, nếu nồng độ cồn 50mg/100ml máu (tương đương 2 ly bia) thì xác suất gây TNGT tăng lên gấp 7 lần.
“Phụ nữ cần phải hiểu tác hại của rượu bia như thế nào đưa ra lời khuyên với chồng mình rằng không được chạy xe khi đã uống rượu bia hoặc đã trót đi rồi thì để xe đó đi phương tiện khác về, tránh nguy hiểm cho bản thân mình và người đi đường”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, mức phạt vi phạm rượu bia hiện của Việt Nam so với thu nhập bình quân đầu người cao nhưng chưa đủ tính răn đe, vì chưa quy định mức phạt cho hành vi này trong trường hợp tái phạm.
Ông Tuấn dẫn chứng, ở nước ngoài nếu vi phạm về nồng độ cồn đến lần thứ ba sẽ bị tước GPLX vĩnh viễn vì không có khả năng kiểm soát hành động của mình.