Nguồn cung bất động sản tại TP HCM giảm hơn 50% so với năm ngoái

Ba tháng đầu năm 2019, nguồn cung bất động sản tại TP HCM giảm hơn một nửa so với cùng kì năm ngoái. Tuy nguồn cung giảm nhưng khu vực phía Đông Sài Gòn được dự báo sẽ “gây sốt” với hàng loạt dự án và công trình hiện đại đi kèm.

Báo cáo tại hội nghị về bất động sản TP HCM diễn ra sáng nay, Quản lí cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Thức cho biết tình hình nguồn cung bất động sản của thành phố giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, tổng nguồn cung bất động sản tại TP HCM trong quí I/2019 là 4.423 đơn vị, đến chủ yếu từ 12 dự án lớn. Trong đó, ở phân khúc hạng sang "luxury" có 1 dự án, cao cấp 4 dự án, trung cấp 6 dự án và phân khúc bình dân là 1 dự án.

Nguồn cung bất động sản tại TP HCM giảm hơn 50% so với năm ngoái - Ảnh 1.

Theo CBRE, nguồn cung bất động sản quí I/2019 giảm hơn 50% so với cùng kì năm ngoái. (Ảnh: Thanh Niên)

Như vậy, chiếm phần lớn nguồn cung bất động sản đầu năm 2019 tại TP HCM là các dự án thuộc phân khúc trung và cao cấp.

"So với cùng kì năm ngoái, tổng nguồn cung này giảm đến 54%. Nguyên nhân của sự sụt giảm là do cơ quan chức năng thắt chặt các qui định về tín dụng bất động sản cũng như nghiêm ngặt hơn trong việc phê duyệt các dự án mới", ông Nguyễn Trọng Thức nói.

Đại diện CBRE cho biết thêm tuy nguồn cung bất động sản giảm nhưng thị trường vẫn còn khá hấp dẫn bởi nhu cầu thực tế của khách hàng vẫn cao, gồm cả việc mua để ở, đầu tư hoặc kinh doanh.

Cụ thể, quí I/2019, thị trường TP HCM ghi nhận gần 6.000 đơn vị bất động sản được bán ra, tức cao hơn 33% so với tổng nguồn cung mới từ các dự án lớn.

Tuy tổng số đơn vị bán ra vẫn thấp hơn so với các quí trước nhưng theo các chuyên gia, tiềm năng bất động sản ở các phân khúc vẫn rất cao, đặc biệt tại khu Đông Sài Gòn gồm các quận 2, 9, Thủ Đức và một phần quận Bình Thạnh.

Nguyên nhân là các dự án trọng điểm của TP HCM trong năm nay và thời gian tới đều tập trung tại khu vực này.

Cụ thể, các dự án trọng điểm tại khu Đông Sài Gòn gồm tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cùng cầu Thủ Thiêm số 2, 3, 4, cầu Cát Lái, sân bay Long Thành…

Theo chuyên gia, việc hình thành các công trình này tạo điều kiện thuận lợi để kết nối cho các dự án lớn. Vì vậy, hầu hết nguồn cung mới trong năm nay cũng được dự đoán sẽ tập trung tại khu vực này.

Ngoài ra, CBRE cũng cho biết thêm về giá nguồn cung bất động sản quí I/2019 đều tăng so với cùng kì, ở tất cả các phân khúc. Cụ thể, phân khúc hạng sang "luxury" tăng mạnh nhất với 12,3%, tiếp đến là phân khúc cao cấp và trung cấp, tăng lần lượt 5,2% và 2,8%. Trong đó, phân khúc bình dân lại tăng không đáng kể với 1,5%.

Liên quan nguồn cung bất động sản TP HCM giảm đầu năm, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, UBND TP HCM nhanh chóng giải quyết hơn 100 dự án đang bị đóng băng trên địa bàn.

Theo HoREA, việc khan hiếm nguồn cung do nguyên nhân khách quan và chủ quan sẽ khiến các nhà đầu tư phải chịu nhiều thêm phí và bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh.

Trong khi đó, các dự án có thể tăng giá nhà đất do qui luật cung cầu của thị trường, làm giảm cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình và thấp tại đô thị.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.