Sau người cỏ, đồ gỗ, hình nhân, người Trung Quốc đã chế ra vàng mã để thay thế khi cúng tế ông bà tổ tiên, các vị thần tam-tứ phủ. Nghề làm vàng mã có lúc đi xuống rồi lại phục hưng nhờ màn kịch hối lộ diêm vương nơi địa phủ của Vương Luân.
Tóm tắt phần 1: một số nền văn hóa cổ đại, trong đó có Việt Nam quan niệm chết không phải là hết mà là bắt đầu một cuộc sống mới nơi âm phủ. Dương sao âm vậy nên người xưa có tục chôn theo người chết các đồ vật khi còn sống, đồ mã và cả người sống...
Sáng chế vàng mã đốt thay đồ thật
Cho đến thời nhà Hán, người Trung Quốc đã bỏ lệ tuẫn táng (chôn người sống theo người chết) rất bất nhân; tuy nhiên họ vẫn còn tục tùy táng: chôn sống các món đồ ăn mặc, hành dùng của người chết, làm nhà mồ để người thân người chết ra ấp mộ, làm phỗng đá. Từ đời Đường, người Trung Quốc mới chế ra giấy vàng mã để thay cho các hình nhân, đồ vật thật, đồ mả chôn theo người chết khi có tang ma, theo hai bài viết "Nguyên nhân tục lệ đốt vàng mã" của hòa thượng Tố Liên và "Bàn về vàng mã" trên báo Đuốc Tuệ.
Câu chuyện chế tạo vàng mã bắt đầu từ việc chế ra giấy. Đời Hậu hán, vua Hòa Đế hiệu Nguyên Hưng năm đầu (105 sau Công nguyên), ông Thái Lĩnh lấy vỏ cây dó và rẻ rách, lưới rách đem chế ra giấy. Đời nhà Đường (bắt đầu từ năm 618), ông Vương Dũ dùng giấy chế ra vàng bạc, quần áo... bằng đồ giấy để cúng rồi đốt đi để thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ, theo sách Pháp Uyển Chu Lâm truyện và Vương Dư. Về sau, Vương Dũ được vua Đường Huyền Tông mê thuật quỷ thần trọng dụng làm quan Thái thường bác sỹ trông coi việc chế vàng mã khi nhà vua có tế lễ, theo sách "Thông giám cương mục".
Năm Khai Nguyên thứ 26 (năm 738), vua Huyền Tông ra sắc dụ cho phép dùng tiền giấy thay cho tiền thật trong việc cúng tế cầu siêu... Như vậy, có thể nói Vương Dũ chính là thủy tổ nghề vàng mã.
Ngoài giấy tiền vàng bạc cùng các loại giấy khác, người Trung Quốc thời đó còn chế ra các loại hình nhân thế mạng cho vợ hầu, con cái, tôi tớ, cửa nhà, xe cộ, đồ đạc, vật dụng, áo quần, lục súc… và hàng trăm vật khác làm bằng giấy. Các loại đồ vàng mã gọi chung là minh khí này liên tục xuất hiện, làm cho nhân dân đua nhau chuộng đồ mã.
Đồ vàng mã tại Hồng Kông (Ảnh: Bluebalu) |
Đến đời vua Đạt Tông (năm 762, cũng trong thời nhà Đường), khi Phật giáo đang cực thịnh ở Trung Quốc, nhân dịp lễ Vu Lan, một nhà sư Phật giáo muốn khuyến khích người dân theo Phật nên tâu với vua ra lệnh cho người dân đốt nhiều vàng mã để kính biếu gia tiên trong ngày này. Không lâu sau, chiếu chỉ của vua lại bị chư tăng Phật giáo công kích dữ dội vì đốt vàng mã vào ngày rằm tháng 7 đã làm mất đi ý nghĩa thật sự ngày lễ Vu Lan (Theo Kinh Vu Lan bồn, lễ vu lan là dịp các Phật tử cúng dường Tam bảo và chư tăng, tích đức để giúp ông bà, tổ tiên được siêu thoát nhờ công đức tu hành của chư tăng).
Trước sự phản đối của chư Tăng, người dân Trung Quốc tỉnh ngộ bỏ vàng mã nên nghề vàng mã dần suy thoái. Hậu duệ của Vương Dũ là Vương Luân bị thất nghiệp đã nghĩ kế làm người chết sống lại để người đời tin tưởng là nhờ hối lộ vàng mã mà thần thánh cho mình được phục sinh. Kể từ đó, nghề vàng mã lại phục hưng, người dân Trung Quốc tiếp tục dùng vàng mã để đốt cho linh hồn các gia tiên và thiên, địa, quỷ, thần trong tam, tứ phủ khi ma chay, tế lễ. (Tam tứ phủ là tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam và nhiều nước châu Á, thờ các vị đứng đầu và các quan cai quản trời-đất-nước và địa phủ để cầu xin tài lộc, sức khỏe trong đời sống hiện tại).
Trò lừa "buôn thần bán thánh" của Vương Luân đã được ghi lại trong sách Trực Ngôn Cảnh Giáo, theo hòa thượng Tố Liên.
Nhờ màn kịch hối lộ vàng mã cho thần thánh để người chết sống lại của Vương Luân mà nghề vàng mã ở Trung Quốc được phục hưng. Ảnh chụp của Alamy: một miếu thờ thần văn học (cầu xin học giỏi, thi đậu) và thần chiến tranh ở Hồng Kông |
Đốt vàng mã không có trong Phật giáo và Nho giáo
Trong bài Nguyên nhân tục lệ đốt vàng mã trên báo Đuốc Tuệ, hòa thượng Tố Liên khẳng định "Chúng ta có ai thấy Phật dạy đốt vàng mã cúng gia tiên về ngày rằm tháng bẩy đâu?... Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên... Vàng mã ở kinh sách nào? Nếu các ngài tìm thấy, bần tăng này xin cam tâm vào địa ngục để chịu lấy tội vong hữu".
Còn bài Bài về vàng mã có đoạn "những cái thuyết "Chôn đồ, đốt mã, gởi kho là cái hủ tục bởi bệnh mê tín của nước Trung Hoa truyền nhiễm sang Việt Nam, chứ nguyên lai đạo Phật, đạo Nho không bao giờ có. Ông Vương Nhựt Hưu là tiến sĩ, làm quan đến chức Quốc học sĩ cũng nói: "Đã khảo cứu hết Kinh sách không thấy chỗ nào có sự gởi kho và trả nợ trong đạo Phật"".
(Chôn đồ là tục chôn đồ theo người chết để sau khi chết họ có đồ dùng. Gởi kho là tục lệ của nước Liêu vào đời Tống ở Trung Quốc (năm 916-1125), định kỳ hàng năm quan, dân trong nước tập hợp nhiều món vàng mã cùng dâng cúng thần rồi đốt, gọi chung là "ký khố" để sau khi chết xuống âm phủ lấy ra xài hoặc trả nợ Tào quan ở đó để khỏi tù tội.)
Theo giáo sư tiến sĩ Ngô Đức Thịnh chuyên nghiên cứu tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu nào khẳng định thời điểm xuất hiện tục đốt vàng mã ở nước ta, nhưng chắc chắn tục lệ này đã tồn tại từ hàng trăm năm do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
Tục đốt vàng mã không có trong kinh sách, lời Phật dạy mà xuất phát từ thời nhà Đường ở Trung Quốc và được truyền sang Việt Nam trong thời kỳ các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ nước ta cũng là quan điểm chung của nhiều bậc thượng tọa, hòa thượng Phật giáo, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong các bài phỏng vấn với báo giới, bài pháp thoại dành cho các phật tử...
Hoà Thượng Thích Tố Liên
Cố đại lão Hoà Thượng Thích Tố Liên (1903-1977) là một tu sĩ Phật giáo có nhiều công lao trong phong trào chấn hưng Phật giáo, đưa Phật giáo Việt Nam hòa nhập với Phật giáo Thế giới giai đoạn giữa thế kỷ 20. Năm 1951, ông là sáng lập viên kiêm Tổng thư ký của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức thống nhất Phật giáo toàn quốc, tiền thân của Giáo hội Phật giáo thống nhất Việt Nam sau này.
Bài tuyên truyền bài trừ vàng mã "Nguyên nhân tục lệ đốt vàng mã" của hòa thượng Tố Liên được đăng trên báo Đuốc Tuệ (cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc Kỳ thời trước Cách mạng tháng 8) số ra năm 1952. Bài viết ra đời trong bối cảnh phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20 của các cao tăng và cư sĩ trí thức với mục đích loại bỏ những đám mây mê tín dị đoan, làm cho bầu trời văn hóa Phật giáo Việt Nam trở nên trong sáng hơn.
Linh Trần (tổng hợp)
(Còn tiếp)