phát từ đâu, có phải là tập tục truyền thống trong văn hóa Việt Nam không?
Mời bạn đọc theo dõi chuỗi bài viết của VnReview tổng hợp và phân tích nguyên nhân sâu xa của tập tục này, dựa trên những ý kiến của các tu sĩ Phật giáo lẫn các nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng ở nước ta.
Nhận thức về cuộc sống sau khi chết ở cõi âm
Thượng Tọa Thích Nhật Từ (trụ trì chùa Giác Ngộ tại Q.10 TP.HCM, tiến sĩ triết học tại Ấn Độ, tác giả và dịch giả nhiều quyển sách nổi tiếng về Phật pháp và thực hành Phật pháp) đã nói trong một bài giảng pháp về ‘‘nghiệp và luân hồi'': nguồn gốc của tục đốt giấy vàng mã xuất phát từ nhận thức về cuộc sống sau khi chết của người thời cổ. Người Ai Cập cổ quan niệm cõi sống chỉ có hai phương diện: dương thế và âm phủ. Dương thế là cuộc sống tạm thời trong vài chục năm, còn âm phủ là vĩnh viễn.
Cõi âm cũng có mặt trong văn hóa Trung Quốc cổ đại. Theo sách Thuyết Văn Giải Tự (từ điển từ nguyên chữ Hán đầu tiên ra đời vào thế kỷ 1) "Nhân sở quy vi quỷ", nghĩa là con người sau khi chết đều trở thành quỷ. Người Trung Quốc cho rằng người chết thành quỷ, thế giới của quỷ cũng giống trên dương gian, cũng cần phải sinh hoạt và cần đến tiền bạc, chỉ khác nhau ở chỗ âm dương cách biệt.
Theo tiến sĩ Trần Lâm Biền, một chuyên gia về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu hay về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo, người Việt cũng quan niệm người chết không phải là hết. Trong nhận thức người Việt cổ, vũ trụ gồm 3 tầng: Tầng cao nhất dành cho thần linh có thân xác khổng lồ, tầng thứ hai dành cho nhân gian, và tầng cuối cùng là tầng âm ty. Người cõi âm rất nhỏ bé so với người sống trên dương thế.
Cũng theo thượng tọa Thích Nhật Từ trong một bài phỏng vấn với báo Pháp Luật, quan niệm hỏa ngục/ địa ngục tồn tại trong lòng đất có trong tất cả các tôn giáo nhất thần và đa thần trên thế giới.
Tôn giáo nhất thần là các tôn giáo chỉ tin vào một vị đấng tối cao duy nhất như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái, Sikh giáo, Đạo Bahá'í. Tôn giáo đa thần là các tôn giáo đặt niềm tin vào nhiều vị thần mà không có đấng nào là cao nhất.
Tục chôn đồ tùy táng của người Ai Cập và Trung Quốc cổ
Tồn tại trong giai đoạn năm 3.100 - năm 30 trước Công nguyên, với quan niệm chết là bắt đầu cho cuộc sống dưới âm phủ sau đó nên trong triều đại của mình, các pharaoh Ai Cập đã ra công xây dựng những kim tự tháp nguy nga, tráng lệ để ướp xác mình và chôn theo vàng bạc, châu báu, các hoàng phi, cung tần mỹ nữ của mình với mục đích tiếp tục hưởng thụ cuộc sống sung túc về vật chất sau khi chết trong cõi âm.
Ảnh chụp các kim tự tháp ở Giza, Ai Cập được các pharaoh xây dựng vào khoảng 2.500 năm trước Công nguyên (Ảnh: Cordon Press) |
Tiến bộ hơn người Ai Cập, người Trung Quốc từ chỗ chôn sống người thật và tiền bạc thật đã thay bằng các đồ vật nhiều chất liệu, các hình nhân, tượng nhà mồ v.v… Các nghi thức này đã được cố hòa thượng Tố Liên trình bày chi tiết trong một bài viết trên báo Đuốc Tuệ năm 1952. VnReview xin tóm lược như dưới đây:
- Từ thời nhà Hạ khoản năm 2205 trước Công nguyên, người Trung Quốc mới có tục làm đồ đất, đồ gỗ chôn theo người chết. Nhưng đến đời nhà Chu (1.122 trước Công nguyên), họ lại có tục tuẫn táng, chôn sống vợ con, bộ hạ, đồ vật yêu thích của vua, các quan lớn khi những người này chết.
Về sau, thấy lệ tuẫn táng là vô nhân đạo nên người Trung Quốc lại chế ra người gỗ, người cỏ để chôn thay người thật. Tục chôn người gỗ, người cỏ này vẫn gây nên nhiều ác cảm, căm phẫn trong lòng các nhà Nho nổi tiếng như Khổng Tử, Mạnh Tử. Trong Kinh Lễ, đức Khổng Tử (551 – 479 trước công nguyên, người khai sáng Nho giáo, triết gia lỗi lạc bậc nhất Trung Quốc và châu Á thời cổ) quở rằng: "Ai bày ra hình nhơn thế mạng để chôn theo người chết đó là kẻ bất nhân". Thầy Mạnh Tử (372–289 trước công nguyên, nhà Nho và triết gia vĩ đại thứ hai Trung Quốc, chỉ sau Khổng Tử), cũng nói: "Ai làm ra Bồ nhìn con gỗ bởi cái lệ chôn sống người, là kẻ tuyệt tự".
- Đến thời nhà Hán (206-220 trước Công nguyên), do sự phản đối của các bậc thầy Nho giáo nêu trên mà lệ tuẫn táng được bãi bỏ nhưng người ta vẫn chôn sống các món đồ ăn mặc, hành dùng của người chết, ngoài ra còn có thêm một phong tục khác là làm nhà mồ để người thân người chết ra ấp mộ, làm phỗng đá quanh nhà mồ.
Một lăng mộ cổ ở Trung Quốc có niên đại 2000 năm chứa đầy tiền xu cổ |
Tục chôn đồ tùy táng của người Việt cổ
Như các nền văn hóa khác, người Việt cổ cũng có phong tục chôn đồ dùng theo người chết. Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ, cho biết: người Việt cổ thời văn hóa Đông Sơn (một nền văn hoá của thời đại Hùng Vương kéo dài từ thế kỷ 7 trước công nguyên-thế kỷ 1,2) quan niệm rằng chết là sự chấm dứt cuộc sống ở thế giới bên này và bắt đầu cuộc sống ở thế giới bên kia, người chết vẫn phải lao động, sinh hoạt và chiến đấu. Do đó, người Đông Sơn cũng có tục chôn theo người chết các đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất và vũ khí. Bằng chứng là báu vật quốc gia mộ thuyền Việt Khê, một hình thức mai táng độc đáo của người Việt cổ được tìm thấy ở Quảng Ninh có tới hơn 100 hiện vật được chôn theo.
Báu vật quốc gia mộ thuyền Việt Khê với hơn 100 hiện vật được chôn theo ở Quảng Ninh |
Còn theo giáo sư Trần Lâm Biền, tục chia của cho người chết ở Việt Nam ta cũng đã có từ rất lâu đời. Hiện nay, người Tây Nguyên vẫn chia của cho người chết trong lễ bỏ mả và chôn theo đồ tùy táng là chiêng ché, đồ dùng thật hàng ngày. Người Tây Nguyên gốc còn làm tượng nhà mồ (voi, ngựa, tượng người…) bao quanh mồ của người đã chết và thổi hồn vào chúng để chúng trở thành của cải của người đã khuất. Chỉ khác người Trung Quốc là do quan niệm người cõi âm rất nhỏ bé nên các hiện vật được làm để chôn theo người chết của người Đông Sơn và nhà mồ của người Tây Nguyên gốc đều rất bé. Một minh chứng là loại trống đồng minh khí tìm thấy trong các mộ thuyền của người Đông Sơn đều nhỏ hơn nhiều so với trống đồng bình thường.
Một bức ảnh tượng nhà mồ Tây Nguyên gần đây (Ảnh: Hải Đăng) |
Một bộ trống đồng minh khí được tìm thấy tại Nghệ An (Ảnh: Báo Nghệ An) |
Một bộ trống đồng minh khí được tìm thấy tại Nghệ An (Ảnh: Báo Nghệ An)
Linh Trần (tổng hợp)
(Còn tiếp)