Nguồn gốc, ý nghĩa và ngày nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương 2021

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào? Năm 2021, ngày này rơi vào ngày mấy Dương lịch? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này.

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Giỗ tổ Hùng Vương được xem là một trong những sự kiện trọng đại của đất nước, phản ánh rõ nét giá trị văn hóa truyền thống được lưu truyền từ ngàn xưa. Dưới đây là nguồn gốc ngày Giỗ tổ Hùng Vương và ý nghĩa của ngày này:

Giỗ tổ Hùng Vương bắt đầu từ năm nào?

Theo sử sách, không có bất kỳ ghi chép hay văn bản nào chỉ rõ thời gian ra đời của ngày Giỗ tổ Hùng Vương bởi ngày lễ này đã xuất hiện từ rất sớm. Tuy nhiên, dựa trên hai tấm bia ở đền Thượng trên núi Hùng, trong đó có tấm Hùng Miếu Điển Lệ Bi lập năm Khải Định thứ 8 (năm 1923), người ta có thể thấy hai phần nội dung liên quan đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương.

Cụ thể, phần thứ nhất chép lại công văn của Bộ Lễ triều Nguyễn gửi các vị ở phủ viện đường đại nhân tỉnh Phú Thọ ngày 25/7/1917, hay còn gọi là năm Khải Định thứ nhất. Công văn có viết: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có miếu lăng phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải qua các năm, cả nước đến tế, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày Mười Một tháng Ba, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng… Sự thể này dẫn tới chỗ thường hứng bất kỳ, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi,… Vì thế cẩn thận định lại rằng, từ nay về sau, lấy ngày mồng Mười tháng Ba, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…”.

Nguồn gốc, ý nghĩa và ngày nghỉ giỗ tổ Hùng Vương 2021 - Ảnh 1.

Ảnh: Đời sống pháp luật

Trong phần thứ hai của văn bia Hùng Miếu Điển Lệ Bi, quy định “Đệ niên kỷ niệm hội nhật lễ nghi” (Nghi lễ ngày hội kỷ niệm hằng năm) được nêu rõ như sau: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”.

Như vậy, theo nội dung được lưu lại trên bia mộ, đến năm 1917, triều Nguyễn (đời vua Khải Định) mới có quy định chính thức về lễ Giỗ tổ Hùng Vương.

Giỗ tổ Hùng Vương ngày mấy?

Dựa trên thông tin trên bia mộ đời vua Khải Định, ngày mùng 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày Giỗ tổ Hùng Vương, ngày người dân Việt tưởng nhớ công lao của các vị Vua Hùng.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, từ năm 2001, Giỗ tổ Hùng Vương đã được Quốc Hội công nhận là ngày Quốc lễ của Việt Nam.

Ý nghĩa ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương là truyền thống lâu đời mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lễ hội này như một phần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của người Việt, được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Đây là dịp để người Việt bày tỏ lòng thành kính và biết ơn với công lao dựng nước và giữ nước của bậc cha ông. Hơn hết, ý nghĩa ngày Giỗ tổ Hùng Vương còn nằm ở chỗ mang yếu tố giáo dục, giúp các thế hệ hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước, về cội nguồn của tổ tiên, từ đó ra sức giữ gìn và bảo tồn những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc.

Giỗ tổ Hùng Vương không chỉ là sự kiện mang tính dân tộc mà còn là cơ hội để người Việt giới thiệu văn hóa độc đáo của dân tộc đến rộng rãi bạn bè thế giới. Đây còn là yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Phú Thọ.

Nguồn gốc, ý nghĩa và ngày nghỉ giỗ tổ Hùng Vương 2021 - Ảnh 2.

Ảnh: Inside Vietnam

Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức ở đâu?

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 là một trong những ngày lễ có quy mô lớn nhất nước ta, mang ý nghĩa vô cùng trọng đại thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong ngày này, hàng triệu người dân đều hướng về đất Tổ để thành kính tri ân công đức của các vị Vua Hùng. Đồng thời, mọi người còn hành hương về Đền Hùng nhằm cầu mong cho đất nước luôn thái bình, thịnh vượng, người dân được ấm no, hạnh phúc.

Thời xa xưa, Giỗ tổ Hùng Vương được các vị vua triều đại phong kiến tổ chức ở Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ) với sự tham gia của toàn thể nhân dân. Ngày nay, ngoài địa điểm chính là khu di tích lịch sử Đền Hùng, lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương còn được tổ chức ở nhiều địa phương khác trên khắp cả nước, điển hình là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, Kiên Giang,...

Nguồn gốc, ý nghĩa và ngày nghỉ giỗ tổ Hùng Vương 2021 - Ảnh 3.

Ảnh: Hải Quan Online

Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương ở Đền Hùng kéo dài từ mùng 8/3  đến hết mùng 10/3 Âm lịch, được chia thành hai phần gồm phần lễ và phần hội.

Phần lễ diễn ra với nhiều nghi thức cúng bái trang trọng, trong đó có hai nghi thức lễ được cử hành, gồm:

- Lễ rước kiệu: nghi thức này gồm một đội quân nhiều người, mặc trang phục truyền thống, khiêng kiệu lọng, tay cầm cờ hoa nhiều màu sắc, xuất phát từ chân núi di chuyển lần lượt qua các đền và dừng chân tại nơi làm lễ dâng hương là Đền Thượng.

- Lễ dâng hương: được tiến hành sau nghi thức rước kiệu. Nghi thức này được diễn ra lần lượt, từ các vị chức sắc, các bô lão trong làng, cuối cùng là người dân và du khách hành hương.

Sau hoàn thành phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian và hoạt động thú vị. Điển hình như thi kiệu, gói bánh chưng, bánh dày, đập niêu, đi cà kheo, hạt xoan,... Tất cả đều diễn ra trong không khí náo nhiệt, vui vẻ, mang lại niềm hứng khởi cho người tham gia và khách tham quan.

Nguồn gốc, ý nghĩa và ngày nghỉ giỗ tổ Hùng Vương 2021 - Ảnh 4.

Ảnh: Báo Phú Thọ

Giỗ tổ Hùng Vương 2021 nghỉ ngày mấy?

Kể từ năm 2007, Giỗ tổ Hùng Vương được liệt kê vào danh sách những ngày nghỉ chính trong năm, áp dụng cho tất cả đối tượng từ học sinh, sinh viên đến cán bộ, công nhân viên chức, người lao động.

Năm nay, ngày 10/3 Âm lịch rơi vào ngày thứ Tư, 21/4/2021 Dương lịch. Vì ngày lễ trúng giữa tuần nên cả nước sẽ được nghỉ một ngày duy nhất, không hoán đổi ngày nghỉ hay nghỉ kèm ngày nghỉ cuối tuần.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.