Câu chuyện cô giáo B.T.C.N - giáo viên Trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An) phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh do phạt học sinh đang là tâm điểm chú ý của đông đảo dư luận những ngày qua, nhất là đội ngũ các giáo viên.
Là một chuyên gia có nhiều năm làm công tác giảng dạy, quản lý trong ngành giáo dục, Giáo sư - Viện sĩ (GS.VS) Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã chia sẻ ý kiến của mình xung quanh vấn đề này.
![]() |
GS.Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ảnh: Đình Tuệ. |
- Thưa GS, câu chuyện về một cô giáo ở Long An có hành động "quỳ gối" xin lỗi phụ huynh vì phạt học sinh gây xôn xao dư luận những ngày qua, cảm giác của ông khi nghe tin này như thế nào?
GS.VS Phạm Minh Hạc: Thông tin này tôi cũng nắm được qua các phương tiện truyền thông báo chí những ngày qua. Thực sự tôi cảm thấy rất buồn, đau xót và thương cho cô giáo trẻ này. Bởi, trong nhiều thế kỷ qua, dân tộc ta vẫn luôn nêu cao tinh thần "tôn sư trọng đạo". Phụ huynh hay học sinh khi đối xử với thầy cô giáo phải thật đúng mực.
Tuyệt đối không bao giờ được phép xúc phạm thầy cô giáo, hay có hình phạt bắt cô giáo quỳ như vừa qua. Tôi cho rằng những phản ứng của dư luận xã hội, đặc biệt là giới giáo viên trong những ngày qua trước câu chuyện này cũng là đúng mực, đúng đắn. Hình ảnh của người thầy dường như đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc một cô giáo phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh là không thể chấp nhận được.
- Có ý kiến cho rằng, do cô giáo N. đã phạm sai lầm trước vì trước đó đã phạt học sinh quỳ trong giờ và phụ huynh bức xúc. Ông nghĩ sao về điều này?
GS.VS Phạm Minh Hạc: Ý kiến đó không phải không có lý. Chúng ta cũng cần nhìn nhận lại rằng, cách thức xử lý học sinh phạm lỗi của cô giáo N. là không đúng. Hiện nay, các hình phạt thân thể, xúc phạm tinh thần học sinh cũng đã bị cấm.
Rất tiếc ở một vài nơi vẫn còn giáo viên đánh học sinh, chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong cả nước. Việc phạt học sinh mà xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm của các em cũng cần phải bị loại bỏ khỏi môi trường giáo dục hiện đại.
- Theo GS, ở nước ta, các sinh viên sư phạm có được trang bị các kĩ năng xử lý tình huống, xử lý khủng hoảng nếu gặp phải các sự cố như vừa qua tại Long An không?
GS.VS Phạm Minh Hạc: Trước đây, trong các trường sư phạm đều dạy cho sinh viên của mình cẩn thận điều này. Còn hiện nay, nhiều trường sư phạm đã chuyển thành đại học chung, tức sư phạm chỉ còn là một khoa trực thuộc. Việc dạy các kĩ năng và đào tạo giáo viên không còn được như trước.
Hơn nữa, sau khi tốt nghiệp ra trường, các cử nhân sẽ áp dụng những kĩ năng đó vào thực tế như thế nào khi trực tiếp đứng lớp giảng dạy lại là một câu chuyện khác. Ở trường chỉ dạy những kiến thức nền tảng, kĩ năng cơ bản nhưng ở trên lớp, sẽ có vô vàn tình huống mà chính giáo viên cũng không thể lường trước được. Các thầy cô phải thật sự tỉnh táo thì mới có được cách xử trí tình huống khôn ngoan được.
- Theo tường trình của cô giáo N., khi xảy ra sự việc nhóm phụ huynh phản ứng gay gắt và yêu cầu cô N. phải quỳ gối thì mới 'cho qua chuyện', hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Chánh sau khi thuyết phục không được đã tự ý 'bỏ đi' với lý do đi dự giờ, bỏ mặc cô giáo 'chịu trận' với phụ huynh. Liệu trường hợp này vị hiệu trưởng đã cư xử đúng mực chưa, thưa GS?
![]() |
Trường Tiểu học Bình Chánh - nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Internet. |
GS.VS Phạm Minh Hạc: Tôi cho rằng, hành động bỏ mặc cô giáo N. phải một mình đối phó với nhóm phụ huynh của vị hiệu trưởng nhà trường là rất đáng trách. Giáo viên phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh là một việc rất hiếm trong xã hội xưa nay. Chuyện chưa giải quyết xong mà đồng chí hiệu trưởng lại bỏ đi giữa chừng, tôi thấy không được!
Hiệu trưởng đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Không thể để mặc cho cô giáo N. ở đó được. Hiệu trưởng phải là người bảo vệ cho giáo viên của mình một cách công tâm, vì trước đó cô giáo cũng đã nhận lỗi với phụ huynh. Đây là cô giáo quỳ gối, nếu chẳng may xảy ra chuyện khác nguy hiểm hơn thì sao, ai là người chịu trách nhiệm?
Đồng chí hiệu trưởng cũng cần rút kinh nghiệm chứ không thể để mặc giáo viên như tình huống trên được, phải xử lý dứt điểm rồi đi đâu thì đi.
- Câu chuyện này dường như là 'giọt nước làm tràn ly' khiến cho các thí sinh có ý định thi vào ngành sư phạm trong năm 2018 có thể sẽ thấp bởi nhiều áp lực. Ông có cho ý kiến sao về nhận định này?
GS.VS Phạm Minh Hạc: Tất nhiên, ngày nay với sự bùng nổ thông tin từ các phương tiện truyền thông nên mỗi khi phát sinh những sự vụ khác nhau thì tốc độ lan truyền rất nhanh. Đặc biệt là giới trẻ, các bạn tiếp nhận thông tin một cách vô cùng nhanh nhạy.
Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên. Đây chỉ là một trong số rất ít những sự việc đáng tiếc chứ không phải là phổ biến. Các em sinh viên sư phạm không có gì đáng hoang mang cả. Các em cứ tập trung học tốt, ra trường dạy tốt và giáo dục học trò tốt thì không có gì phải lo lắng cả. Phụ huynh cũng như xã hội đều vẫn coi trọng nghề giáo.
Ngoài ra, tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao động thái vào cuộc tích cực, kịp thời và rốt ráo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc này từ phía cơ sở. Hệ thống ngành dọc từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Long An, Phòng Giáo dục Bến Lức và chính quyền địa phương đã và đang vào cuộc để làm rõ vụ việc, bảo vệ danh dự, nhân phẩm của nhà giáo.
Tất cả những hiện tượng tiêu cực, dù rất lẻ tẻ nhưng cũng cần phải sớm loại khỏi ngành giáo dục. Các bậc phụ huynh cần có thái độ đúng đắn với các thầy cô giáo. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận chính thức về vụ việc này để ổn định tâm lý cho giáo viên cũng như phụ huynh. Ai đúng ai sai cũng đều cần nhìn lại chính mình!
- Xin trân trọng cảm Giáo sư!
![]() |
Cô giáo phải quỳ gối trước phụ huynh: Còn đâu 'tôn sư trọng đạo'?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới (Bộ GD&ĐT) chia sẻ tâm tư của mình trước sự việc một ... |