Khách hàng chờ đến lượt cập nhật thông tin người dùng tại một điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của Viettel. (Ảnh: Như Ý) |
Trước đó, Tiền Phong phản ánh tình trạng nhiều thuê bao khi kiểm tra thông tin cá nhân (soạn TTTB gửi 1414 với tất cả các mạng) vô tình phát hiện mình là chủ thuê bao lạ, dù trước đó không hề đăng ký thông tin cá nhân cho số thuê bao trên, cũng không biết đến sự tồn tại của thuê bao.
Nhiều khách hàng bày tỏ lo lắng, việc vô tình làm chủ số lạ sẽ khiến họ vướng vào rắc rối nếu số thuê bao kia được sử dụng vào mục đích xấu như đe dọa, tống tiền, xúc phạm người khác...
Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quá trình kiểm tra phát hiện thực tế, vì lợi nhuận, doanh thu và cũng vì tổ chức thực thi chưa thật nghiêm nên một số nhân viên của các doanh nghiệp và đặc biệt các đại lý phân phối sim thẻ, điểm đăng ký thông tin thuê bao đã giả mạo thông tin thuê bao, lấy chứng minh nhân dân của người này gắn vào số thuê bao bán người khác mà không cần có người thực đến đăng ký sử dụng dịch vụ.
Thậm chí, đại lý, nhân viên nhà mạng còn sử dụng phần mềm, công nghệ để tạo ra chứng minh nhân dân giả, để hoà mạng các sim di động. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc một số cá nhân khi kiểm tra thông tin thuê bao sẽ phát hiện mình là chủ thuê bao của nhiều số mà thực tế họ không đăng ký.
Khách hàng chờ đến lượt cập nhật thông tin người dùng tại một điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của Viettel. (Ảnh: Như Ý) |
Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông cho biết, tình trạng đại lý lấy thông tin của khách hàng để đăng ký cho thuê bao khác là khá phổ biến và khó kiểm soát. Quá trình thanh tra về quản lý sim trả trước cũng từng ghi nhận những trường hợp như thế.
Theo quy định, khi khách hàng đến đại lý ủy quyền của nhà mạng để đăng ký sim, toàn bộ thông tin sẽ được đại lý này lưu giữ lại. Tâm lý của người dân là muốn mua sim kích hoạt sẵn nên nhiều đại lý sẵn sàng lấy thông tin cá nhân có được để đăng ký thuê bao, tạo ra sim kích hoạt sẵn.
Nhờ vậy, sim kích hoạt sẵn mới có thể bán nhan nhản trên thị trường suốt những năm qua. Riêng năm 2017 đã thu hồi tới 23 triệu sim rác.
Vị chuyên gia viễn thông chia sẻ, trước khi Nghị định 49 có hiệu lực (tháng 4/2017), việc quản lý thuê bao trả trước được thực hiện theo Thông tư 04/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thông tư này quy định, sim trước khi được sử dụng phải có đăng ký thông tin thuê bao bằng chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu. Mỗi cá nhân chỉ được sử dụng chứng minh thư nhân dân để đăng ký 3 sim, mỗi doanh nghiệp được đăng ký tối đa 100 sim.
Muốn có số lượng sim kích hoạt sẵn bán ra thị trường nhằm phát triển thuê bao, không ít đại lý dùng các chiêu lách luật như lập doanh nghiệp ảo để đăng ký, mua thông tin cá nhân hoặc lợi dụng thông tin khách hàng để kích hoạt sim rác.
Hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng?
Về số lượng khách hàng rơi vào tình trạng vô tình là chủ sim “ma”, Cục Viễn thông thừa nhận, con số sẽ rất lớn bởi khi triển khai Nghị định 49 có tới 38 triệu thuê bao có thông tin cá nhân không chính xác, tức là số thuê bao của họ đang đứng tên người khác.
Khi một (trong 38 triệu thuê bao) không đứng tên mình đồng nghĩa với việc một khách hàng nào đó sẽ là chủ số thuê bao mà họ không sử dụng, không biết đến.
Thừa nhận có tình trạng khách hàng bỗng dưng thành chủ sim lạ song các nhà mạng từ chối chia sẻ nguyên nhân. Viettel cho biết, Nghị định 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực là cơ hội để các doanh nghiệp và khách hàng rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao, tránh trường hợp khách hàng phải đứng tên những thuê bao không mong muốn.
Viettel sẽ hỗ trợ khách hàng xác nhận và chỉ giữ lại những thuê bao khách hàng đang sử dụng thực sự. Đại diện MobiFone xác nhận, vì hiện trạng nói trên (khách hàng là chủ thuê bao lạ), Bộ đã kịp thời ban hành Nghị định 49 để xử lý tình trạng này. Khi tất cả các thuê bao hòa mạng mới đều được đăng ký đầy đủ thông tin theo quy định của Nghị định 49 sẽ hết hiện tượng này.
Vì vậy, nếu khách hàng phát hiện mình đang đứng tên thuê bao lạ, vui lòng liên hệ với MobiFone để được kiểm tra, hướng dẫn cách xử lý theo quy định.
Trước câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về việc có hay không tình trạng đại lý, nhân viên nhà mạng sử dụng chứng minh thư của khách hàng để kích hoạt sẵn thuê bao, Viettel trả lời: “Viettel đang duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông thường xuyên (và có chế tài rất nghiêm khắc). Đến thời điểm hiện tại, đã hạn chế tối đa số lượng sim kích hoạt sẵn.
Tuy nhiên, việc xóa hoàn toàn sim rác, sim không chính chủ cần có thời gian và sự ủng hộ của khách hàng”. Trong khi đó, MobiFone trả lời, “đã quán triệt các đại lý triển khai theo đúng quy định của Nghị định 49. Nếu phát hiện các đại lý vi phạm, sẽ xử lý theo các quy định của pháp luật”. VinaPhone cho biết, đang quyết liệt triển khai các biện pháp thu hồi và hạn chế sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.
Trước thực tế bỗng dưng là chủ sim “ma”, nhiều khách hàng bày tỏ bất bình vì bị nhà mạng đem lại phiền hà. Bị lợi dụng chứng minh nhân dân để kích hoạt sim rác song muốn hủy thuê bao không mong muốn, khách hàng phải mang giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân/hộ chiếu/thẻ căn cước) ra điểm giao dịch viễn thông của nhà mạng. Nhiều khách hàng chia sẻ, họ đi hủy vài lần không được vì hầu như điểm giao dịch nào cũng đang bị quá tải do khách hàng đến cập nhật thông tin.
Sẽ thanh tra diện rộng
Theo Cục Viễn thông, để hạn chế tình trạng trên, bên cạnh Nghị định 49, thời gian tới, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp các Sở Thông tin và Truyền thông triển khai kế hoạch thanh tra diện rộng công tác quản lý thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc để xử lý theo quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cục Viễn thông cũng cho biết, Bộ đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi Điều 30 Nghị định 174/2013/NĐ-CP) trong đó tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm có liên quan.
Theo Cục Viễn thông, để bảo đảm quyền lợi của chính bản thân, đề nghị khách hàng kiểm tra thông tin thuê bao (nhắn tin theo cú pháp TTTB tới số 1414 hoặc tra trên trang thông tin của doanh nghiệp) và thực hiện cập nhật lại thông tin thuê bao, giao kết lại hợp đồng theo đúng quy định.
Trường hợp phát hiện thông tin cá nhân của mình đang được sử dụng bởi người khác, có quyền yêu cầu doanh nghiệp viễn thông chấm dứt hợp đồng sử dụng số thuê bao đó. Sau khi nhận được yêu cầu của cá nhân, các doanh nghiệp viễn thông sẽ có các quy trình để rà soát, xác minh ai là người đang sử dụng số thuê bao để yêu cầu cập nhật lại thông tin bảo đảm chính xác.
Nóng trong ngày: Thị xã tiếp khách quá tay hàng trăm triệu, công an xã tự lập BOT
Ở Gia Lai, văn phòng HĐND & UBND thị xã An Khê chi tiếp khách không có đối tượng, không rõ nội dung, vượt dự ... |
Nóng trong ngày: Sự vô tâm của cô giáo lùi xe tông học sinh tử vong và tai nạn liên hoàn ở Sài Gòn
Ngày 21/4, một vụ tai nạn tai nạn kinh hoàng đã xảy ra giữa 1 xe bán tải cùng 6 xe máy xảy ra tại Sài ... |
VinaPhone, MobiFone lùi thời hạn bổ sung thông tin, Viettel giữ nguyên
Các nhà mạng khẳng định tới 22/4, chưa có chỉ đạo mới từ Bộ Thông tin và Truyền thông về việc bổ sung thông tin, ... |