Ô nhiễm dạng cảm nhận được: Ồn, bụi, hôi
Hình ảnh người dân Mái Dầm (Huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) trùm túi nilon để đi ngủ, lấy cây lau sàn nhà, để lau trần nhà đầy bụi có thể thấy tình trạng ô nhiễm tại đây đang rất trầm trọng. Chỉ mới đưa vào vận hành chạy thử ngày 7.3, thì ngày 10.3, dân địa phương đã không thể chịu đựng được tiếng ồn từ nhà máy rất lớn.
Theo sự lý giải của công ty, bụi có thể phát sinh từ kho than, khi có gió sẽ bay tạt tới khu vực ven sông Mái Dầm. Để sửa chữa, công ty tiến hành bao lưới, chống bụi quanh kho than và trồng thêm cây dự kiến 17.4 sẽ hoàn thành.
Bà Trần Thị Dung (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang) chứng minh trần nhà mình bám đầy bụi mà bà cho rằng từ hoạt động của Nhà máy giấy Lee & Man gần đó gây ra. (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Nhân dân liên tục kiến nghị, lại xuất hiện mùi hôi thối nồng nặc. Công ty cho rằng mùi hôi phát sinh từ vị trí kho chứa bùn khô, thuộc khu vực ép bùn và hệ thống bể hiếu khí của nhà máy xử lý nước thải sẽ được giải quyết bằng cách lắp máy khử mùi.
Tuy UBND thị trấn Mái Dầm đã xác nhận vấn đề đã được giải quyết, nhưng nếu như tin tức mới nhất của Thông tấn xã Việt Nam ngày 1.4: Ít nhất có 50 hộ dân không thể chịu được tiếng ồn, bụi, và mùi hôi thối nồng nặc của nhà máy. Họ muốn được di dời tới một nơi khác trong lành hơn.
Lắm chữ "tưởng"
Cách đây 10 năm, Hậu Giang đón nhận dự án lớn của công ty Lee & Man với quy mô lớn nhất Việt Nam và thuộc top 5 trên thế giới với niềm tin nhà máy giấy sẽ giải quyết được nhu cầu giấy và công ăn việc làm cho người dân Việt Nam (dù biết rằng, người dân Việt Nam tiêu thụ giấy thuộc hàng thấp nhất thế giới). Và “cứ tưởng” rằng, việc có nhà máy sẽ giải quyết được sự tồn đọng của giấy phế liệu, giúp giải quyết môi trường tốt hơn, nhưng không phải như vậy. Trên thực tế, Cục Lâm nghiệp tỉnh đã từng lên tiếng cảnh báo yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện việc nghiêm túc xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế, không chấp nhận phương án nhập 80% nguyên liệu là giấy phế liệu từ nước ngoài để sản xuất giấy và bột giấy tại Việt Nam. Xin đọc thật kỹ: Con số nhập 80% phế liệu nước ngoài về Việt Nam để sản xuất, vậy có nghĩa gì ngoài coi Việt Nam như một bãi rác chỉ để thải ra ngoài những chất độc từ những đống giấy phế liệu đó
Điều "tưởng" tiếp theo: Nhà máy sẽ có công nghệ biến loại dung dịch “black liquor” có độ ô nhiễm cao trở thành an toàn. Thực tế: Nhà máy giấy có quy mô lớn thường phải xây dựng lò hơi đốt dịch đen, vừa giảm ô nhiễm, vừa nhằm thu hồi hóa chất. Lò hơi sẽ là tác nhân gây ô nhiễm không khí. Tập đoàn này cho rằng, do sử dụng công nghệ hiện đại, nên sẽ không dùng xút, không sợ xút gây ô nhiễm. Tuy nhiên, tổng lượng nước thải, các loại hóa chất sẽ dùng trong sản xuất, tẩy rửa vẫn chưa được công bố một cách chính xác rõ ràng. Trong khi vùng đặt nhà máy giấy là vùng trũng nhất khu vực nên thật khó rửa trôi một lượng “black liquor” như vậy. Điều gì sẽ xảy ra nếu như nhà máy không sử dụng hệ thống làm sạch chất xả thải đắt tiền nhất, làm sao biến 28.500 tấn “black liqour” ấy trở thành chất ít gây độc hại tới môi trường?
Thiết nghĩ họ mà làm được như vậy thì họ sẽ có quyền đặt nhà máy ở bất cứ đâu chứ không phải nhọc công tìm tới Việt Nam.
Ai sẽ cứu một dòng sông?
Nước thải của nhà máy đã xả ra sông Hậu. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ – người có thời gian dài nghiên cứu về sản xuất bột giấy trả lời trên báo Vietnamnet: “Việc dư luận lo ngại nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ làm ô nhiễm nước sông Hậu là hoàn toàn chính đáng, vì đây là dòng sông huyết mạch của Đồng bằng sông Cửu Long. Song với tình hình hiện tại, việc dừng dự án là không khả thi, vì ít nhất nó sẽ dẫn đến một vụ kiện quốc tế phiền phức với số tiền liên quan lên đến hàng tỉ USD… Cần có sự giám sát của cộng đồng, cụ thể là người dân sống quanh nhà máy. Theo thiết kế, nước thải của nhà máy trước khi đổ ra sông, có một phần đổ sang ao nuôi cá. Chỉ cần người dân sống trong khu vực phát hiện cá “lờ đờ”, chứ chưa đợi chết, là đã có thể cho nhà máy ngừng hoạt động để xử lý”.
Lời của Giáo sư Xuân thật không sai, tuy rằng, cái câu phát hiện cá “lờ đờ” đã diễn ra cũng có nghĩa là người dân phải chịu thiệt để có những minh chứng về xả độc xử lý kém của nhà máy. Và điều đó cũng có nghĩa ngành thủy sản phía Nam bị đe dọa, ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Một ống xả thải của Nhà máy giấy Lee & Man ra sông Hậu (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Được biết, sau những phản ứng của người dân, ông Tổng Giám đốc của Công ty Lee & Man tại Việt Nam Chung Waifu vừa ký văn bản gửi nhóm kỹ thuật thường trực giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải dự án của nhà máy. Công ty đã thừa nhận và đưa ra những giải pháp để giải quyết bụi, ồn, nhưng ô nhiễm xả thải (dạng không nói thể cảm nhận được hoặc chứng minh bằng cách nhìn thấy) thì còn phải chờ cơ chế giám sát kiểm định.
Hàng loạt câu hỏi lớn đặt ra: Những cư dân ở đây, liệu họ có thực sự cần giấy để dùng hay không? Họ được lợi gì từ nhà máy đó để bây giờ, họ là người trực tiếp phải hứng chịu hậu quả? Họ muốn bán nhà đi nơi khác sống, nhưng ai sẽ là người vui vẻ mua những ngôi nhà đang nằm trong vùng ô nhiễm ấy?
Nếu giả định có một cơ may cho họ chuyển đi tới nơi khác trong lành hơn, thì mừng cho họ, nhưng còn dòng sông Hậu đang ô nhiễm sẽ để lại cho ai? Người ta có thể chuyển một ngôi nhà, một gia đình hay 50, 100 hộ gia đình đi nơi khác nhưng còn dòng sông Hậu, nó có thể chuyển đi đâu? Dòng sông đâu thể nói với ai về nỗi buồn của nó. Và ai sẽ là người đứng ra để cứu một dòng sông?
Trong Công văn số 1311/CV-SDR ngày 6/9/2007 của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Bình, gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã nêu rõ: căn cứ theo Quyết định 160/1998/QĐ-TTg ngày 4/9/1998 của Thủ tướng về việc phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010" thì không có quy hoạch nhà máy giấy ở Hậu Giang; và theo "Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020" cũng không hề có quy hoạch nào cho vùng nguyên liệu giấy ở khu vực ĐBSCL. Như thế, việc cấp phép đầu tư nhà máy giấy tại Hậu Giang là bất chấp quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt! Đây là dự án do Công ty TNHH Giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong – Trung Quốc) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Dự án này có quy mô là lớn nhất Việt Nam, top 5 trên Thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo dự án này có nguy cơ gây mất trắng nguồn nước ngọt và triệt tiêu toàn bộ nguồn lợi thủy sản sông Hậu. Hiện nay, trong thời gian vận hành chạy thử, nhà máy đã gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới cuộc sống, kinh tế, và sức khỏe của bà con quanh khu vực nhà máy. |