Nhà máy nước Sông Đuống là thất bại của thị trường

Khi nhà đầu tư ưu tiên việc tối đa hoá lợi nhuận tài chính, “lợi ích cổ đông” thì phải tối thiểu hoá “lợi ích cộng đồng”, dẫn tới xung đột với mục đích của dịch vụ công là tối đa hóa lợi nhuận xã hội - tức mang lại lợi ích cho nhiều người trong xã hội nhất với phí tổn thấp nhất.
Nhà máy nước Sông Đuống là thất bại của thị trường - Ảnh 1.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Vụ lùm xùm ở Nhà máy nước Sông Đuống đặt ra một câu hỏi quan trọng, là Chính phủ đôi lúc có nên can thiệp vào thị trường, hay để thị trường vận hành tự do? "Tự do" hiểu ở đây là nhà nước không kinh doanh, để thị trường tự cạnh tranh cung ứng; còn "Can thiệp" là Nhà nước điều tiết bằng chính sách, luật lệ và can thiệp khi thị trường thất bại và khủng hoảng xảy ra.

Động cơ lợi nhuận của doanh nghiệp luôn có xu hướng chống lại người tiêu dùng, thay vì phục vụ lợi ích tốt nhất cho họ. Và như vậy, tình huống bất lợi cho người tiêu dùng xảy ra khi một doanh nghiệp đối xử không công bằng, đa số sẽ phản đối bằng cách tẩy chay sản phẩm của những doanh nghiệp này. 

Tuy vậy, khi doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm mang tính độc quyền như điện, nước, xăng dầu…, thì dù có phản đối đến mấy người tiêu dùng cũng không thể sử dụng được dịch vụ ở nơi khác, và phải thoả hiệp với những vấn đề chưa hợp lí, thậm chí bất công…

Độc quyền không điều tiết sẽ dẫn đến giá cao và tổn thất vô ích

Nếu Nhà nước phải bù giá nước sinh hoạt cho dân thì đó là tổn thất vô ích, do chi phí bù giá cũng là từ thuế của người dân. Nhưng vấn đề đó là một loại chi phí không công bằng, vì: Thu thuế bình đẳng nhưng chỉ một số người dân được hưởng dịch vụ chứ không phải tất cả người dân Hà Nội.

Trong một lĩnh vực có yếu tố độc quyền, đường cầu của thị trường sẽ là đường cầu của doanh nghiệp; nghĩa là đầu ra được định sẵn và rủi ro thị trường gần như bằng 0 (không). Độc quyền là không tránh khỏi với một số lĩnh vực đặc thù, hàng hoá công tiện ích - điện, nước, xăng dầu… Những doanh nghiệp này có thể được hưởng quy chế độc quyền, do chi phí đầu tư ban đầu cao và chi phí biên tế giảm dần. 

Dù vậy, để đảm bảo quyền lợi cuối cùng và quan trọng nhất - quyền lợi của người dân (người đóng thuế), những doanh nghiệp dạng này phải được điều tiết, quản lí bởi những chế tài đặc thù: cụ thể như là giá bán được điều tiết (Price regulated), chứ không thể chấp nhận cho doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ áp giá độc quyền (Price monopoly). Vì lẽ đó, Luật chống độc quyền và Luật cạnh tranh được sinh ra là để điều tiết và quản lí những trường hợp như thế này. 

Và nếu hai bộ luật này còn khiếm khuyết, thì cần sớm phải bổ sung và hoàn thiện.

Vậy, nếu doanh nghiệp duy nhất độc quyền thì có tính cạnh tranh không? Thông thường thì không, nhưng cũng có thể có khi doanh nghiệp đó được điều tiết đủ tốt. Nghĩa là, do tính ổn định của lợi nhuận trong dài hạn, những doanh nghiệp dạng này sẽ e ngại sự "cạnh tranh tiềm năng", do vậy sẽ định giá sản phẩm đủ thấp để các doanh nghiệp khác khó có thể thay thế tham gia vào thị trường. 

Như vậy cạnh tranh vẫn có khi chỉ có một doanh nghiệp.

Những "điều tiết" cụ thể là gì?

Có thể bao gồm nhưng không hạn chế như: (1) Áp giá trần (Price ceiling) nhằm đảm bảo một đầu ra hợp lí, phù hợp với khả năng chi trả chung của người dân.

 (2) Qui định về mức vốn chủ đầu tư tối thiểu không được thấp hơn một tỉ lệ đáng kể trên tổng mức đầu tư, nhằm giảm thiểu các chi phí tài chính, yếu tố khiến đội giá thành, rủi ro hệ thống.

 Và (3) Kiểm soát khắt khe đầu tư nước ngoài vào các ngành nghề trọng yếu và dòng luân chuyển vốn… 

Bù lại, chính quyền có thể hỗ trợ các hình thức khấu hao có lợi cho nhà đầu tư (khấu hao nhanh) và các chính sách hỗ trợ vốn vay phù hợp, một chính sách bảo đảm cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư được độc quyền tương đối khai thác kinh doanh. Trong trường hợp cần thiết, nếu doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các qui chế, Nhà nước có thể mua lại doanh nghiệp theo mức giá kế toán (sau kiểm toán độc lập), thay vì mua lại theo mức thị giá thông thường.

Thông thường, khấu hao nhanh khiến tăng giá thành, giảm tính cạnh tranh. Tuy nhiên, trong trung hạn sẽ giúp chủ đầu tư hoàn vốn nhanh hơn và trong dài hạn thì giảm giá thành có lợi cho người tiêu dùng. Dĩ nhiên, sự “hi sinh” tạm thời của Nhà nước vì lợi ích công cộng là một mức thu thuế bị hạn chế trong giai đoạn đầu, nhưng không phải bù giá lâu dài. 

Ngoài ra, dân số tăng lên sẽ giúp thời gian hoàn vốn nhanh hơn, nhất là lĩnh vực thiết yếu như điện, nước... Nhà máy nước thì thời gian kinh doanh càng lâu thì mức sinh lời càng lớn do chi phí tái đầu tư tài sản thấp, chi phí biên tế giảm dần + định phí thấp do tự động hoá cao.

Làm được vậy thì dù có độc quyền tương đối nhưng doanh nghiệp vẫn phải cung cấp giá cạnh tranh, miễn là họ còn e ngại sự cạnh tranh tiềm năng, sự thay thế tiềm năng của nhiều nhà đầu tư khác mong muốn tham gia vào thị trường. Là thị trường đặc thù nên phải được quản lí bởi những qui chế đặc thù, không thể theo cách quản lí thị trường tự do thông thường - doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm.

Đặt lại vấn đề "xã hội hoá"

Dù xã hội hoá một số lĩnh vực công là chủ trương không sai, tuy nhiên nếu không có cơ chế để kiểm soát giá cả sẽ có nguy cơ trở thành thảm hoạ dân sinh. Hai bộ luật quan trọng bậc nhất cần phải cập nhật ngay là Luật Cạnh tranh và Chống độc quyền thì mới hi vọng mới quản lí tốt hơn được. Cho tư nhân hoá nhưng phải kiểm soát và điều tiết được tư nhân vì lợi ích dân sinh, đặc biệt là trong những lĩnh vực trọng yếu.

Khi nền kinh tế thị trường càng phát triển và thể chế pháp luật càng hoàn thiện thì nhà nước càng ít can thiệp, và ngược lại. Nhưng với các nền kinh tế đi sau sẽ không thể phát triển nếu họ để thị trường quyết định mọi thứ. 

Đất nước còn nghèo thì hàng hoá và dịch vụ công nhân tạo như giáo dục, y tế, nước sạch… là công sản cần phải được “phân phối” trực tiếp bởi Nhà nước, hoặc cho tư nhân tham gia nhưng phải được điều tiết và quản lí một cách hiệu quả bởi Nhà nước, nhằm đảm bảo tính công bằng và an sinh xã hội.

Ở Đức, sau thống nhất chính phủ tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước… nhưng sớm sau đó lại phải quốc hữu hoá những doanh nghiệp quan trọng như nhà in sau vài lần lộ mất bí mật quốc gia, hay những ngành quan trọng như điện nước... Hiện thì trong nhiều doanh nghiệp, Nhà nước Đức vẫn có cồ phần dù không chi phối. Nhờ vậy mà vẫn có khả năng kiểm soát theo luật định. 

Chính phủ Đức từng nắm đến 20% cổ phần của Volkswagen cho tới năm 2003. Trong nhiều trường hợp và mục đích đặc biệt, Chính phủ Đức có thể mua cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường tự do, và vẫn có thể trở thành cổ đông bình quyền trong một công ty đại chúng.

Thị trường tự do thiếu điều tiết sẽ dẫn đến thất bại của thị trường, và các nền kinh tế đi sau không thể phát triển nếu họ để thị trường quyết định mọi thứ. 

Trường hợp của Nhà máy nước Sông Đuống là thất bại của thị trường (độc quyền, hàng hoá công, không công bằng). Trong lĩnh vực hàng hoá công, có 2 thuộc tính quan trọng là “không có cạnh tranh" và "không thể loại trừ”. Tính chất quan trọng ấy nó cho phép hợp pháp hoá sự can thiệp của Nhà nước vừa để gỡ rối cho doanh nghiệp và cũng cho người dân. Lợi ích hài hoà là đích đến cuối cùng của mọi chính sách xã hội, dân sinh.

“Xã hội hoá" không có nghĩa là phải trả giá cao hơn. Mà nếu phải dùng thuế để bù giá cho dân, thì chính sách ấy phải áp cho toàn dân; không thể không công bằng, thiếu bình đẳng. Việc thị trường hóa toàn bộ cũng không đảm bảo rằng sẽ tốt hơn Nhà nước, hoặc nghiễm nhiên cho rằng cứ tư nhân làm thì sẽ tốt.

Nước Anh, nơi khai sinh lí thuyết kinh tế thị trường tự do thì năm 2018, Chính phủ Anh đã quyết định dừng hẳn các dự án hạ tầng tư nhân hóa, với lí do:

1) Các dự án công có tư nhân tham gia hóa ra lại tốn phí hơn so với thuần túy do nhà nước thực hiện (kinh tế qui mô)

2) Doanh nghiệp tư nhân nhận được dự án thường có lợi nhuận quá lớn (vấn đề phân phối của cải).

3) Nợ phát sinh từ dự án có tư nhân tham gia cùng sự phức tạp của việc bút toán và thanh toán khoản nợ này (rủi ro hệ thống).

Đương nhiên là, một khi nhà đầu tư ưu tiên việc tối đa hoá "lợi nhuận tài chính", “lợi ích cổ đông” thì phải tối thiểu hoá “lợi ích cộng đồng”. 

Như vậy là xung đột với mục đích của dịch vụ công là tối đa hóa "lợi nhuận xã hội" - tức mang lại lợi ích cho nhiều người trong xã hội nhất với phí tổn thấp nhất, đồng nghĩa với sự cân đối giữa tính công bằng và tính hiệu quả.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.