Sau sự cố nước nhiễm dầu, vấn đề nước sạch tại Hà Nội lại tiếp tục bùng lên trước thực trạng giá nước nơi cao – nơi thấp. Dư luận đang rất quan tâm đến việc Nhà máy nước mặt Sông Đuống (Sông Đuống) được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận giá mua nước tạm tính lên tới 10.246 đồng/m3, gấp đôi so với các nhà cung cấp khác.
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết việc tính giá được căn cứ theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch của Chính phủ, có quy định liên quan đến thỏa thuận dịch vụ cấp nước được ký kết giữa UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền với đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Với trường hợp Nhà máy nước mặt Sông Đuống, giai đoạn 1 nhà máy có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, trong đó vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỉ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá bán của hầu hết mọi loại hàng hóa, dịch vụ luôn bao gồm chi phí lãi suất. Với ngành cung cấp nước sạch, tương tự như ngành điện, giao thông công cộng,… có đặc thù là chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, bởi vậy chi phí lãi suất cao cũng là điều dễ hiểu.
Đặc thù ngành cung cấp nước sạch còn nằm ở tính độc quyền cao. Vì vậy, ngành này đòi hỏi Nhà nước phải tiến hành các hoạt động can thiệp, nhằm kiểm soát như quy định giá bán, lên kế hoạch phát triển hệ thống phân phối trong dài hạn hay lựa chọn các nhà cung cấp phù hợp.
Tất cả các hoạt động này đều đòi hỏi công khai, minh bạch. Trên thực tế tại các quốc gia, đầu tư vào các ngành công cộng như điện, nước, giao thông,… thường thu hút vốn xã hội hóa vì mang lại lợi nhuận thấp nhưng ổn định cho nhà đầu tư, thay vì biên lợi nhuận cao.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Trở lại với dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống, dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 bao gồm 2 hợp phần chính: Công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước (diện tích gần 61,5 ha, tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm) và Tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76 km (phân bổ tại huyện Gia Lâm, quận Long Biên, huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và tỉnh Hưng Yên).
Theo báo cáo tài chính năm 2018 của CTCP Nhà máy nước mặt Sông Đuống, đến cuối năm 2018, công ty có vốn chủ sở hữu gần 1.000 tỉ đồng. Các cổ đông của công ty hiện nay bao gồm CTCP nước Aqua One (41%), công ty Thái Lan WHAUP (34%) và Saigon Capital - này là VPS Capital (10%), Hawaco (10%) và Newtatco (5%).
Trong quá trình triển khai dự án, Công ty Sông Đuống chủ yếu huy động vốn vay từ ngân hàng. Thời điểm cuối năm 2018, khi dự án còn chưa hoàn thành, dư nợ vay dài hạn của Công ty là 2.483 tỉ đồng.
Được biết, đơn vị tài trợ vốn cho khoản vay tại dự án là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). Đổi lại, toàn bộ tài sản phát sinh từ dự án này đều được mang đi thế chấp tại Vietinbank.
Cuối năm 2017, Công ty Sông Đuống đã thế chấp toàn bộ quyền tài sản dự án tại Vietinbank, bao gồm Toàn bộ động sản, máy móc thiết bị, công cụ dụng cụ và phương tiện vận tải hình thành trong tương lai, phương tiện truyền dẫn và các quyền tài sản phát sinh hình thành trong tương lai phục vụ cho Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Vietinbank không chỉ là đơn vị cung cấp nguồn vốn chủ yếu cho dự án. Công ty con của Vietinbank là Vietinbank Capital còn là đơn vị nắm giữ phần lớn cổ phần của Công ty Sông Đuống từ năm 2016 đến 2018. Tuy nhiên đây được xem là một khoản ủy thác đầu tư, Vietinbank Capital chỉ đứng tên, mọi quyền và lợi ích thuộc về bên ủy thác theo hợp đồng kí kết giữa hai bên.
Thay đổi đăng kí kinh doanh mới nhất của Công ty Sông Đuống cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong ban lãnh đạo của công ty sau khi doanh nghiệp Thái Lan WHAUP đã mua lại 34% cổ phần. Theo đó phía Thái Lan có 3 đại diện trong Hội đồng quản trị và 1 đại diện trong Ban kiểm soát của nước Sông Đuống.
WHAUP đã mua lại 34% cổ phần của Nước Sông Đuống với tổng giá trị là 2.073 tỉ đồng, tương ứng mức định giá Công ty Nước mặt Sông Đuống 6.100 tỉ đồng.
Chỉ sau 3 năm thành lập và ngay trước khi giai đoạn 1 của Nhà máy đi vào hoạt động, định giá cho Nhà máy nước mặt sông Đuống đã tăng 6 lần. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư Thái Lan đánh giá dự án này có tỉ suất sinh lời rất lớn.
Bên cạnh đó, trong tháng 10 và 11, giữa cơn bão lùm xùm về giá nước, bà Đỗ Thị Kim Liên - còn được biết đến là Shark Liên đã liên tiếp rút khỏi vị trí Tổng Giám đốc của CTCP Nước Aqua One và CTCP Nước mặt Sông Đuống.