Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đầu năm 2019, cũng phát hành lô cổ phần đầu tiên trong kế hoạch tăng vốn thêm 10% đã được phê duyệt.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể thiếu hụt vốn gần 20 tỉ USD (tương đương 9% GDP) để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Trong đó, các ngân hàng quốc doanh có thể cần tăng vốn nhiều hơn, bởi cơ sở vốn duy trì mức thấp nhiều năm.
Tuy nhiên, rào cản với việc tăng vốn của hệ thống ngân hàng là thị trường huy động vốn trong nước chưa tương xứng. Điều này, theo Fitch, khiến các ngân hàng phụ thuộc vào những nhà đầu tư nước ngoài để có thể tăng vốn.
Cả BIDV và Vietcombank trong đợt tăng vốn đầu năm nay đều phụ thuộc vào vốn ngoại. Vietcombank phát hành cho cho cổ đông chiến lược Mizuho và quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC), còn BIDV dự kiến phát hành cho ngân hàng Hàn Quốc.
Khác so với các ngân hàng trên, dư địa tăng vốn của VietinBank có phần "khiêm tốn" hơn. Tỉ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng đã xuống dưới 65%, trong khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài và cổ đông chiến lược đã gần mức tối đa cho phép. Việc tăng vốn qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài với VietinBank là điều không thể thực hiện, theo những quy định hiện nay.
Theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank, mã CK: CTG), Chính phủ đã đồng ý chủ trương các ngân hàng quốc doanh giữ lại lợi nhuận hàng năm để tăng vốn điều lệ, tùy tình hình thực tế từng đơn vị. Tuy nhiên, sự thay đổi về cơ chế này vẫn chưa giải quyết tận gốc bài toán vốn. "Như VietinBank, dù giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm cũng chỉ đáp ứng được một phần ba nhu cầu tăng vốn", ông Thọ nói.
Không tăng được vốn điều lệ, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã xuống gần ngưỡng cảnh báo, thậm chí nếu tính theo Basel II thì đã xấp xỉ ngưỡng thấp nhất. Hệ quả là ngân hàng khó có thể mở rộng hoạt động. Trong nửa đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng của VietinBank chỉ đạt 2,4%, so với BIDV tăng 7,7%, còn Vietcombank tăng 10%.
VietinBank từ đầu năm 2019 đã thực hiện nhiều đợt phát hành trái phiếu dài hạn để bổ sung vốn cấp hai. Gần nhất, nhà băng này thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu với quy mô 500 tỷ đồng, nâng tổng lượng trái phiếu phát hành từ đầu năm đến nay lên 650 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo quy định, dư địa tăng vốn cấp hai bị khống chế bởi quy mô vốn cấp một. Các chuyên gia cho rằng, giải pháp trái phiếu có thể chỉ là bước đi tình thế của ngân hàng để giải quyết một phần khó khăn trong ngắn hạn.
Nếu muốn tăng vốn, VietinBank còn hai phương án khả dĩ nhất, là phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc chờ cơ quan quản lí điều chỉnh về trần sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, ở phương án thứ hai, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, thay đổi trong trần sở hữu nước ngoài tối đa (FOL) cần phải được luật thông qua, do đó sẽ tốn nhiều thời gian.
Phương án khả quan nhất còn lại là tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, khi câu chuyện giữ lại lợi nhuận trả cổ tức nhiều năm nay còn vướng ở ngân sách, thì việc cổ đông Nhà nước có thể tham gia đợt phát hành được hay không lại là vấn đề khác. Nhưng phương án vẫn có thể thực hiện nếu có đơn vị thay thế cổ đông Nhà nước.
Nói với VnExpress, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC có thể hỗ trợ VietinBank tăng vốn, nếu được lựa chọn tham gia với tư cách cổ đông Nhà nước.
Theo đại diện SCIC, nếu VietinBank chọn tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, nhưng ngân sách không bố trí được vốn để tham gia, SCIC có thể "thế chỗ" cổ đông Nhà nước. "Quyết định này vừa đảm bảo VietinBank có thể tăng vốn thành công, vừa phù hợp với định hướng đầu tư của SCIC", ông Thành nói.
Nói về hoạt động đầu tư vào các ngân hàng, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cũng cho biết, một trường hợp mà SCIC từng đầu tư là Ngân hàng Quân Đội (MB) đã cho thấy hiệu suất tốt. "Nếu được chấp thuận thì việc đầu tư vào VietinBank sẽ là khoản đầu tư tài chính, còn nếu đủ điều kiện trở thành cổ đông lớn sẽ là cơ hội SCIC giúp gia tăng nền tảng quản trị cho ngân hàng", ông Chi nói.