Nhà ở xã hội - Bài cuối: Dồn lực cho mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Dự kiến đến năm 2030 cả nước sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội từng năm, từng giai đoạn; từ đó, quan tâm, dành đủ nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn tới. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi cùng ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin Cục trưởng cho biết mục tiêu, giải pháp về phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới được xác định như thế nào? Bộ Xây dựng đưa ra quan điểm gì mới về phát triển nhà ở xã hội so với trước kia, thưa ông?

Cục trưởng Bùi Xuân Dũng: Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước tương đồng với Việt Nam về văn hóa, kinh tế - xã hội như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… cho thấy, hầu hết các nước đều đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; trong đó chú trọng nhà ở xã hội cho thuê, thông qua hình thức trực tiếp đầu tư công hoặc giao cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc có các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư hoặc người dân thuê, mua nhà ở xã hội.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, Đề án đưa ra quan điểm: Phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mục tiêu tổng quát được đặt ra đó là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Cụ thể, đến năm 2030 cả nước sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo và nghiên cứu các Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, Bộ Xây dựng tổng hợp (chưa đầy đủ) nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 2,6 triệu căn; trong đó giai đoạn 2021-2025 nhu cầu khoảng 1,3 triệu căn; giai đoạn 2025 - 2030 nhu cầu khoảng 1,3 triệu căn.

Các địa phương đăng ký và được giao nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng khoảng 600.000 căn giai đoạn 2022 - 2025 và trên 1,03 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2025 - 2030.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới, đạt mục tiêu của Đề án trong giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn cả nước có tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Song song đó là giải pháp tổ chức triển khai, thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với việc phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, địa phương và doanh nghiệp; phân cấp triệt để, rút ngắn các thủ tục hành chính; tổng hợp, đề xuất và phân bổ đủ nguồn vốn từ ngân sách trung ương để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội...

Phóng viên: Thực tế, sự vào cuộc của địa phương chính là yếu tố quyết định thực hiện thành công hay không mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. Theo ông, trách nhiệm đặt ra cho các địa phương trong giai đoạn tới ra sao?

Cục trưởng Bùi Xuân Dũng: Các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.

Người đứng đầu địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị của cá nhân; lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu thực tế; đồng thời có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng dự án đang triển khai thực hiện, dự án đã có chủ trương đầu tư.

Các địa phương cần nghiêm túc thực hiện đúng quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… 

Đặc biệt, cần rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; sớm lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.

Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, tập trung đông công nhân như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương… phải dành quỹ đất, kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê.

Cùng đó, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể phân cấp, đơn giản, rút ngắn thủ tục hành chính theo thẩm quyền về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia, tạo nguồn cung cho thị trường...

Phóng viên: Những chính sách nào được đưa ra trong Đề án nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân, thưa ông?

Cục trưởng Bùi Xuân Dũng: Dự thảo Đề án đã nghiên cứu đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, một số giải pháp trước mắt sẽ tập trung vào nghiên cứu phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền. Các địa phương quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Cùng đó, nghiên cứu, sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng theo hướng Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu phải đáp ứng điều kiện có quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó là sửa đổi hướng dẫn về trình tự thực hiện miễn tiền sử dụng đất đối với Chủ đầu tư quy định khoản 3 Điều 8 Thông tư số 10/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính theo hướng không phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn khi chủ đầu tư bán nhà (cùng với chuyển nhượng quyền sử dụng đất) cho khách hàng.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung nguồn vốn ưu đãi của nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Song song với đó là hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay vốn ưu đãi theo quy định pháp luật về nhà ở và vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Còn về giải pháp lâu dài, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế…; trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp với việc quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án; cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… Đồng thời, sẽ tách riêng chính sách nhà lưu trú công nhân, nhà ở lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, phát triển.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng! 

 

chọn
Người trẻ 9X cần 26 năm thu nhập để mua căn hộ 3 tỷ đồng
Thống kê của batdongsan.com.vn, năm 2024, một cá nhân 9x cần khoảng 26 năm thu nhập để mua căn hộ trên với giá 3 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%.