Singapore: Giá nhà ở xã hội vượt 1 triệu USD

Hàng trăm căn nhà ở xã hội tại Singapore đang được bán với giá hơn 1 triệu SGD (716.000 USD), trong đó ít nhất hai căn vượt 1 triệu USD.

Singapore - một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. (Ảnh: TTXVN).

Singapore - một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới - đang chứng kiến xu hướng giá nhà ở, bao gồm cả nhà ở xã hội, tăng rất cao. Điều này khiến Chính phủ nước này phải thảo luận biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản.

Hàng trăm căn nhà ở xã hội tại Singapore đang được bán với giá hơn 1 triệu SGD (716.000 USD), trong đó ít nhất hai căn vượt 1 triệu USD, do sự chậm trễ xây dựng liên quan đến dịch COVID-19 dẫn tới sự thiếu hụt các căn hộ mới.

Hệ thống nhà ở xã hội tại quốc đảo này hoạt động dựa trên việc bán trực tiếp các căn hộ do Chính phủ xây dựng cho người dân theo hợp đồng sở hữu có thời hạn 99 năm, qua đó giúp hơn 80% người Singapore được sở hữu nhà. Đây là một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.

Nhiều căn nhà ở xã hội - được gọi là căn hộ Housing & Development Board (HDB), được bố trí gần ga tàu, trung tâm thương mại và đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm người dân.

Tuy nhiên, vì quyền sở hữu có thể được chuyển giao cho cả công dân và thường trú nhân sau 5 năm, thị trường mua bán lại các căn hộ này cũng rất phát triển. Một số căn có giá mua ban đầu chỉ quanh mức 500.000 SGD thì nay được bán lại với giá gấp đôi, tùy diện tích và vị trí.

Căn đắt nhất trên thị trường mua bán lại nhà ở xã hội là một căn hộ rộng 122 m2, gần ga tàu và trường học, với thời hạn sở hữu còn 92 năm, được bán trong năm nay với giá 1,418 triệu SGD.

Hàng chục năm nay, nhiều người Singapore đã cho thuê hoặc bán lại căn hộ HDB của mình để có thêm thu nhập. Clarence Long, một nhân viên môi giới bất động sản, cho biết: "Những căn hộ HDB triệu USD sẽ vẫn tồn tại, vì sẽ luôn có những người thích sống ở trung tâm hoặc nơi rộng rãi, nhưng không đủ tiền mua chung cư cao cấp".

Anh Long đã bán được một căn HDB 113 m2 với giá 1,4 triệu SGD hồi tháng Năm vừa qua, trong khi một căn chung cư cao cấp có diện tích tương đương, ở cùng địa điểm có thể lên tới 2,5 triệu SGD. Tuy nhiên, không như căn hộ HDB, chung cư cao cấp ở Singapore do các công ty tư nhân xây dựng thường có bảo vệ và các tiện ích như bể bơi, phòng tập.

Phần lớn người mua nhà ở xã hội lần đầu có thể nộp đơn xin hỗ trợ và vay tiền. Việc này giúp họ ít chịu ảnh hưởng khi lãi suất tăng cao và thoát tình trạng thuê nhà khi tiền thuê tăng trong đại dịch.

Cuối năm ngoái, Chính phủ Singapore cho biết tỷ lệ thu nhập hàng tháng được dùng để trả tiền nhà trong ba năm qua đã được giữ nguyên ở mức quanh 23%, với loại nhà ở xã hội được Chính phủ hỗ trợ vay.

Lĩnh vực xây dựng của Singapore, vốn phụ thuộc lớn vào lao động nước ngoài, đã trải qua thời kỳ gián đoạn lớn do đại dịch. Nguồn cung nguyên vật liệu thiếu thốn cũng dẫn đến tình trạng trì trệ trong xây dựng. Các nhà phân tích dự báo vấn đề nguồn cung sẽ hạ nhiệt đầu năm 2023.

Dù các căn hộ HDB triệu USD hiện chỉ chiếm chưa đầy 2% số giao dịch, khoảng 259 căn đã được bán với giá 1 triệu SGD hoặc hơn trong năm qua. Đây là con số kỷ lục. Còn tính trong tám tháng kể từ đầu năm nay, con số này là 230.

Những người không đủ tài chính mua trên thị trường mua đi bán lại có thể mua theo chương trình đặt hàng căn hộ (HDB BTO) của Chính phủ Singapore. Các căn hộ này thường có giá 300.000 - 700.000 SGD. Tuy nhiên, phần lớn dự án BTO quá tải đơn đăng ký và mất khoảng 5 năm mới xây dựng xong.

Tháng trước, Bộ Phát triển Quốc gia Singapore cho biết Chính phủ nước này dự kiến tăng nguồn cung căn hộ BTO mới để đáp ứng nhu cầu. Tháng 12/2021, quốc gia này cũng thông báo các chính sách nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản. Trong đó có nâng thuế, siết giới hạn cho vay và siết khối lượng giao dịch.

Christine Sun, Phó giám đốc nghiên cứu tại công ty bất động sản OrangeTee & Tie, cho biết: "Chính phủ Singapore có khả năng cân nhắc một loạt biện pháp mới để hạ nhiệt, khi giá đang tăng cao cả ở thị trường nhà ở xã hội và tư nhân".

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.