Nhà sáng lập Phở 24: Sau phở, tôi rất muốn khởi nghiệp lại với bánh mì, nhưng tính hoài không ra

Doanh nhân Lý Quí Trung tiết lộ sau thương hiệu Phở 24, ông cũng muốn làm nên một cuộc cách mạng mới với bánh mì, nhưng “tính hoài không ra”. Cuối cùng ông quyết định cuối năm nay sẽ thôi giữ ghế CEO công ty nội thất AKA, quay lại Australia với những dự định riêng của mình.

Đúng với tên gọi buổi chia sẻ "Chuyện chưa bao giờ kể" vừa diễn ra tại TP HCM, doanh nhân Lý Quí Trung - nhà sáng lập thương hiệu Phở 24 và hiện là CEO Tập đoàn nội thất AKA - đơn vị sở hữu thương hiệu Nhà xinh, BoConcept… đã có những tiết lộ mà ông cho rằng từ trước đến nay chỉ nói với bạn bè thân thiết và người thân trong gia đình.

"Với Phở 24, tầm nhìn của tôi trước sau vẫn muốn đạt giá trị đến 100 triệu USD"

Doanh nhân Lý Quí Trung nhớ lại, cửa hàng đầu tiên mang thương hiệu Phở 24 do ông xây dựng nằm trên đường Nguyễn Thiệp, quận 1, TP HCM.

Thời điểm đó, số vốn chuẩn bị để mở cửa hàng này chỉ vỏn vẹn khoảng 1 tỉ đồng. Sau 6 năm, tức năm 2010, là lúc hoàng kim nhất của Phở 24, khi có đến 60 cửa hàng trong và ngoài nước. Phở 24 cùng ông chủ của nó nhanh chóng được biết đến với một mô hình kinh doanh mới mẻ mà người ta hay gọi "đi ăn phở máy lạnh", và có mặt ở hầu hết những vị trí nổi bật tại TP HCM, Hà Nội.

l_8eb5b2dd-a83d-46c3-b00d-942320b9b7a1-2

"Với Phở 24, tầm nhìn của tôi từ trước và sau vẫn vậy, không hề thay đổi", doanh nhân Lý Quí Trung.

"Với Phở 24, tầm nhìn của tôi từ trước và sau vẫn vậy, không hề thay đổi. Ngay từ lúc còn là sinh viên bên Australia, tôi đã mê McDonald's, KFC. Tôi ước làm được một chuỗi nhà hàng ẩm thực Việt. Từ đầu tôi đã nhận thức rất rõ ràng, với ý tưởng kinh doanh phở, tôi như bắt được của. Tất cả mọi thứ đến và tôi ráp lại cùng một lúc, mở cửa hàng, kinh doanh chuỗi, nhượng quyền… Con đường đi rõ như pha lê", doanh nhân Lý Quí Trung kể.

Cuối năm 2011, ông Lý Quí Trung quyết định nhượng lại thương hiệu Phở 24 cho Công ty Việt Thái Quốc tế, đơn vị sở hữu chuỗi Highlands Coffee. Gần như là một trong những mô hình chuỗi đầu tiên trong lĩnh vực F&B của Việt Nam hình thành, Phở 24 cũng là thương vụ đầu tiên trong việc M&A (mua bán và sáp nhập) thời điểm đó.

Sau 8 năm nhìn lại, ông Trung cho biết quyết định nhượng lại chuỗi Phở 24 ở thời điểm có nhiều cửa hàng nhất, được xem là "chuyện bất khả kháng", bởi đây là thời điểm Phở 24 cần thay đổi toàn diện sau gần chục năm có mặt trên thị trường.

"Với kinh doanh chuỗi, 10 năm là quá lâu khi không có sự thay đổi. Sau 10 năm có nhiều vấn đề xuất hiện, cần phải làm lại hết về hình ảnh, từ phần cứng như cửa hàng đến phần mềm như chiến lược, định hướng kinh doanh. Làm mới thương hiệu đòi hỏi chi phí rất lớn", ông Trung nói.

Nhà sáng lập Phở 24 tái khẳng định bán "đứa con" của mình chuyện bất đắc dĩ, bởi định hướng xuyên suốt của ông từ ngày đầu tiên là xây dựng thương hiệu đạt giá trị lên đến 100 triệu USD.

"Sau phở, bánh mì thịt là loại có tương lai nhất, nhưng bánh mì khó bán đắt"

Gây dựng thương hiệu Phở 24 và là một chuyên gia trong lĩnh vực F&B, trước khi chuyển sang kinh doanh nội thất, ông Lý Quí Trung khẳng định vẫn còn rất đam mê với ẩm thực và nhà hàng.

pho_vrah-crop

Ông Lý Quí Trung cho rằng sau phở, chỉ có thể mang bánh mì để kinh doanh trên thị trường thế giới.

"Tôi muốn quay lại kinh doanh nhà hàng lắm chứ. Tôi không ngại làm lại từ đầu, nhưng cần một mô hình kinh doanh xuất sắc. Kinh doanh F&B, tôi tin phở là món vô địch. Trước khi kinh doanh, tôi thường tính đường dài, và nghĩ về thị trường quốc tế chứ không chỉ gói gọn tại Việt Nam. Tôi nói thật, ngoài phở có thể đi nước ngoài là bánh mì, tôi cũng rất muốn kinh doanh bánh mì", ông Lý Quí Trung khẳng định.

Theo doanh nhân này, món ăn thuần Việt có đặc trưng là có nhiều loại gia vị, nước chấm không phù hợp với người phương Tây, như bún bò huế thì cay quá, bánh cuốn phải dùng với nước mắm.

"Có những món không có tương lai, bánh mì thịt là loại có tương lai nhất", ông Trung khẳng định.

Tuy nhiên, nhìn về đường dài, nhà sáng lập Phở 24 vẫn chưa "ưng" lắm bánh mì, vì "tính hoài mà không có lời". Theo ông, bánh mì không thể bán được số lượng lớn như hamburger. Bởi phương Tây, người ta ăn nhiều bữa trong ngày, hamburger vẫn thích hợp hơn so với bánh mì. 

Ngoài ra, bánh mì có nhiều loại nguyên liệu, đòi hỏi phải kiểm soát tốt để đảm bảo cân đối dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, nhưng làm món ăn đánh mất hương vị truyền thống lại mất ngon. 

Đặc biệt, ông Trung nhấn mạnh bánh mì thì vẫn phải là bánh mì, không thể bán đắt được cho khách hàng.

"Nhiều khi lòng đam mê lúc này của mình đã hết lửa, có một ý tưởng phải suy nghĩ ghê lắm, ăn ngủ cùng với nó. Hồi trẻ, mình khác, nhìn đường dài 20 năm nhưng giờ rút ngắn còn 5-7 năm phải thấy được kết quả. Đời người làm một cuộc cách mạng thôi, nếu hai thì mệt quá", doanh nhân Lý Quí Trung hóm hỉnh chia sẻ.

"Cuối năm tôi sẽ về hẳn Australia, không kinh doanh ở Việt Nam nữa"

Doanh nhân Lý Quí Trung cho biết thêm nếu như hồi trẻ, ưu tiên hàng đầu của ông là phải đạt được thành công to lớn thì khi càng lớn tuổi, ông lại ưu tiên việc có được nhiều niềm vui hơn. 

"Tôi quyết định cuối năm nay sẽ thôi không làm CEO Nội thất AKA nữa. Tôi quyết định quay lại Australia, làm gì tính sau để có thời gian với gia đình và bắt đầu với chặng đường mới", doanh nhân Lý Quí Trung tiết lộ.

Ông cho rằng sau khi bán Phở 24, có thời điểm ông không biết mình phải làm gì, rồi cuối cùng quyết định đưa cả gia đình sang Australia định cư. 

"Ở Australia vài năm đầu rất vui, tôi tự sửa bàn ghế, cắt tỉa cây trong vườn, vì cơ bản bên kia chi phí đắt quá. Nhưng sau lại nhớ Việt Nam, nhớ công việc. Tôi quay về và được mời làm CEO AKA khoảng vài năm. Tôi làm nội thất được 2 năm, rất thoả mãn niềm nhung nhớ kinh doanh, điều hành, hiện cũng đã tạm đủ", ông Trung nói.

Vì vậy, ông quyết định cuối năm nay sẽ về lại Australia, dành toàn bộ thời gian cho gia đình của mình, cho vợ và các con. Doanh nhân cho rằng, trong đời mình có những khoảng thời gian ông dành hết cho công việc, không có thời gian cho con cái thì phải có điểm dừng vài năm để bên cạnh vợ con của mình. 

"Tôi sẽ lại bắt đầu với những chặng đường mới, có thể là giảng dạy tại các trường đại học ở Australia, tôi cũng được một vài công ty mời làm chiến lược. Cuối năm tôi sẽ quay lại Australia. Đây là những chuyện chưa bao giờ kể, ngoại trừ những người bạn thân thiết", doanh nhân Lý Quí Trung nói về sự định của mình.