Nha Trang: Điều chỉnh phương án triển khai dự án đường giao thông 5.400 tỉ đồng

Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có văn bản gửi UBND tỉnh này đề xuất 2 phương án triển khai dự án đường Vành đai 3 - TP Nha Trang có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.410 tỉ đồng.

Dự án giao thông "khủng"

Tháng 11/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định phê duyệt qui hoạch chi tiết đường tỉ lệ xây dựng 1/500 tuyến đường Vành đại 3 – TP Nha Trang. Dự án này có điểm đầu ở phía Bắc TP Nha Trang giao với Quốc lộ 1 (xã Vĩnh Phương) và điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Tất Thành (xã Phước Đồng).

Nha Trang: Điều chỉnh phương án triển khai dự án đường giao thông 5.400 tỉ đồng - Ảnh 1.

Đường Vành đai 3 kì vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông tại các tuyến đường chính tại TP Nha Trang như đường 23/10, Lê Hồng Phong. (Ảnh: Khải An)

Đây là tuyến đường trục chính hướng Bắc - Nam của TP Nha Trang và song song với các tuyến đường Vành đai 2, số 4, Lê Hồng Phong. Đồng thời giao cắt với các tuyến đường trục hướng Đông – Tây: Quốc lộ 1, 23 Tháng 10, Võ Nguyên Giáp, Phong Châu, Nguyễn Tất Thành.

Đường vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 11,8km, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.410 tỉ đồng.

Năm 2018, UBND tỉnh đưa ra 5 thứ tự ưu tiên đầu tư. Cụ thể, ưu tiên 1: đoạn từ Cầu Bè đến đường Võ Nguyên Giáp hơn 1,7km, kinh phí gần 1.600 tỉ đồng. Ưu tiên 2: đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phong Châu hơn 1,65km, tổng mức đầu tư hơn 445,7 tỉ đồng.

Ưu tiên 3: đoạn từ đường Phong Châu đến đường Nguyễn Tất Thành hơn 4,6km, kinh phí đầu tư gần 1.700 tỉ đồng. Ưu tiên 4: đoạn từ sông Cái đến Cầu Bè gần 1,3km, kinh phí khoảng 388 tỉ đồng. Ưu tiên 5: đoạn từ Quốc lộ 1 đến sông Cái hơn 2,5km, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng.

Tuy nhiên theo lãnh đạo Sở GTVT hiện thứ tự ưu tiên như trên không còn phù hợp với tình hình thực tế. Bởi hiện nay cần đầu tư những đoạn tuyến kết nối với các trục đường của TP Nha Trang nhằm giải tỏa ách tắc giao thông.

Vì vậy, phải xây dựng lại các phương án phân đầu tư dự án cho phù hợp, bảo đảm việc đầu tư mang lại hiệu quả cao.

"Nếu được triển khai, đây sẽ là tuyến đường hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông Nha Trang, đồng thời giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay của thành phố", ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở GTVT cho biết.

Ưu tiên đầu tư đoạn tuyến từ đường 23 Tháng 10 đến Phong Châu

Sở GTVT đề xuất 2 phương án đầu tư tuyến đường này. Phương án 1: đầu tư đoạn tuyến từ đường 23 Tháng 10 đến đường Phong Châu hơn 3km, tổng mức đầu tư gần 1.300 tỉ đồng.

Nha Trang: Điều chỉnh phương án triển khai dự án đường giao thông 5.400 tỉ đồng - Ảnh 2.

Sở GTVT Khánh Hòa kiến nghị ưu tiên phương án tuyến đường từ 23 Tháng 10 đến Phong Châu đi qua đường Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Khải An)

Phương án 2: đầu tư đoạn tuyến từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Nguyễn Tất Thành hơn 6,2km, tổng mức đầu tư hơn 2.130 tỉ đồng.

Cụ thể tại phương án 1, Sở GTVT cho biết, đoạn từ đường 23 Tháng 10 đến đường Võ Nguyên Giáp (có nút giao khác mức với đường sắt) chiều dài hơn 1,38km, tổng mức đầu tư hơn 838,5 tỉ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 256 tỉ đồng.

Dự kiến khoảng 500 hộ bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 400 hộ bị giải tỏa trắng. Đối với đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phong Châu hơn 1,6km, tổng mức đầu tư hơn 87,5 tỉ đồng. Dự kiến 99 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 70 hộ bị giải tỏa trắng.

Việc bổ sung thêm đường Vành đai 3 theo phương án này sẽ giúp phân luồng giao thông từ đường 23 Tháng 10 vào đường Võ Nguyên Giáp, Phong Châu thuận lợi và kết nối vào Tỉnh lộ 3 để lưu thông vào tuyến cao tốc Bắc - Nam hoặc lưu thông đi sân bay Cam Ranh.

Phương án này sẽ giảm áp lực giao thông đáng kể cho đường 23 Tháng 10, nút giao Mả Vòng và đường Lê Hồng Phong đang bị quá tải. Tuy nhiên, để triển khai đoạn tuyến này sẽ phải giải phóng mặt bằng rất lớn, dự kiến có đến 400 hộ bị giải tỏa trắng.

Đối với phương án 2, Sở GTVT cho biết tuyến đường này khi sẽ hoàn chỉnh việc kết nối từ đường Võ Nguyên Giáp, đường Phong Châu qua khu vực quy hoạch trung tâm hành chính mới của tỉnh và thuận lợi đi sân bay Cam Ranh.

Tuy nhiên, hiện nay, dự án trung tâm hành chính mới của tỉnh đã chấm dứt, tuyến đường kết nối vào khu sân bay có thể thông qua đường Nguyễn Tất Thành hoặc đường Vành đai 2 đang triển khai hoặc Tỉnh lộ 3.

Nhưng với phương án 2 lại không giải quyết được việc kết nối đường 23 Tháng 10 vào đường Võ Nguyên Giáp để giảm tình trạng quá tải của tuyến đường 23 Tháng 10, nút giao Mả Vòng và đường Lê Hồng Phong. Cùng với đó, chi phí đầu tư lớn, cần nhiều thời gian để giải phóng mặt bằng (hơn 150 hộ bị giải tỏa trắng).

Sau khi so sánh 2 phương án, Sở GTVT đề xuất UBND tỉnh triển khai phương án 1 để hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông, quá tải các tuyến đường 23 Tháng 10, Lê Hồng Phong và kết nối với đường Võ Nguyên Giáp, Phong Châu, Tỉnh lộ 3, cao tốc Bắc - Nam.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.