Nhận thức đúng về rối loạn tâm thần

Xã hội ngày càng phát triển, áp lực cuộc sống và công việc ngày càng nhiều khiến cho số người mắc bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa.
Điều đáng lo ngại là nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng về rối loạn tâm thần.
 

Hiện nay, số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm chưa tới 30%. Số còn lại không biết và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc và điều trị kịp thời, dễ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Đáng chú ý, số bệnh nhân trong lứa tuổi thanh thiếu niên mắc triệu chứng tâm thần đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại, trong đó nguyên nhân chủ yếu là áp lực học hành, công việc, cuộc sống và cả những đổ vỡ trong tình cảm...

Theo Bộ Y tế, nước ta có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như: Trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... đã có hơn 13 triệu người mắc. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị.

Trên thực tế, những bất thường về tâm lý như: Ăn kém ngon, đau đầu, mất ngủ, buồn chán, hay cáu gắt, mệt mỏi kéo dài không rõ lý do, tăng nhạy cảm với các âm thanh, kém tập trung, phóng đại về năng lực cá nhân... đều được coi là có vấn đề về tâm thần. Và đây thực sự là điều đáng báo động.

nhan thuc dung ve roi loan tam than
Số người trẻ mắc các rối loạn tâm thần đang ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, tỉ lệ thanh niên và trẻ vị thành niên đến khám và điều trị gia tăng. Trong năm qua, Viện đã khám và điều trị ngoại trú cho hơn 18.000 bệnh nhân mắc trầm cảm, chiếm 30% tổng số bệnh nhân nhập viện.

Tại Việt Nam, theo Viện Sức khỏe tâm thần mỗi năm cũng có khoảng 36.000 người tự tử do căn bệnh này. Mỗi năm có khoảng 1 triệu người trên thế giới tự tìm đến cái chết vì bệnh trầm cảm.

Trong các rối loạn tâm thần, tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng gia tăng, rất đáng lo ngại. Nếu trước đây, phần lớn bệnh trầm cảm bắt nguồn từ các bệnh nội sinh, thì nay có đến 80% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm lại có nguyên nhân từ các vấn đề xã hội. Chẳng hạn, áp lực học hành, áp lực công việc và cuộc sống, thậm chí nhiều người nghiện Facebook cũng là đối tượng mắc trầm cảm.

Trả lời trên báo Người lao động, PGS.TS. Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam cho biết, trầm cảm là một rối loạn phổ biến, xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới. Hội chứng này gặp tỷ lệ cao ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp. Nguy cơ mắc trầm cảm cũng tăng với các bệnh lý thần kinh, tim mạch kèm theo như đột quỵ, Parkinson. Đáng lưu ý là có tới hơn 2/3 người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị. Chỉ có khoảng 20% những bệnh nhân này được điều trị đúng chuyên khoa và đúng phác đồ.

nhan thuc dung ve roi loan tam than
Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân bị trầm cảm. (Ảnh: CAND)

Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng gia tăng rất đáng lo ngại cho xã hội. Nhiều người có thể gây nguy hiểm cho bản thân họ và người xung quanh. Người hoang tưởng có thể hủy hoại bản thân, có hành vi không bình thường. Biểu hiện rõ nhất là buồn rầu, không muốn giao tiếp; nặng hơn là chặt tay chân, thậm chí tìm mọi cách để tự sát.

Ngay khi có các dấu hiệu sau như: đau đầu, mất ngủ, buồn bã, ăn ít, giảm sự quan tâm, thích thú người dân cần đi khám sớm để phát hiện kịp thời bệnh trầm cảm, nhằm tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, tại Việt Nam, cứ 10 người mắc chứng rối loạn tâm thần, chỉ có 2-3 người được phát hiện và điều trị sớm. Đa số các bệnh nhân đến khám và điệu trị bệnh tâm thần khi họ có những biểu hiện bệnh lý khác và được giới thiệu sang chuyên khoa tâm thần để điều trị nên khi bệnh được phát hiện thì triệu chứng đã nặng hơn và khó chữa. Người bệnh cũng thường mang tâm lý ngại ngùng và tự ti về sự kỳ thị nên càng khó trong việc điều trị.

TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các bệnh liên quan đến stress, bệnh lý bệnh tâm thần là do yếu tố tâm lý xã hội. Hiện nay, người dân chưa hiểu hết về bệnh tâm thần, nhiều người nghĩ rằng bệnh tâm thần là bệnh cấp tính, nhưng không phải vậy, bệnh tâm thần là bệnh mãn tính mà cần phải uống thuốc lâu dài. Khi bệnh nhân ổn về bệnh rồi thì gia đình thường bỏ thuốc nên tái phát tương đối cao”.

Việc phát hiện và tuân thủ các phác đồ điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc chữa bệnh tâm thần. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi phát hiện ra bản thân hoặc người thân xung quanh mình có những biểu hiện bất thường về ý nghĩ, hành vi, cảm xúc hay mất ngủ, căng thẳng hãy đến những cơ sở y tế hoặc chuyên khoa tâm thần để được hướng dẫn và tư vấn, chữa trị sớm nhất. Sự chia sẻ và đồng cảm với người bệnh là một trong những giải pháp hữu hiệu để những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần có thể sớm khỏi bệnh và hòa nhập cuộc sống.

nhan thuc dung ve roi loan tam than Rối loạn phân ly: Bạn biết gì về căn bệnh này?
nhan thuc dung ve roi loan tam than Chủ quan với mất ngủ, vào viện tâm thần như chơi
nhan thuc dung ve roi loan tam than 7 thay đổi có lợi cho sức khỏe tâm thần trước thềm 2018
chọn
Hải Dương bổ sung loạt dự án BĐS vào kế hoạch sử dụng đất 2024
Loạt dự án bất động sản vừa được bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của tỉnh Hải Dương gồm Khu đô thị Thái Học, Khu đô thị Văn An, Khu dân cư mới Cẩm Khê,...