Nhập khẩu heo sống từ Thái Lan đóng băng do giá heo hơi giảm

Giá heo hơi giảm đã khiến hoạt động nhập khẩu heo sống của Việt Nam từ Thái Lan phải tạm ngừng bởi chênh lệch giá giữa hai thị trường không nhiều. Doanh nghiệp sẽ chịu lỗ nếu cứ tiếp tục nhập khẩu.

Doanh nghiệp nhập khẩu heo sống từ Thái không còn lãi

Những ngày gần đây, giá heo hơi đồng loạt giảm mạnh trên cả nước. Chỉ trong vòng gần 3 tuần, giá heo đã giảm mạnh 8.000-10.000 đồng/kg. Đơn cử hôm nay (21/10), giá heo hơi tiếp tục giảm thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg trên cả nước, xuống mức 60.000-75.000 đồng/kg tùy vùng.

Như vậy nếu so với lúc đạt đỉnh 100.000 đồng/kg, hiện giá heo hơi giảm khoảng 25.000 - 40.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong khoảng một năm qua.

Theo một số doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi do sức mua trên thị trường giảm. Bên cạnh đó, heo nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam tăng cao. Hơn nữa, do lo ngại bệnh dịch tả heo châu Phi quay trở lại khiến nhiều người chăn nuôi lo lắng, bán sớm hơn kế hoạch.

Chia sẻ với người viết, ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức, một trong những doanh nghiệp nhập khẩu heo từ Thái Lan cho biết: "Lượng heo về các chợ đầu mối TP HCM khoảng 5.000 - 6.000 con thì trong đó khoảng 20-25%, tương đương 1.200 - 1.500 con là nhỏ, trọng lượng chỉ khoảng 50-70 kg. 

Nguyên nhân là do tâm lí lo sợ dịch bệnh quay trở lại trong dân, nên lượng heo bán ra thị trường tăng".

Với tình hình giá heo hơi trong nước liên tục giảm, đại diện doanh nghiệp Việt Đức xác nhận đã ngưng nhập khẩu heo sống từ Thái Lan hơn 1 tuần qua.

"Sau khi giá heo giảm xuống mức 65.000 - 66.000 đồng/kg, thì các doanh nghiệp gần như "đóng băng" hết,  không ai dám nhập khẩu về nữa vì khi nhập khẩu về, giá heo hơi từ Thái Lan có giá khoảng 81.000 đồng/kg, cao hơn so với mặt bằng giá cả nước nên doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ. 

Và khi nào giá heo Thái Lan hạ xuống, kinh doanh có lời thì chúng tôi mới tiếp tục nhập tiếp", ông Sum giải thích.

Chia sẻ về thời điểm có thể tiếp tục chuyển heo Thái về nước sau khi đã nhập khẩu hơn 12.000 con kể từ tháng 6, ông Sum kì vọng giá heo hơi Thái Lan xuống khoảng 50.000 đồng/kg may ra mới nhập khẩu về bán có lời. 

"Tuy nhiên, mức giá này là khó xảy ra, vì giá heo Thái hiện đã giữ mức 52.000 - 55.000 đồng/kg cũng đã lâu, nên đây có lẽ là điểm đáy của heo Thái Lan. Mức giá này về đây doanh nghiệp không còn đồng lãi nào", ông nói.

Giá thịt heo đến tay người mua vẫn ở mức  cao

Thông tin trên một số diễn đàn chăn nuôi, giá heo hơi nhiều nơi về dưới mốc 60.000 đồng/kg, thậm chí 55.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, một thành viên trong Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khẳng định, giá heo hơi ở đây chưa có dưới mốc 60.000 đồng/kg.

“Giá 55.000 đồng/kg có thể là heo loại 3 và chỉ trường hợp đột xuất nào đó của chủ trại phải xuất chuồng bán gấp. Hiện tại, thấp nhất tại khu vực miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nam  xuất chuồng giá 60.000 - 64.000 đồng/kg, giá heo loại 1 bán với mức 65.000 - 66.000 đồng/kg; heo hơi tại miền Trung và Tây nguyên từ 64.000 - 72.000 đồng/kg, tại miền Nam từ 70.000 - 74.000 đồng/kg”, vị này thông tin.

Thực tế, giá heo hơi xuất chuồng giảm mạnh đã kéo theo giá bán lẻ thịt heo ở các chợ, siêu thị giảm nhưng mức giảm chậm hơn khiến giá thịt heo đến tay người mua vẫn neo ở mức khá cao. 

Theo ghi nhận tại các chợ lẻ và siêu thị trên địa bàn TP HCM, giá chân giò khoảng 120.000 đồng/kg, ba chỉ 170.000 đồng/kg, ba rọi 250.000 đồng/kg.

Nhập khẩu heo sống từ Thái Lan 'đóng băng' khi giá heo hơi giảm  - Ảnh 1.

Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo tại các chợ với mức giá khá cao dù giá heo hơi giảm. (Ảnh: Như Huỳnh).

Tại các siêu thị, giá thịt heo các loại từ nạc đùi, cốt lết, nạc vai, ba rọi, sườn non... dao động trong khoảng 140.000 - 270.000 đồng/kg. Đặc biệt, các loại thịt ba rọi và sườn non luôn ở mức cao từ 220.000 đồng/kg đến 270.000 đồng/kg, vẫn giữ ở mức khá cao so với mức giảm giá heo hơi hiện nay.

Hoặc chỉ có một số mặt hàng được khuyến mãi vào cuối tuần tại một số siêu thị cụ thể theo chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp.

Nhập khẩu heo sống từ Thái Lan 'đóng băng' khi giá heo hơi giảm  - Ảnh 2.

Giá thịt heo tại các siêu thị dao động trong khoảng 140.000 - 270.000 đồng/kg. (Ảnh: Như Huỳnh).

Việc tái đàn vẫn e dè

Tại buổi họp báo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào tuần trước, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay đàn heo cả nước đang dần được khôi phục nhưng việc tái đàn tại các địa phương vẫn còn chậm so với kì vọng.

Theo đó, đến tháng 9/2020, tổng đàn heo đã đạt 22,57 triệu con, bằng 82% so với thời điểm trước khi có dịch tả heo châu Phi. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm ước đạt 2,48 triệu tấn, giảm 3,2% so với cùng kì năm 2019. Đáng chú ý, dịch bệnh trên đàn heo vẫn còn. 

Tính đến hết tháng 9, cả nước có 9 ổ dịch lở mồm long móng tại 5 tỉnh và bệnh dịch tả heo châu Phi đã khiến 15.769 con heo bị tiêu hủy và 29 tỉnh, thành có dịch chưa qua 21 ngày.

Hiện nay, tuy giá thịt heo đã giảm so với thời điểm đầu năm 2020 nhưng giá con giống phục vụ cho tái đàn, tăng đàn vẫn đang ở mức cao. Nhiều người lo ngại với mức giá giống cao như vậy sẽ khiến người chăn nuôi e dè tái đàn, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo vào cuối năm.

"Với mức giá heo giống 3 - 3,2 triệu/con thì giá xuất chuồng 65.000 đồng/kg là người dân sẽ lỗ, vì thực tế khi doanh nghiệp bán heo với giá 65.000 - 66.000 đồng/kg thì người dân chỉ bán được khoảng 61.000 - 62.000 đồng/kg. 

Cho nên có thể họ sẽ ngừng nuôi, khiến nguồn cung giảm trong khoảng thời gian cuối năm đến Tết Nguyên đán, và điều này sẽ đẩy giá tăng lên, ở mức 70.000 đồng/kg hoặc trên một tí để đảm bảo người dân có lãi", ông Phạm Trần Sum chia sẻ.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận đến thời điểm này, tuy đã có gần 3 triệu heo nái nhưng số heo nái không sản xuất được ngay mà phải nuôi đến 7-8 tháng mới phối giống được. Khi phối giống, phải mất thêm 3-4 tháng mới có heo con, do vậy áp lực về giống thời gian qua là có, dẫn đến giá giống cao.

Tuy nhiên, ông Tiến cho biết sắp tới với cơ cấu đàn nái 3 triệu con này sẽ sản xuất và tung ra thị trường số heo con lớn hơn, giúp áp lực giá giống giảm. Hơn nữa, đến hết tháng 9/2020, nước ta đã nhập khẩu 156.000 tấn thịt heo từ các nước. 

Tổng hợp nguồn cung từ số heo tái đàn, tăng đàn thời gian qua cộng với số heo không được chọn giống và giải pháp tiếp tục nhập thịt heo thì lượng cuối năm sẽ đảm bảo nhu cầu.

“Cạnh đó, nếu lượng thịt heo vẫn thiếu hụt thì chúng ta đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm, trứng... Hiện số lượng thực phẩm từ nuôi trồng thủy sản đã tăng lên 430.000 tấn, các loại thịt khác tăng 336.000 tấn… 

Con số này đủ bù đắp cho thiếu hụt thị trường trong nước, phục vụ cho tăng trưởng và xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.