Hiệp hội Kinh doanh vàng vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu được thông qua, việc nhập vàng có thể gây áp lực cho tỷ giá và sử dụng sai mục đích làm đảo lộn thị trường.
Cần thận trọng khi nhập khẩu vàng nguyên liệu (Ảnh minh họa: Internet) |
Theo thống kê của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, hiện mỗi năm các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có khoảng 12 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức, trong khi lượng vàng nguyên liệu cần khoảng 15 tấn. Ước tính số tiền phải bỏ ra để nhập khẩu là khoảng 650 triệu USD.
Bà Trần Như My, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cho biết, để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp phải thu mua các nguồn hàng trôi nổi trên thị trường hoặc vàng SJC, nhưng giá cả và số lượng hàng không ổn định khiến xuất khẩu giảm sút.
Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng, thị trường trong nước đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức nhưng lại không được nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Do đó có sự chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước rất cao, từ 5-7 triệu đồng/lượng, ở thời điểm hiện tại từ 1,6 đến 2 triệu đồng/lượng.
Ông Đinh Nho Bảng, Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho hay, do chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam cao hơn giá vàng quốc tế đã làm chi phí sản xuất tăng cao, không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Thậm chí, doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro pháp lý liên quan đến việc mua bán vàng bất hợp pháp...
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiệu quả của các chính sách quản lý nhà nước về quản lý thị trường vàng mới được tái lập thì việc cân nhắc nên cho nhập khẩu vàng nguyên liệu trong giai đoạn này hay không cần được xem xét thận trọng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, trước mắt chỉ giới hạn cho nhập khẩu đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có hợp đồng xuất khẩu.
Trước những lo ngại lượng ngoại tệ này có thể gây sức ép lên tỷ giá, gây bất ổn cho thị trường tiền tệ, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị việc nhập khẩu sẽ chia thành từng lộ trình, không phải nhập một lần. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không giải được bài toán nguyên liệu thì các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục tình trạng sản xuất bằng vàng không rõ nguồn gốc, mất lợi thế cạnh tranh, lép vế ngay tại sân nhà. Vì vậy, thời điểm và số lượng vàng cho nhập là những yếu tố cần phải cân nhắc thận trọng./.