Trong chuyến thăm tới 5 nước Đông Nam Á, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cam kết Tokyo sẽ hỗ trợ bạn bè quốc tế trong đại dịch, đồng thời ông cũng gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia để thảo luận về việc gỡ bỏ hạn chế đi lại cũng như các cơ hội kinh tế mới.
Chuyến thăm của ông bắt đầu từ ngày 13/8, kết thúc vào ngày 24/8 sau khi gặp gỡ cố vấn nhà nước cấp cao của Myanmar là bà Aung San Suu Kyi. Hai bên đồng ý nới lỏng hạn chế đi lại lẫn nhau. Ông Motegi hứa Nhật Bản sẽ cho Myanmar vay 30 tỉ yen (283 triệu USD) để hỗ trợ ngân sách khẩn cấp và 15 tỉ yen (142 triệu USD) để giúp đỡ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Motegi có các cuộc thảo luận tương tự tại Campuchia và Lào vào cuối tuần trước. Ở Viêng Chăn, ông cam kết Nhật Bản sẽ viện trợ không hoàn lại gần 2 tỉ yen để nước này nâng cấp trường học và 500 triệu yen khác để mua xe buýt.
Tại Phnom Penh, ông Motegi nói rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế của Campuchia qua thông qua việc xây dựng "hành lang kinh tế" hoặc con đường nối với Thái Lan và Việt Nam, đài truyền hình NHK đưa tin.
Thông điệp của ông Motegi được đưa ra vào lúc Trung Quốc nỗ lực tăng cường ảnh hưởng tại Đông Nam Á, trong khi đó quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo lại đang rạn nứt do các tranh chấp tại Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và Biển Hoa Đông.
Hôm 24/8, Trung Quốc thông báo sẽ ưu tiên cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước sông Mekong bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra cam kết trên trong hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo trong Hợp tác Lancang-Mekong. Ông cũng hứa hẹn sẽ hỗ trợ các nước sông Mekong trong các nỗ lực y tế công cộng và cung cấp thuốc chống dịch bệnh, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Ông David Arase, Giáo sư chính trị quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins cho biết cuộc khủng hoảng Covid-19 mang lại cho Nhật Bản một cơ hội tốt để có được các đối tác mới trong quá trình dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Theo khảo sát gần đây của ngân hàng Standard Chartered, đối với những quốc gia muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình khỏi Trung Quốc, Việt Nam là điểm đến ưa thích nhất, theo sau bởi Campuchia, Myanmar, Bangladesh và Thái Lan.
Ông Arase nói rằng chính phủ Nhật Bản đã "rất chủ động trong việc sắp xếp các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các bộ trưởng" trong khi Washington và Bắc Kinh mải bận rộn với các mối quan tâm khác.
Ông Vannarith Chheang, Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á có trụ sở tại Phnom Phen cho biết chuyến thăm của ông Motegi tới Campuchia đã "thành công". Ông cũng nói thêm rằng đề xuất trợ giúp kinh tế của Nhật Bản cũng được đánh giá cao.
"Nhật Bản là cường quốc tầm trung thành thực nhất, không đe dọa nền kinh tế Đông Nam Á, có thể đóng vai trò quan trọng trong xung đột Mỹ-Trung và trở thành trung gian để tạo ra đường lối ôn hòa hơn. Nhật Bản đang giành được sự tin tưởng của các nước Đông Nam Á, mục tiêu các nước này là thúc đẩy an ninh và hòa bình trong khu vực".
Ông Chheang nhận xét các nước Đông Nam Á có quan điểm "thực dụng" khi đối mặt với sức ép từ Mỹ và Trung Quốc và không muốn phải chọn phe. Ông nói thêm: "Những quốc gia này đã sống sót sau Chiến tranh Lạnh và họ đang cố gắng hết sức để duy trì vị trí trung lập".
Ông Yakov Zinberg, giáo sư nghiên cứu về Đông Á tại Đại học Kokushikan của Tokyo nói rằng "địa chính trị là mục tiêu chính của Nhật Bản, tiếp theo là các vấn đề kinh tế".
"Các quốc gia trên đều nằm trên con đường vận chuyển dầu mỏ đến Nhật Bản và đây là vấn đề cực kì quan trọng đối với Tokyo. Nhật Bản phải xây dựng quan hệ đối tác chiến lược ở các khu vực xung quanh Trung Quốc và họ ngày càng coi đây là vấn đề cấp bách".