Nhiều năm nay, anh Đào Đặng Công Trung (40 tuổi) gắn bó với công việc nhặt rác làm sạch rừng Sơn Trà, Đà Nẵng. Không chỉ ở trên cạn, anh còn lặn xuống biển tìm nhặt rác. Ở độ sâu 8 mét, anh Trung phát hiện 15 lon bia, chai nhựa được dòng hải lưu gom lại một chỗ.
Theo anh Trung, rác ở dưới biển rất nhiều, đa phần là rác chìm gồm: vỏ lon bia, vỏ lon sữa, vỏ chai nhựa do khách du lịch vứt xuống.
Hàng tuần, mỗi khi chở khách trên thuyền du lịch ra ngắm đảo Hòn Chảo (hòn Sơn Trà con) và các vùng biển quanh bán đảo Sơn Trà, anh Trung lại tranh thủ lặn xuống "vệ sinh" đáy biển
Nhìn thoáng qua, vùng biển hoang sơ xanh biếc. Nhưng lởn vởn dước nước là nhiều loại rác thải, từ túi nylon đến dây cước, mảnh lưới...
Nhiều loại chai, lọ nằm ở độ sâu từ 3 đến 10, lẫn vào những rạn san hô.
"Tôi không bất ngờ khi đáy biển nhiều rác", anh nói và cho biết rác nặng thì chìm, còn rác nhẹ thì theo sóng, gió tấp ngược vào trong bờ.
Anh Trung cho biết, lấy rác dưới nước đòi hỏi nhiều kỹ năng. Ngoài việc bơi lặn giỏi còn phải nín hơi được lâu và phải biết điều áp vì xuống dưới độ sâu 3 mét lỗ tai bị ảnh hưởng; nếu không biết điều áp thì không lặn xuống được, áp suất sẽ phá lỗ tai, lỗ mũi và chảy máu.
Anh Trung nói và cho biết từng bị tai nạn lúc cố lấy thêm một chút rác, bị thiếu oxy trong não nên bị choáng. Khi lên mặt nước, nhờ có kinh nghiệm nên anh điều áp được.
Rác thải từ chai, lọ cho đến túi nylon đều được anh Trung thu gom, bỏ vào giỏ nổi trên mặt nước hoặc để ngay dưới đáy biển. Hết buổi, anh đưa rác theo thuyền về bờ để bỏ vào thùng. Anh Trung đang là trưởng bộ phận hoạt động khách hàng ở khu resort nổi tiếng ở bán đảo Sơn Trà. Buổi sáng đi làm, anh gom rác dọc đường đi. Chiều về cũng tranh thủ nhặt rác.
Mỗi buổi lặn biển, anh Trung gom được khoảng 10 kg rác.