Nhà máy đốt rác 80 triệu USD Đà Nẵng định đầu tư ở Khánh Sơn hiện đại thế nào?

Bãi rác Khánh Sơn sẽ nâng cấp thành Khu liên hợp xử lí chất thải rắn, xây dựng nhà máy dùng công nghệ đốt rác, phát điện, công suất dự kiến 650 tấn/ngày đêm. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa đồng thuận việc xây dựng.

Ngày 6/7, UBND TP Đà Nẵng tổ chức đối thoại với người dân sinh sống ở khu vực bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) việc không đóng cửa bãi rác lớn nhất thành phố mà nâng cấp thành Khu liên hợp xử lí chất thải rắn để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường.

Bai rac khanh son da nang

UBND TP Đà Nẵng tổ chức đối thoại với người dân sinh sống ở khu vực bãi rác Khánh Sơn. (Ảnh: Văn Luận).

Tại buổi đối thoại, đa số ý kiến người dân chưa đồng ý với việc làm Khu liên hợp xử lí chất thải rắn; làm nhà máy dùng công nghệ đốt rác, phát điện, công suất dự kiến 650 tấn/ngày đêm. Họ yêu cầu di dời bãi rác Khánh Sơn, đồng thời làm nhà máy ở nơi khác vì nếu hiện đại thì làm ở đâu cũng được.

Sau buổi đối thoại, lúc 15h ngày 6/7, người dân kéo ra tuyến đường Hoàng Văn Thái (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) chặn xe rác không cho vài bãi rác đổ khiến toàn thành phố ùn ứ hơn 1.200 tấn rác thải.

Đến trưa 8/7, Khi có lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an rào chắn "mở lối", các xe rác của Công ty CP Môi trường đô thị đã lần lượt vào bãi rác Khánh Sơn đổ.

Tại sao lại chọn bãi rác Khánh Sơn để nâng cấp, làm nhà máy mà không phải nơi nào khác?

Theo Sở TN&MT TP Đà Nẵng, tại bãi rác Khánh Sơn hiện nay, nếu nâng cấp thành Khu liên hợp sẽ giúp thi công nhanh do sử dụng các hạng mục hạ tầng kĩ thuật, tuyến đường vận chuyển sẵn có, khắc phục triệt để ô nhiễm phát sinh hiện nay.

Đà Nẵng sẽ đầu tư nhà máy đốt rác 80 triệu USD hiện đại như thế nào ?

Theo Sở TN&MT TP Đà Nẵng, Công ty CP Môi trường Việt Nam đã kí hợp đồng liên doanh với Tập đoàn EverBright International (Hồng Kông) góp vốn đầu tư công nghệ đốt rác phát điện tại bãi rác Khánh Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, công suất xử lí rác 650 tấn/ngày, biến rác thải thành năng lượng, các thông số khí thải và khói thải đạt tiêu chuẩn khí thải châu Âu.

Phối cảnh dự án Nhà máy đốt rác phát điện Khánh Sơn

Phối cảnh dự án nhà máy đốt rác phát điện Khánh Sơn. (Ảnh: Sở TN&MT TP Đà Nẵng).

Theo kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt, nhà máy sẽ được khởi công vào cuối năm 2019, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2021. Nhà máy này sử dụng công nghệ giống như Nhà máy điện rác Cần Thơ.

Để người dân hiểu về nhà máy đốt rác với công nghệ hiện đại, ngày 27/6, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND quận Liên Chiểu tổ chức cho một số người dân sinh sống ở khu vực bãi rác Khánh Sơn vào Cần Thơ tham quan thực tế nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ.

Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện do Tập đoàn EverBright International phát triển, khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 12/2018, hiện đang xử lí 400 tấn rác/ngày.

Theo quy trình, rác được đưa từ từ vào lò đốt và sấy khô trước khi chuyển sang đốt. Dựa vào sức nóng của quá trình đốt, nước bốc hơi làm quay tua-bin phát điện. Sản lượng điện phát ra mỗi ngày khoảng 150.000kWh, tỉ lệ sản lượng điện dùng lại cho nhà máy là 20%, còn lại bán cho điện lực.

Nâng cấp bãi rác Khánh Sơn rất cấp thiết, khắc phục triệt ô nhiễm môi trường bãi rác Khánh Sơn

Mới đây, ngày 20/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự án nâng cấp bãi rác Khánh Sơn.

Tại hội nghị này, các đại biểu đều thống nhất việc sớm nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lí chất thải rắn, làm nhà máy đốt rác hiện đại giải quyết "bài toán" ô nhiễm khiến người dân kiến nghị hàng chục năm qua.

Ngày 9/7, phát biểu tại Kì họp lần thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng, bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho biết:

Nhiều năm qua, bãi rác Khánh Sơn là điểm nóng ô nhiễm môi trường nhưng chỉ được giải quyết bằng các giải pháp tình thế nên gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Ủy ban MTTQ thành phố thống nhất với chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lí chất thải rắn, bảo đảm các tiêu chuẩn về xử lí chất thải hiện đại và khôi phục môi trường sạch tại khu vực.

"Dự án nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lí chất thải rắn là dự án rất cấp thiết nhằm đảm bảo xử lí chất thải rắn thành phố đến năm 2030 và khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường của bãi rác Khánh Sơn.

Đề nghị chính quyền thành phố khẩn trương triển khai thực hiện dự án và chọn lựa kĩ công nghệ đốt rác phát điện của nhà máy điện rác Khánh Sơn, đặc biệt chú ý đến khả năng ô nhiễm và các chất độc hại từ khói đốt rác cũng như việc xử lý tro, xỉ sau khi đốt.

Thực hiện chuyển đổi nghề, đảm bảo cơ bản cuộc sống, thu nhập cho hơn 300 lao động đang nhặt rác tại Khánh Sơn, tiến hành di dời các hộ dân trong khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo đúng quy định hiện hành và trồng cây xanh cách li khu liên hợp với khu dân cư", bà Liên nói.

20190708_073254

Khi xây dựng nhà máy, chất thải rắn thu gom sẽ được đốt, phát điện. (Ảnh: Văn Luận).

Chính quyền Đà Nẵng vẫn xúc tiến nâng cấp bãi rác Khánh Sơn, làm nhà máy xử lí chất thải rắn

Theo thông báo của Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND TP Đà Nẵng phát đi tối 7/7 về kết luận của ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP tại buổi đối thoại với các hộ dân tại khu vực bãi rác Khánh Sơn: "Đối với kiến nghị di dời bãi rác và không triển khai đầu tư nhà máy xử lí chất thải rắn, ông Dũng kết luận, thành phố đã có chủ trương nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lí chất thải rắn trong đó có đầu tư nhà máy xử lí rác bằng công nghệ hiện đại, tốt hơn công nghệ chôn lấp hiện nay và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định.

Bãi rác Khánh Sơn đi vào hoạt động năm 2007 trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu với diện tích hơn 32 ha. Đây là nơi thu gom, xử lí rác với công suất hơn 900 tấn/ngày trên toàn địa bàn TP Đà Nẵng.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã có gần 20 lần người dân sinh sống xung quanh bãi rác tổ chức chặn xe chở rác vào xử lí. Nguyên nhân là vì bãi rác phát ra mùi hôi và nước thải chảy rỉ ra bên ngoài khiến người dân lo lắng ảnh hưởng sức khỏe.


chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.