Đất xây trường bỏ hoang, trẻ phải học trái tuyến
Khu nhà ở xã hội tại Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội do Công ty Cổ phần xây dựng số 3 (Vinaconex 3) làm chủ đầu tư, trong đó có diện tích 15.169m2 dành để xây dựng trường học từ mầm non đến THCS. Sau gần 20 năm, các hạng mục cơ sở hạ tầng, nhà thương mại, chung cư cao tầng... cơ bản đã hoàn thành, người dân về ở đông đúc.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2/3 trường (Tiểu học và THCS Trung Văn) được xây dựng. Khu đất xây dựng trường mầm non khoảng 3.000m2 bị bỏ trống, hoang hoá lâu năm, người dân chiếm dụng làm bãi đỗ xe trái phép.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Vinaconex 3 cho biết, 3 trường học là hạng mục do UBND quận đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Chủ đầu tư đã thực hiện hết trách nhiệm của mình và bàn giao lại cho địa phương quản lí.
Trả lời Báo Giao thông, đại diện quận Nam Từ Liêm xác nhận, trong quá trình qui hoạch, quận có đề xuất xây dựng thêm 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở. Cả 2 trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng. Khi hỏi về trường mầm non thì vị này lại đẩy trách nhiệm lên thành phố vì “quận không đề xuất”.
Tương tự, Dự án Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (nằm trên địa bàn phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai và xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì), chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) có tổng diện tích 50,3882ha. Trong đó dành gần 7ha xây dựng trường học, gồm: 1 trường THPT, diện tích qui hoạch 1,8ha; 1 trường tiểu học và THCS, 3 nhà trẻ mẫu giáo với tổng diện tích qui hoạch 1,4ha.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm, đến nay dự án mới chỉ có 1 trường mẫu giáo được xây dựng đưa vào sử dụng, 5 ô đất xây trường còn lại đang để hoang hóa hoặc làm bãi đỗ xe trái quy định. Thậm chí, ô đất 2,2ha để xây dựng trường tiểu học đang được chào bán công khai trên mạng với giá 6 triệu đồng/m2.
Thiếu trường, phải cho con học trái tuyến với chi phí học đắt đỏ khiến nhiều bậc phụ huynh thêm phần vất vả. Chị Phạm Thị Minh, cư dân sống tại khu đô thị này cho biết, khi tìm hiểu mua nhà thì dự án quảng cáo có hệ thống trường đồng bộ từ mầm non đến trung học phổ thông, thậm chí có cả trường dạy nghề. Thế nhưng gia đình chị về ở gần chục năm nay vẫn chưa thấy có trường nào xây dựng ngoài một trường mầm non.
Tại các khu đô thị khác do HUD làm chủ đầu tư cũng diễn ra tình trạng tương tự. Điển hình như: Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, qui hoạch 6 trường nhưng mới xây 1 trường; Khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên, qui hoạch 5 trường, mới xây 1.
Nằm trên địa bàn phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Khu đô thị Thành phố giao lưu do Công ty CP Đầu tư & Xây dựng quốc tế Vigeba làm chủ đầu tư được qui hoạch năm 2006 với 5 trường, nhưng đến nay bỏ hoang cỏ mọc. Chủ đầu tư viện lí do “đang xin chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng”, dù hạ tầng kĩ thuật, nhà thương mại cao tầng đã hoàn thiện đưa vào sử dụng nhiều năm…
Cần siết trách nhiệm từ khi qui hoạch
Theo báo cáo Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố từ năm 2016 - 2019 có 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội, 11 dự án nhà tái định cư được quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhưng việc đầu tư xây dựng trường học tại các khu đô thị chưa đảm bảo đồng bộ, chậm so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.
TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở qui hoạch kiến trúc Hà Nội nhận định, có ba nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai hạ tầng giáo dục: Thứ nhất là chủ đầu tư không mặn mà trong đầu tư xây dựng trường học mà chỉ quan tâm đến xây dựng sản phẩm thương mại bán và cho thuê. Thứ hai là do nhà nước tham gia đầu tư, chủ đầu tư xây nhà thương mại, nhà nước đầu tư trường, do đó có sự chênh lệch, chậm trễ về thời gian giữa đầu tư tư nhân và đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nguyên nhân thứ 3 là do trong phê duyệt dự án đầu tư xây dựng không ghi rõ đó là trường công hay trường tư dẫn đến không xác định được chủ đầu tư.
“Nếu trường công thì nhà nước đầu tư, trường tư thì do chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư thứ cấp được thực hiện. Hiện nay, việc này không rõ ràng trong quy định phê duyệt dự án. Do đó cần phải “siết” lại rõ ràng trách nhiệm đầu tư ngay từ khi lập qui hoạch”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn LS TP Hà Nội cho biết: Pháp luật hiện hành đã quy định rõ ràng, đầy đủ về qui hoạch cơ sở giáo dục trong khu đô thị. Tuy nhiên, quy định về xử lí chủ đầu tư chậm triển khai hoặc không triển khai vẫn chưa rõ ràng, mơ hồ nên chủ đầu tư không thực hiện.
Do đó, cần phải có những quy định cụ thể hơn như: Quy định chủ đầu tư phải kí quĩ bằng tiền, đảm bảo thực hiện hạng mục cơ sở giáo dục, dạy nghề... sẽ được giải ngân khi thi công xong công trình; thắt chặt khâu kiểm duyệt đối với nguồn vốn thực hiện dự án; quy định về hình thức xử phạt chủ đầu tư nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng qui hoạch được duyệt.
Trả lời Báo Giao thông về việc xử lí các chủ đầu tư chậm triển khai hạ tầng xã hội, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, khi chủ đầu tư thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 139/2017. Hiện Bộ Xây dựng đang rà soát, trình Quốc hội sửa đổi Luật Xây dựng, trong đó có các nội dung quy định về việc thẩm định, bàn giao khu đô thị với các yêu cầu về hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội của dự án.