Nhiều địa phương công bố quy định mới về tách thửa

Nhiều địa phương trên cả nước đã ban hành quyết định về việc tách thửa đất theo quy định mới trong Luật Đất đai 2024.

Kể từ tháng 8, Luật Đất đai 2024 đã chính thức có hiệu lực. Liên quan đến việc tách thửa đất, luật mới đã nêu rõ các nguyên tắc, điều kiện phải bảo đảm. Cùng với đó, UBND cấp tỉnh căn cứ quy định và phong tục, tập quán tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất đối với từng loại đất. 

Thời gian qua, nhiều địa phương đã ban hành các quyết định về hoạt động tách thửa theo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Nhiều địa phương đã có quy định mới về tách thửa đất trên địa bàn. (Ảnh minh họa: Di Anh). 

Tại Bình Định, quyết định về điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất đã được địa phương ban hành vào ngày 1/8 và có hiệu lực từ ngày 15/8.  

Cụ thể, đất ở tại đô thị sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu là 40 m2, kích thước chiều rộng (mặt tiền) và chiều dài (chiều sâu) thửa đất tối thiểu 3 m; đất ở tại nông thôn có diện tích tối thiểu 50 m2, chiều rộng và chiều dài tối thiểu 4 m.   

Diện tích tối thiểu sau tách thửa đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (không thuộc dự án đầu tư được Nhà nước giao, cho thuê) là 100 m2, chiều rộng và chiều dài từ 5 m trở lên. Đối với đất trồng cây hàng năm, đất làm muối là 500 m2, chiều rộng và chiều dài từ 5 m trở lên; đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản là 1.000 m2, chiều rộng và chiều dài từ 10 m trở lên; đất rừng sản xuất là 5.000 m2, chiều rộng và chiều dài từ 50 m trở lên.

Tại Hải Dương, quy định mới về điều kiện tách thửa đất trên địa bàn đã có hiệu lực từ ngày 12/9. Đất ở thuộc khu vực đô thị phải có diện tích tối thiểu 30 m2, kích thước cạnh tiếp giáp mặt đường hoặc lối đi chung tối thiểu 3 m; chiều sâu vào phía trong của thửa đất vuông góc với đường hoặc lối đi chung tối thiểu 5 m. Đất ở thuộc khu vực nông thôn có diện tích tối thiểu 60 m2, kích thước cạnh tiếp giáp mặt đường chính tối thiểu 4 m, chiều sâu tối thiểu 5 m.   

Diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất thương mại, dịch vụ cũng được đề cập. Đất của cá nhân và thuộc khu dân cư đô thị hoặc nằm trong quy hoạch khu dân cư đô thị đã được phê duyệt là 100 m2, kích thước một cạnh tiếp giáp mặt đường chính tối thiểu 3 m. Đất của cá nhân và thuộc khu dân cư nông thôn hoặc nằm trong quy hoạch là 200 m2, kích thước một cạnh tiếp giáp mặt đường chính tối thiểu 4 m. 

Đất được nhà nước giao, cho thuê thực hiện dự án và thuộc khu vực đô thị hoặc nằm trong quy hoạch khu đô thị là 1.000 m2. Đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án và thuộc khu vực nông thôn hoặc nằm trong quy hoạch khu dân cư nông thôn, khu quy hoạch sản xuất kinh doanh tập trung là 2.000 m2. Đất được nhà nước giao, cho thuê làm dự án và nằm trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề hoặc nằm trong quy hoạch là 3.000 m2.    

Tại Bắc Giang, quy định chi tiết về điều kiện tách thửa do UBND tỉnh này ban hành đã được thực thi từ ngày 21/9. 

Với đất ở, thửa đất sau tách thửa có diện tích tối thiểu 32 m2, kích thước mặt tiền tối thiểu 4 m, chiều sâu so với chỉ giới xây dựng (nếu có) tối thiểu 5,5 m đối với thửa đất gốc có chiều sâu hiện hữu từ 5,5 m trở lên. Trường hợp sau khi Nhà nước thu hồi đất, thửa đất có chiều sâu hiện hữu nhỏ hơn 5,5 m thì chiều sâu tối thiểu phải đảm bảo 3 m. 

Với đất trồng cây hàng năm, diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 500 m2. Với đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác, diện tích tối thiểu tại khu vực đô thị là 150 m2; khu vực nông thôn là 200 m2. Đối với thửa đất lâm nghiệp, diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 3.000 m2. 

UBND tỉnh Nam Định mới ban hành quy định về điều kiện, diện tích tối thiểu việc tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 1/10. 

Theo nội dung phân định khu vực để quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa, khu vực I gồm các vị trí đất thuộc các phường của TP Nam Định, các thị trấn hiện hữu. Khu vực II gồm các vị trí đất thuộc khu dân cư nằm ven các đường Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; khu dân cư nằm ven các đường trục xã; khu dân cư tại các khu vực đặc thù ở TP Nam Định, các huyện Trực Ninh, Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu. Khu vực III gồm vị trí đất ở các nơi còn lại. 

Tại khu vực I, với thửa đất là bộ phận cấu thành dãy phố, ngõ phố có chiều rộng mặt đường trên 2,5 m thì thửa đất ở sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30 m2, chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4 m, chiều sâu tối thiểu so với chỉ giới xây dựng 5 m. Nếu ngõ phố có chiều rộng mặt đường nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 m thì phải có diện tích tối thiểu 45 m2, chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4 m, chiều sâu tối thiểu 7 m.  

Tại khu vực II và III, thửa đất ở sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu lần lượt là 50 m2 và 80 m2, đều có chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4 m và chiều sâu tối thiểu 7 m.  

Với đất thương mại, dịch vụ, diện tích tối thiểu là 1.000 m2, chiều rộng mặt tiền tối thiểu 15 m, chiều sâu tối thiểu 20 m. Với đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, diện tích tối thiểu là 3.000 m2, chiều rộng mặt tiền tối thiểu 20 m, chiều sâu tối thiểu 25 m.   

Tại Thanh Hóa, quy định về điều kiện, diện tích tách thửa đất cũng sẽ được áp dụng từ ngày 1/10. Với đất ở tại đô thị, thửa đất sau tách thửa có diện tích tối thiểu 40 m2, kích thước cạnh tối thiểu 3 m. Riêng địa bàn phường Hải Thanh thuộc thị xã Nghi Sơn, diện tích là 30 m2 và kích thước cạnh là 3 m. 

Với đất ở tại nông thôn, thửa đất sau tách thửa có diện tích tối thiểu 50 m2, kích thước cạnh tối thiểu 4 m. Riêng tại xã Nghi Sơn thuộc thị xã Nghi Sơn, xã Ngư Lộc thuộc huyện Hậu Lộc, xã Quảng Nham thuộc huyện Quảng Xương thì diện tích là 30 m2, kích thước cạnh là 3 m. 

Với đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối, sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu 500 m2. Đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là 3000 m2.  

Từ ngày 3/10, quy định mới về tách thửa đất đối với đất ở và đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có hiệu lực. Với đất ở, diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa tại các phường của TP Huế là 60 m2; các thị trấn thuộc huyện, các phường thuộc thị xã là 80 m2; các xã đồng bằng là 100 m2; các xã trung du, miền núi là 120 m2.

Kích thước cạnh mặt tiền thửa đất từ 4 m trở lên đối với đường phố có bề rộng chỉ giới đường đỏ nhỏ hơn 19 m; từ 5 m trở lên đối với đường phố có bề rộng chỉ giới đường đỏ lớn hơn hoặc bằng 19 m. Kích thước chiều sâu từ 5 m trở lên.

Với đất nông nghiệp, thửa đất sau tách thửa phải đảm bảo điều kiện về diện tích. Trong đó, diện tích tối thiểu của đất trồng cây hàng năm (trừ đất lúa), đất nuôi trồng thủy sản, đất chăn nuôi tập trung tại các xã, phường thuộc TP Huế là 200 m2; tại các thị trấn thuộc huyện và các phường thuộc thị xã là 300 m2; tại các xã đồng bằng là 400 m2; tại các xã trung du, miền núi là 500 m2.

Diện tích tối thiểu của đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp khác tại các xã, phường thuộc TP Huế là 400 m2; các thị trấn thuộc huyện và các phường thuộc thị xã là 600 m2; các xã đồng bằng là 800 m2; tại các xã trung du, miền núi là 1.000 m2. Với đất lâm nghiệp là 5.000 m2.

Hà Nội và TP HCM đang lấy ý kiến dự thảo

Tại TP Hà Nội, dự thảo quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn đang được địa phương lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện.

Theo đó, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ 4 m trở lên, chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 4 m trở lên và diện tích ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50 m2; tại xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu là 80 m2; tại xã vùng trung du, diện tích tối thiểu 100 m2 và tại xã miền núi, diện tích tối thiểu 150 m2.

Đối với trường hợp tách thửa có hình thành lối đi, lối đi phải có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5 m trở lên đối với thị trấn, 4 m trở lên đối với khu vực đồng bằng và 5 m trở lên đối với khu vực trung du, miền núi.

Đối với đất phi nông nghiệp, quy định này áp dụng cho các thửa đất ngoài trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án. Tại phường, thị trấn, đối với đất thương mại, dịch vụ, thửa đất mới phải có chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 10 m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 400 m2.

Đối với các loại đất phi nông nghiệp khác, phải có chiều rộng từ 20 m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 1.000 m2. Tại các xã khác, đối với đất thương mại, dịch vụ, diện tích không nhỏ hơn 800 m2 và đối với đất phi nông nghiệp khác, diện tích không nhỏ hơn 2.000 m2.  

Một khu đất ở TP HCM. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).  

Tại TP HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang lấy ý kiến về dự thảo quy định tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách trên địa bàn theo Luật Đất đai 2024. 

Với đất ở khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú; thửa đất ở hình thành và đất còn lại sau khi tách phải tối thiểu 36 m2, chiều rộng mặt tiền và chiều sâu không nhỏ hơn 3 m.

Khu vực 2 gồm các quận 7, 12, Bình Tân, TP Thủ Đức và thị trấn các huyện, thửa đất sau khi tách phải tối thiểu 50 m2, chiều rộng mặt tiền và chiều sâu không nhỏ hơn 4 m. Khu vực 3 gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ (ngoại trừ thị trấn), thửa đất sau khi tách phải tối thiểu 80 m2,chiều rộng mặt tiền và chiều sâu không nhỏ hơn 5 m.

Với thửa đất nông nghiệp, phải đáp ứng điều kiện là 500 m2 với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác; 1.000 m2 với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất chăn nuôi tập trung.  

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.