Nhiều doanh nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu 'kéo nhau' đi buôn đất đấu giá tại Thanh Hóa

Vài năm trở lại đây, sức nóng của thị trường đất đấu giá Thanh Hóa không chỉ thu hút những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, mà còn lan tỏa đến những doanh nghiệp vốn không chuyên trong lĩnh vực bất động sản.
Thanh Hóa: Doanh nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu kéo nhau đi buôn đất đấu giá - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa).

Từ năm 2020 đến nay, Thanh Hóa là một trong những địa phương có thị trường đất đấu giá diễn ra sôi động trên cả nước.

Đơn cử tại xã Quảng Nhân (huyện Quảng Xương), vào cuối năm 2020, UBND xã tổ chức đấu giá 53 lô đất, mỗi lô có diện tích 120 - 150 m2, giá khởi điểm 1,5 - 2 triệu đồng/m2. Trong phiên đấu giá người dân ở khắp nơi về tham gia. Qua buổi đấu giá, giá đất được đẩy lên 4,1 đến 4,25 triệu đồng/m2, Báo Thanh Hóa đưa tin.

Hay tại huyện Hoằng Hóa, tính đến cuối năm 2021, huyện này đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng ở 51 dự án với tổng diện tích đấu giá 23,2 ha. UBND huyện đã hướng dẫn các tổ chức hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh cho thuê đất 5 dự án với tổng diện tích 12,3 ha...

Cũng bởi sự sôi động đó, thị trường đất đấu giá Thanh Hóa ghi nhận không ít trường hợp trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm; có trường hợp cao bất thường, tác động tiêu cực đến thị trường nhà đất.

Tình trạng bỏ cọc đấu giá đất cũng không phải chuyện hiếm ở địa phương này. Trong đợt đấu giá cuối năm 2020, xã Quảng Nhân (Quảng Xương) có 31 lô đất trúng đấu giá bị bỏ cọc với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng.

Huyện Hoằng Hóa trong 9 tháng đầu năm 2021 cũng ghi nhận hơn 100 lô đất bị bỏ cọc, tập trung nhiều ở các xã Hoằng Đức, Hoằng Cát, Hoằng Đồng, Hoằng Thành...

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải ban hành quy định mới, yêu cầu nhà đầu tư đặt tiền trước 20% cho các lô đất đấu giá.

Nhiều doanh nghiệp trái ngành 'lấn sân' mua đất đấu giá

Sức nóng của thị trường đất đấu giá Thanh Hóa không chỉ thu hút những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, mà còn lan tỏa đến những doanh nghiệp trái ngành.

Ngày 25/2 vừa qua, UBND TP Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu các tổ chức trúng đấu giá khẩn trương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ mua đất của các doanh nghiệp trước ngày 30/6.

Theo thông báo, tại phường Quảng Hưng có ba tổ chức trúng đấu giá mặt bằng quy hoạch cần hoàn thiện thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân gồm CTCP Kim loại màu Bắc Hà; CTCP Công nghiệp Tự Cường và CTCP Thương mại và Xây dựng Thanh Minh.

Tại phường Đông Hải có CTCP Luyện kim Thanh Hóa (nay là Tổng CTCP Việt Thanh VNC), Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Bắc Nam và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Quý Quyền.

Tại phường Phú Sơn có Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Bắc Nam. Phường Đông Vệ có CTCP Thương mại và Xây dựng Thanh Minh. Phường Nam Ngạn có CTCP Kim loại màu Bắc Hà...

Thanh Hóa: Doanh nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu kéo nhau đi buôn đất đấu giá - Ảnh 2.

(Ảnh: UBND tỉnh Thanh Hóa).

Theo tìm hiểu của người viết, phần lớn các doanh nghiệp nêu trên đều không chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, CTCP Kim loại màu Bắc Hà được thành lập vào tháng 11/2007, có trụ sở tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngành nghề chính của doanh nghiệp này là bán buôn kim loại và quặng kim loại.

Tổng Giám đốc doanh nghiệp - ông Chu Việt Hùng đồng thời đứng tên tại hai công ty khác, bao gồm CTCP Đầu tư - Khai thác Khoáng sản Bắc Hà (đã ngừng hoạt động) và Chi nhánh CTCP Kelvin tại Thái Nguyên.

CTCP Công nghiệp Tự Cường thành lập vào tháng 7/2010, có trụ sở tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất dây, cáp điện và điện tử.

CTCP Thương mại và Xây dựng Thanh Minh ra đời vào tháng 3/2009, có trụ sở tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa với ngành nghề chính là xây dựng nhà.

Thời điểm tháng 11/2015, Xây dựng Thanh Minh có vốn điều lệ 48 tỷ đồng, bao gồm ba cổ đông là ông Phạm Văn Đoài (97,83%); ông Lê Đăng Quê (0,08%) và ông Phạm Văn Ý (2,08%).

Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp - ông Phạm Văn Đoài hiện đang đứng tên tại hai công ty khác, gồm Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Bất động sản Bình Minh và Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Bảo Quyên. Theo tìm hiểu của người viết, cả hai doanh nghiệp này đều hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng.

CTCP Việt Thanh VNC thành lập từ tháng 9/2002, hiện có trụ sở tại phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, chuyên sản xuất vật liệu xây dựng. Tại tháng 7/2019, doanh nghiệp có vốn điều lệ 112 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT của Việt Thanh VNC hiện là ông Nguyễn Tiến Hùng. Giám đốc doanh nghiệp - bà Nguyễn Thị Bích từng đứng tên tại CTCP Cầu cảng Tân Chi (trụ sở Quế Võ, Bắc Ninh, đã ngừng hoạt động).

Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Bắc Nam là doanh nghiệp xây dựng được thành lập vào tháng 6/2010, có trụ sở tại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa. Vào tháng 7/2020, doanh nghiệp này từng tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Thương mại Bắc Nam hiện nay là ông Nguyễn Hữu Cường. Vị này hiện đang đứng tên tại Hợp tác xã Khai thác Đá vật liệu Xây dựng và Dịch vụ Xuân Tiến; CTCP Vật liệu Xây dựng Đồng Phú.

Cuối cùng là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Quý Quyền, doanh nghiệp này thành lập từ năm 2001, có trụ sở tại phường Long Anh, TP Thanh Hóa.

Tại thời điểm tháng 7/2020, Quý Quyền có vốn điều lệ gần 27 tỷ đồng, bao gồm 5 cổ đông là Giám đốc Đào Ngọc Quyến (48,99%); bà Lê Thị Hòa (28,9%); bà Đào Thị Ngọc Thu (4,5%); bà Đào Thị Ngọc Thùy (4,5%) và ông Đào Ngọc Quý (13,12%).

Hiện nay, ông Đào Ngọc Quyền cũng đang là chủ sở hữu của khách sạn Quyền Quý 6 tầng, nằm trong khu đô thị và công nghiệp Hoàng Long, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.