Sẽ thanh tra hồ sơ chuyển nhượng đất còn nghi vấn, nâng tiền đặt cọc đấu giá

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian tới sẽ tập trung thanh tra các hồ sơ thuế còn nghi vấn về việc chuyển nhượng không đúng với giá kê khai, kể cả các dự án bất động sản. Ông cũng cho rằng phải sửa lại giá khởi điểm khi đấu giá đất vì quy định hiện tại không còn chính xác và nhất quán nữa

Tập trung thanh tra các hồ sơ thuế còn nghi vấn

Chiều 16/3, tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan đến thuế chuyển nhượng dự án bất động sản tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp tục thanh tra những hồ sơ còn nghi vấn về việc chuyển nhượng đất. 

Sẽ thanh tra hồ sơ chuyển nhượng đất còn nghi vấn, nâng tiền đặt cọc đấu giá - Ảnh 1.

Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 16/3. (Ảnh: Quốc hội).

Liên quan đến giải pháp để thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ đã chủ động chỉ đạo cơ quan thuế cũng như phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ, ngành để thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng.

Bộ trưởng cho biết trong thời gian 15 ngày đầu tháng 1, qua kiểm tra 85 nghìn bộ hồ sơ và cho kê khai lại đã tăng 222 tỷ đồng tiền thuế.

Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung thanh tra các hồ sơ thuế còn nghi vấn về việc chuyển nhượng không đúng với giá kê khai theo luật thuế để xử lý theo quy định, kể cả các dự án bất động sản.

Bịt lại lỗ hổng trong đấu giá đất

Về đấu giá đất, ông Phớc cho rằng phải siết lại để bảo đảm đấu giá một cách chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như phải xác định được năng lực của nhà đầu tư mới cho phép thực hiện dự án, và thực tế nhà đầu tư tốt mới có tiền nộp tiền sử dụng đất.

Ngoài ra quy định tiền đặt cọc phải nâng lên. Theo Bộ trưởng, quy định hiện tại đang thấp, tiền đặt cọc đó phải vào tài khoản để hội đồng đấu giá quản lý, để khi bỏ đấu giá thì mất tiền đặt cọc.

"Đối với vấn đề thời gian nộp tiền cũng cần phải quy định thời gian ngắn hơn và cần phải cam kết thực hiện mục tiêu của việc đấu giá, tránh trường hợp đấu giá đất xong, gói đất để hàng năm trời không sử dụng, gây ảnh hưởng, lãng phí." Bộ trưởng nêu ý kiến.

Mục tiêu lâu dài là khi đấu giá xong, công trình được hoàn thành, như vậy sẽ thu hút được lao động, tăng được GDP và đóng nộp ngân sách đầy đủ, tạo được việc làm. Còn mục đích trước mắt là thu được tiền. 

Thứ tư là khi nhà nước thu hồi phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích an ninh quốc gia, chỗ nào thỏa thuận là phải theo thỏa thuận, còn nhà nước thu hồi khi đủ điều kiện thì đền bù theo giá của nhà nước.

Về giá khởi điểm của đấu giá đất xác định theo đúng Nghị định 44 và Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng quy định này cần phải sửa lại, bởi vì giá đất xác định đã không còn chính xác và nhất quán nữa

Một vấn đề nữa là giao đất cho doanh nghiệp theo Nghị định 45 xong mới thu tiền, nhà đầu tư bán lẻ thu tiền của dân nhưng không đưa nộp tiền cho ngân sách mà đưa tiền đó đi đầu tư. Nếu rủi ro, doanh nghiệp thua lỗ thì rõ ràng chúng ta không giải quyết được quyền lợi cho hàng trăm hàng nghìn, thậm chí hàng vạn hộ dân. Đây chính là lỗ hổng cần phải được xác định một cách chính xác để "bịt" lại.

Đồng bộ hóa các quy định về đấu giá

Tham gia giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng so sánh quy định Việt Nam với các nước, có một số khác biệt. Chỉ Việt Nam và Trung Quốc có luật về đấu giá tài sản, còn các nước khác theo luật dân sự chứ không có quy định riêng. Tài sản cả nước đấu giá chủ yếu là tư nhân. Còn ở Việt Nam tài sản tư nhân đấu giá ít. Giá khởi điểm do các bên thỏa thuận.

Về tiền đặt trước khi tham gia đấu giá, sau chuyển thành tiền đặt cọc, trung bình các nước 5-25%. Việc chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thành cũng không nước nào có quy định cụ thể, bởi nguyên tắc đấu giá là dân sự và thu được càng nhiều tiền càng tốt.

Đấu giá tại Việt Nam hiện quy định bởi nhiều luật, liên quan đến nhiều cơ quan. Luật Đấu giá quy định trình tự, thủ tục. Nhưng liên quan đến tài sản nào lại liên quan luật chuyên ngành đó. Về chế tài áp dụng nếu vi phạm về đấu giá có các hình thức như xử lý dân sự, hành chính, hình sự. Những vụ việc vừa xảy ra có thể áp dụng quy định về tình trạng nâng giá có dụng ý và tội đầu cơ. Bộ trưởng cho rằng cần đồng bộ hóa các quy định về đấu giá.

chọn
Cận cảnh khu đất Cienco 4 chuyển nhượng sai phép tại TP Vinh theo kết luận của Thanh tra Chính phủ
Thanh tra Chính phủ cho biết, Công ty mẹ Cienco 4 đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất khu biệt thự liên lập (26 lô đất) hơn 4.700 m2 tại 215 Lê Lợi, TP Vinh không được thẩm định giá theo giá thị trường và không đấu giá theo quy định.