Đây cũng là lý do để các chủ đầu tư “bung hàng” thu hút khách. Thậm chí, ngày cả các dự án bất động sản sau thời gian dài “ngủ yên” vì vướng pháp lý cũng đang nhanh chóng được “gỡ rào” để trở lại đường đua.
Xét từ yếu tố vĩ mô cho thấy, tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng thu nhập và tốc độ tăng dân số, đô thị hóa là những yếu tố then chốt thúc đẩy sự tăng trưởng trong trung và dài hạn của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, nhu cầu từ người mua nhà để ở và của nhà đầu tư nước ngoài sẽ cũng tạo động lực thúc đẩy thị trường trong thời gian tới.
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố danh sách các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện mở bán trên địa bàn, tính đến hết 28/8. Như vậy, nguồn cung nhà ở tại Thủ đô sẽ được bổ sung thêm khoảng 5.300 căn hộ tại 9 dự án.
Cùng đó, các dự án hạ tầng, cũng như khu đô thị mới được triển khai tại những khu vực vùng ven Hà Nội như Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức… cũng sẽ giúp thị trường nhà ở tại các khu vực này có những bước phát triển tích cực.
Nhận định chung về thị trường, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc chi nhánh CBRE Hà Nội cho rằng, từ đầu năm 2024 đến nay, nhu cầu mua và đầu tư các sản phẩm nhà ở khá sôi động trên toàn quốc. Các dự án mở bán mới đa phần nhận được sự quan tâm tích cực của thị trường.
Mặc dù vậy, số lượng dự án mới mở bán vẫn còn thấp so với giai đoạn 2016 - 2019. Tại Hà Nội, nguồn cung mới căn hộ chung cư mỗi năm kể từ năm 2020 đến nay mới chỉ bằng 1/2 đến 1/3 nguồn cung mới mỗi năm ghi nhận được tại thành phố này trong giai đoạn 2018 - 2019.
Trong khi nhu cầu mua để ở và đầu tư đang gia tăng tích cực thì nguồn cung hiện tại vẫn còn hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá bán phân khúc chung cư tại thị trường Hà Nội đã tăng lên nhanh chóng. Cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, giá bán chung cư ghi nhận tăng trên 20% so với cùng kỳ 2023.
Bởi vậy, chung cư vẫn luôn là phân khúc có tính thanh khoản tốt do nhu cầu cao trong khi nguồn cung chưa có nhiều cải thiện, đặt biệt là chung cư đáp ứng nhu cầu ở thực. Giá chung cư vẫn cao và liên tục tăng mạnh. Cùng đó, đất nền cũng cũng trở thành phân khúc đang “chiếm sóng”, đặc biệt là đất đấu giá tại các khu vực vùng ven Hà Nội.
Nhìn chung, nhu cầu mua và đầu tư bất động sản đang diễn ra mạnh mẽ tại khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Phần lớn các dự án đủ điều kiện pháp lý để mở bán đã và đang nhận được sự quan tâm khả quan của thị trường.
Tại phía Bắc, mới đây, Sun Group công bố dự án Sun Urban Hà Nam quy mô hơn 400 ha, trở thành một trong những khu đô thị ở vùng ven Hà Nội lớn nhất từ trước tới nay, sau các đại dự án Vinhomes Ocean Park II và Ecopark ở Hưng Yên.
Cùng đó, Vinhomes chính thức nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô sử dụng đất gần 965 ha với tổng vốn đầu tư hơn 13.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, một loạt chủ đầu tư tên tuổi khác như Flamingo, Ecopark, WTO… cũng công bố kế hoạch triển khai các dự án quy mô hàng trăm ha khác.
Tương tự, tại phía Nam, TP HCM có chủ đầu tư Gamuda Land đã nhận đặt chỗ cho dự án thấp tầng The Meadow tại huyện Bình Chánh từ đầu tháng 8. Dự án có quy mô 5 ha với 212 căn nhà phố và biệt thự, là một trong những dự án nhà thấp tầng hiếm hoi được mở bán tại đô thị đặc biệt này trong năm nay.
Hay Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng mở lại giỏ hàng đặt chỗ cho 400 căn hộ thuộc dự án Lavida Plus tại quận 7 – TP HCM với mức giá khoảng 45 triệu đồng/m2, dự kiến chính thức mở bán vào tháng 9 tới. Cùng thời gian này, Tập đoàn Nam Long thông báo mở bán giai đoạn mới của phân khu cao tầng thuộc Khu đô thị Mizuki Park Bình Chánh…
Tuy nhiên, bà Nguyễn Hoài An cho biết, tại khu vực phía Nam vẫn nhiều dự án vẫn còn gặp vướng mắc pháp lý, khiến một bộ phận thị trường chưa thực sự sôi động trở lại. Bà An kỳ vọng, thời gian tới sẽ thêm các dự án được tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Cùng với việc các bộ luật mới có đủ thời gian thẩm thấu và tác động thì thị trường bất động sản sẽ phục hồi tốt hơn, có nguồn cung dồi dào hơn ở nhiều khu vực, địa phương khác nhau.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, cả 3 luật mới (Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023) có hiệu lực sớm từ 1/8 sẽ dần tháo gỡ những “nút thắt” về pháp lý vốn là tác nhân gây “nghẽn” việc hoàn thiện nhiều dự án bất động sản trong những năm qua. Nhờ đó, thị trường trong thời gian tới có thể đón nhận thêm những nguồn cung mới, góp phần giải quyết chênh lệch cung cầu hiện nay.
“Khi các luật đi vào cuộc sống sẽ giúp nhiều dự án sớm được gỡ vướng để được triển khai, hoàn thành. Từ đó nguồn cung cho thị trường sẽ gia tăng, góp phần làm giảm áp lực về cung - cầu hiện nay. Giá nhà sẽ giảm dần xuống mức hợp lý, phù hợp hơn với thu nhập người dân. Khi chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai hơn thì chi phí để phát triển dự án cũng có cơ hội giảm xuống nhờ quy trình hoàn hiện pháp lý rút ngắn. Giá bán sản phẩm có cơ hội được điều chỉnh” – ông Đính phân tích.
Thời gian qua, cùng với việc nhiều chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai các dự án mới để đón đầu chu kỳ mới của thị trường thì cũng có nhiều dự án tái nhiều dự án “ngủ” suốt thời gian qua đã “tỉnh giấc” và tái khởi động lại. Tuy nhiên, mức giá chào bán mới đã cao hơn trước đó rất nhiều.
Ghi nhận thực tế thị trường tại Hà Nội có dự án HaNoi Melody Residences (Linh Đàm) do Công ty TNHH đầu tư bất động sản Linh Đàm làm chủ đầu tư từng được mở bán vào năm 2022 và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2024. Nhưng khi thi công đến tầng 5 thì dự án này đã tạm dừng từ đó cho đến nay. Mới đây, dự án này được quảng bá rầm rộ trở lại với mức giá bán lên đến hơn 70 triệu đồng/m2.
Tương tự, CTCP trường học Quang Minh - chủ đầu tư dự án QMS Top Tower (tọa lạc tại nút giao Vũ Trọng Khánh – Tố Hữu, Hà Nội) cũng thông tin bán dự án trở lại với mức giá lên tới 80 triệu đồng/m2. Dự án này đã được cấp phép xây dựng từ năm 2018, dự kiến hoàn thiện vào năm 2020. Nhưng sau khi cất nóc vào năm 2020, dự án bất ngờ dừng thi công.
Công ty CBRE Việt Nam dẫn chứng, trong số các dự án mới được đưa ra thị trường Hà Nội gần đây, có tới 75% là đã mở bán từ trước năm 2024, chỉ có rất ít sản phẩm được ra mắt trong quý II của năm nay.
Hiện nay, người có nhu cầu mua nhà ở đang đặt nhiều mong đợi từ phân khúc nhà ở xã hội và việc tháo gỡ những dự án thương mại đang vướng về pháp lý khi các bộ luật có tác động ra thị trường. Việc thiếu hụt nguồn cung được các chuyên gia dự báo sẽ được khắc phục trong vòng 2 năm tới.