Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị. |
Nghệ sĩ Đức Hải cho rằng, muốn đổi mới thì cần có cơ chế và chính sách phù hợp. Cụ thể, cơ chế cần điều chỉnh, xây dựng sao cho hoàn chỉnh, ví dụ chìa khóa để công tác đào tạo nghề phát triển thì cần phối hợp với doanh nghiệp nhưng không thể cưỡng bức được mà phải xác định rõ là hợp tác, có cơ chế rõ ràng, để doanh nghiệp thấy lợi mà tham gia. Chính sách cần công bằng giữa trường công lập, tư thục, dân lập. Hiện nay, các trường ngoài công lập gặp muôn vàn khó khăn từ thiếu đất, thiếu vốn… nhưng vẫn tự thân vận động, vẫn hoạt động tốt, trong khi đó nhìn qua các đơn vị công lập, các trường có quá nhiều ưu đãi, cho nên, cốt yếu cần phải xã hội hóa công tác đào tạo nghề, để tất cả các trường tự thân vận động.
“Trường nghề công lập và ngoài công lập, đều như những đứa con mới sinh ra. Trong khi trường ngoài công lập, mới sinh ra là phải biết ăn cơm ngay, tự kiếm cơm mà ăn, còn các trường công lập từ lúc sinh ra đến lúc mọc răng, già rồi vẫn cứ bú sữa ngân sách” – Nghệ sĩ Đức Hải nói.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay công tác đào tạo nghề vẫn còn nhiều bất cập, đổi mới phải phải bắt đầu từ phân luồng học sinh, các trường muốn đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên nhưng không có học sinh thì rất khó. Ông Trần Công Chánh, hiệu trưởng trường kinh tế Bạc Liêu cho rằng: “Thấy cô hiện nay tay nghề yếu, người thầy chỉ lý luận suông nên cha mẹ ngại. Giáo viên dạy kế toán mà ko biết sổ nhật ký kế toán thì ai dám gửi con?”
Theo ông Chánh, cần có cơ chế để các doanh nghiệp thu hút lực lượng lao động qua giáo dục đào tạo nghề. Có một thực tế là doanh nghiệp chê người học chất lượng kém nhưng không xông vào cùng đào tạo thì không công bằng.
Đổi mới công tác đào tạo nghề là yêu cầu cấp thiết để thu hút được người học |
Ông Võ Quang Huệ, tổng giám đốc Cty TNHH Bosch Việt Nam cho rằng, Chính phủ thúc đẩy các chính sách, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề, để các trường liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo, vận động các chuyên gia là Việt Kiều hỗ trợ cho công tác này.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2 TPHCM, mỗi nhà trường cần xác định chất lượng đào tạo là thương hiệu và danh dự của nhà trường, làm sao để đạo tạo sinh viên ra trường doanh nghiệp chỉ thèm muốn chứ không thể tử chối. Nhà trường phải tự chủ là quan trọng chứ không chờ cơ chế chính sách!
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đổi mới công tác đào tạo nghề mục đích cuối cùng là thu hút người học, muốn thu hút người học thì các trường phải trả lời được hai ý: Người học, học xong ra trường có việc không? Sau này có tiếp tục học liên thông lên được nữa không? Chìa khóa để đào tạo nghề thành công chính là gắn kết với doanh nghiệp và các trường phải tự chủ. Muốn tự chủ thành công thì tùy thuộc vào bản lĩnh và cách làm của người đứng đầu đơn vị đó.
“Tự chủ là cho các trường toàn quyền tổ chức bộ máy, lập phòng ban nào, dùng người ra sao… Chứ tự chủ mà tất cả quyền do người khác quyết định thì tự chủ thế nào? Thực tế hiện nay, các trường ngoài công lập có được ưu đãi đâu mà vẫn sống được. Sắp tới đây, công tác này phải mạnh, các trường phải chấp nhận, bộ ngành phải kiên quyết, chúng ta không bao cấp mãi được. Các trường xây cơ sở hoành tráng, mua thiết bị hoành tráng rồi tuyển sinh không được, đó chính là lãng phí, là có lỗi với tiền thuế của nhân dân. Ta không thể duy trì mãi tình trạng, một trường hàng năm tuyển sinh hàng ngàn học sinh vẫn được cấp 10 tỷ để hoạt động, trường tuyển sinh vài chục em vẫn được cấp 10 tỷ, như thế là không công bằng, không cạnh tranh. Giống như ví von của nghệ sĩ Đức Hải, đứa con đã già mà vẫn cứ uống sữa, không chịu tự ăn cơm” – Phó Thủ tướng nói.