Nhờ ‘bí kíp’ sống chung với mẹ chồng, nàng dâu được mẹ chồng thương như con đẻ

Tôi suy nghĩ suốt đêm hôm đó và tự vẽ cho mình một phương án an toàn để sống sót trong nhà chồng và đến bây giờ những nguyên tắc mà tôi đặt ra may thay vẫn phát huy hiệu quả tốt, giúp cải thiện mối quan hệ đáng kể.

Khi ngồi gõ được những dòng này thì tôi đã xuất viện, cơ thể đã hoàn toàn bình phục sau cơn sốt xuất huyết. Để khỏe mạnh như ngày hôm nay, tôi phải cảm ơn mẹ chồng tôi rất nhiều vì bà đã thức chòng chõng mấy đêm liên tục trực bên tôi. Trong cơn mê man lúc nửa đêm, tôi chỉ lờ mờ nhớ là bà chạy đi chạy lại lấy khăn ấm khi tôi kêu lạnh, lấy khăn lạnh khi tôi kêu nóng, cốt sao để tôi cảm thấy dễ chịu nhất. Bà cũng là người ngồi gọt hoa quả, chạy đi nhờ nhân viên bệnh viện hâm nóng thức ăn hay đạp xe cả tiếng đồng hồ quanh khu vực bệnh viện để mua cho tôi cái bánh mì con cua…Tất cả những hành động đó, nó đã vượt qua khỏi ngưỡng “trách nhiệm” của mẹ chồng dành cho con dâu và đã chạm tới ngưỡng “tình thương” mà tôi sẽ trân trọng mãi từ nay về sau này.

nho bi kip song chung voi me chong nang dau duoc me chong thuong nhu con de
Chỉ cần vài nguyên tắc đó thôi nhưng đã giúp tôi sống êm đẹp với mẹ chồng trong một mái nhà suốt 4 năm qua. (Ảnh: Sina)

Lúc khỏe mạnh, tôi có đăng lên trang cá nhân hình ảnh mẹ chồng tôi đang lụi cụi gọt trái cây, nhận được nhiều bình luận đại ý rằng tôi có phước khi có được một người mẹ chồng như thế. Tôi cười, công nhận mình có phước thật!

Tuy nhiên, ai đã từng sống chung với gia đình chồng mới hiểu, tỉ lệ may mắn tự nhiên có mẹ chồng như mẹ đẻ vô cùng hiếm hoi. Phần lớn mối quan hệ được cải thiện hay xấu đi đều phụ thuộc cả vào thái độ của hai người phụ nữ quyền lực nhưng luôn đối chọi nhau đó là mẹ chồng – nàng dâu. Tất nhiên mỗi người một hoàn cảnh và mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu nhà tôi ngay từ đầu cũng đâu có tốt đẹp.

Những ngày đầu về làm dâu, tôi luôn bị so sánh hoặc luôn cảm thấy bị so sánh với con gái bà (tức là em chồng tôi). Tôi làm cái gì cũng không khéo, nấu cái gì cũng không vừa miệng, thậm chí đứng luộc rau mà bà đứng bên cạnh chỉ đạo lửa to lửa nhỏ. Mệt mỏi và chán nản nên dần dà tôi chẳng vào bếp nữa, nhường đất lại cho mẹ chồng và em chồng còn tôi nhận phần dọn dẹp và rửa bát cho nhàn. Dù bị mang tiếng là “lười chẩy thây” và vụng vì không biết nấu cơm nhưng điều đó dễ chịu chán so với việc vào bếp bị soi mói và làm gì cũng không hợp ý hai người họ.

nho bi kip song chung voi me chong nang dau duoc me chong thuong nhu con de
Tôi từng luôn bị mẹ chồng so sánh với con gái bà. (Ảnh: Báo mới)

Mâu thuẫn cứ tích tụ từng cái nhỏ và đỉnh điểm cho đến khi tôi sinh con. Mẹ chồng tôi vốn dĩ hay so sánh con dâu và con đẻ, hai cô lại sinh con cách nhau có 4 ngày, lại sống chung nhà nên việc so sánh nó đã hình thành phản xạ tự nhiên. Mâu thuẫn đỉnh điểm là khi bà kêu tôi sữa loãng, không đặc như sữa con gái bà nên không đủ chất cho cháu nội bà bú, con mới khóc, mẹ thì tức sữa chưa kịp cho con bú, bà đã vơ vội bình sữa cho cháu tu. Nhiều lần như vậy, tôi ấm ức nói với chồng, và ngày hôm sau nghe vọng từ dưới tầng 1 lên: “Mày lấy vợ về, mày nghe lời vợ mày cãi lại mẹ”.

Ôi chao, cái câu nói ấy nó tưởng chừng như rất bình thường mà bất kỳ bà mẹ chồng nào cũng có thể quy ngay cho con dâu tội làm hư con trai các bà. Nghe mới tăng xông và ức chế làm sao. Nhưng, qua giọng điệu của bà, tôi cảm thấy bà đau lòng lắm, đau đến nghẹn thở vì chắc lần đầu tiên con trai yêu dấu cãi lại mình. Bế con trên tay, tôi bắt đầu thấy như tim mình có ai bóp nghẹt. Và bắt đầu suy nghĩ “có phải tại mình làm quá mọi thứ lên không”, “mình đã đẩy chồng mình vào thế khó xử, có đáng không”.

Sau cuộc nói chuyện giữa mẹ chồng tôi và chồng tôi thì chồng tôi có vẻ trầm tính hơn, suy nghĩ nhiều hơn nhưng tuyệt nhiên không hé răng kể lại cho tôi nghe về cuộc nói chuyện đó. Mẹ chồng tôi buổi chiều hôm đó thì lên khóc lóc kể than đại loại là “chồng tôi cãi bà” nhưng không nhắc lại câu trọng điểm trong cuộc nói chuyện mà tôi vô tình nghe được. Tôi biết bà đau lòng thực sự vì cái sự “cãi lại” của con trai mà trong suốt 30 năm qua luôn ngoan ngoãn, nghe lời mà chỉ mới rước vợ về thôi đã “đội vợ lên đầu”.

Tôi suy nghĩ suốt đêm hôm đó và tự vẽ cho mình một phương án an toàn để sống sót trong nhà chồng và đến bây giờ những nguyên tắc mà tôi đặt ra may thay vẫn phát huy hiệu quả tốt, giúp cải thiện mối quan hệ đáng kể.

nho bi kip song chung voi me chong nang dau duoc me chong thuong nhu con de
Khi mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu xảy ra, không bao giờ đẩy chồng ra giữa chiến tuyến. (Ảnh: Brandinginasia)

1. Không bao giờ đẩy chồng ra giữa chiến tuyến

Sau vụ chồng tôi nặng lời với bà, tôi tự nhủ là không bao giờ đẩy chồng mình vào thế khó xử buộc phải bênh mẹ hoặc vợ như tình huống đã diễn ra. Nghe thì đơn giản nhưng khi thực hiện chẳng hề đơn giản tí nào. Rất may, mẹ chồng tôi cũng không phải là người hay cạnh khóe con dâu, về bản chất bà rất tốt tính nên hợp tác rất nhịp nhàng trong nguyên tắc này. Cái nữa tôi là người chủ động dập tắt mâu thuẫn, không đẩy mọi chuyện đi xa, không cậy chồng bênh mình để làm lu loa mọi chuyện. Dĩ hòa vi quý bao giờ cũng tốt hơn châm ngòi nổ cuộc chiến!

Khi có mâu thuẫn xảy ra, tôi sẽ coi đó là một việc phát sinh ngoài ý muốn. Nếu chỉ là việc vặt vãnh trong nhà có tức đến mấy cũng tự xoa dịu rồi thôi, tuyệt đối không để bụng và không mách lẻo tới tai chồng. Những việc nghiêm trọng hơn, tôi sẽ lựa lời nói với chồng vào lúc tâm lý vui vẻ nhất để tìm hướng giải quyết, tuyệt đối không bao giờ dùng những lời lẽ như “mẹ anh thế nọ, mẹ anh thế kia” để gây mâu thuẫn mà cố gắng tường thuật lại theo cái nhìn khách quan nhất và làm nhẹ vấn đề hơn thực tế diễn ra. Thái độ, rất quan trọng trong cách ứng xử là vì thế.

Bên cạnh đó, tôi luôn lấy những điểm tốt của mẹ chồng để làm nhẹ điểm không hợp nhau phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. Nếu có phải giao tiếp với người ngoài chủ đề liên quan đến mẹ chồng, tôi sẽ chọn những cái được của mẹ chồng để nói đến thay vì tranh thủ nói ra những điều ức chế. Điểm này tôi thấy nhiều chị em hay mắc phải. Mọi người thường coi nhẹ theo kiểu “ôi dào, kể lể cho đỡ ức chế tí thôi” mà không lường được rằng, nếu điều này tam sao thất bản tới tai mẹ chồng thì mối quan hệ của hai người chẳng bao giờ tốt đẹp lên được. Bớt một chuyện bao giờ cũng tốt hơn thêm một chuyện, đúng không?

nho bi kip song chung voi me chong nang dau duoc me chong thuong nhu con de
Nên ghi nhận công sức của mẹ chồng. (Ảnh: Set to Go)

2. Ghi nhận công sức của mẹ chồng

Nhiều khi mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu xuất phát từ nhu cầu “phủ nhận vai trò của đối phương”. Ví dụ, mẹ chồng hay chê con dâu lười, không khéo, không đảm. Con dâu lại chê mẹ chồng cổ hủ, tư duy cũ kỹ.

Do đó, để cuộc sống êm đềm, tôi học được rằng cần biết ghi nhận và trân trọng công sức của người khác, đặc biệt là mẹ chồng. Thẳng thắn mà nói, thì mẹ chồng tôi đã vất vả và đỡ đần vợ chồng tôi rất nhiều trong việc nhà cửa con cái. Không phải vì tôi ỷ lại nên nói những điều này, nếu vợ chồng tôi sống riêng, tôi vẫn có thể tự tay xoay sở cuộc sống của mình như bao người phụ nữ khác. Nhưng trong cảnh sống chung, ghi nhận và trân trọng công lao người khác cũng thể hiện văn hóa và sự văn minh giúp cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.

Vậy, tôi thể hiện sự ghi nhận công lao của mẹ chồng như thế nào?

Không cần phải ngồi nghiêm túc nói chuyện với nhau kiểu “con ghi nhận những đóng góp của mẹ” mà chúng ta hoàn toàn có thể thể hiện điều đó một cách khéo léo và tự nhiên hơn.

Ví dụ khi có khách đến nhà, sau khi chào hỏi, nếu khá thân quen và đưa đẩy câu chuyện, tôi sẽ tranh thủ ca ngợi mẹ chồng tôi trước mặt khách rằng: “ôi, nhờ mẹ cháu một tay lo toan nhà cửa cơm nước và con cái thì bọn cháu mới rảnh rang lo làm ăn được đó cô/bác”. Hay đôi khi tự dìm hàng mình rằng: “Cháu chỉ mỗi việc đẻ thôi, còn một tay bà chăm cháu hết đó ạ”.

Hay khi chạy sang hàng tạp hóa mua đồ, cô bán hàng là bạn thân của mẹ chồng, bà sẽ hỏi “Mẹ mày đi du lịch đâu đấy?” Tôi khoe luôn “đi du lịch chỗ nọ chỗ kia đó cô”. Cô ý khen “mẹ mày khỏe đi được là mừng”. Tôi sẽ bồi thêm “Vâng, bà vất vả cả năm lo việc nhà cửa và con cái cho vợ chồng cháu rồi nên bọn cháu cũng động viên bà đi chơi cho thoải mái”.

Chắc chắn có người sẽ thắc mắc nếu cứ tâng mẹ chồng lên, liệu có khi nào bà sẽ quan trọng hóa vai trò của mình không? Trong trường hợp của tôi thì không. Không những bà không làm quá mà sau những lời khen rất chân thành mà con dâu dành cho mình, bà tỉ mỉ hơn, chịu khó nói chuyện với con dâu hơn, bớt xét nét chuyện nọ chuyện kia hơn và chung quy lại, mối quan hệ trở nên nhẹ nhàng hơn.

nho bi kip song chung voi me chong nang dau duoc me chong thuong nhu con de
Luôn tặng quà mẹ chồng dịp lễ. (Báo mới)

3. Luôn tặng quà mẹ chồng dịp lễ

Tôi chưa bao giờ quên biếu quà mẹ chồng các ngày 8/3, 20/10, lễ tết. Các món quà tôi mua nhỏ nhỏ thôi: vải áo dài, hộp phấn trang điểm, thỏi son (mẹ chồng tôi tham gia đội văn nghệ ở phường nên đi diễn thường xuyên), khi thì hộp thuốc đau khớp, khi thì bộ quần áo mặc nhà. Tôi không quá khách sáo trong cách tặng, giờ có con rồi, tôi bế con vào phòng bà bảo “Ben tặng quà bà 8/3 ạ”. Mẹ chồng tôi vẫn trách “ôi dào, con cứ khách sáo”, nhưng tôi biết bà rất vui khi được con cái quan tâm.

Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ coi việc tặng quà như nghi lễ làm cho có mà thực tâm cảm thấy bà xứng đáng được quan tâm. Vậy nên, có những năm trước ngày lễ, tôi suy nghĩ nát óc xem nên tặng bà quà gì. Chồng tôi vẫn nói tôi khách sáo nọ kia nhưng tôi bảo “bà đã chăm lo con cái nhà cửa cho mình cả năm trời rồi thì một chút quà mọn, có đáng là bao so với công sức bà bỏ ra”. Do đó luật bất thành văn, cho dù vợ chồng tôi có tiền hay không có tiền thì các dịp lễ tết nhất định phải có quà tặng mẹ chồng, dù ít dù nhiều cũng phải có.

4. Đối với mẹ chồng, không quá xa – không quá gần

Tôi vẫn luôn nhắc mình mẹ chồng không phải mẹ đẻ nên nhất định phải giữ ý cần thiết, không thể cái gì cũng bô bô nhưng lại không nên giữ khoảng cách quá xa, làm cho mối quan hệ trở nên xa cách.

Tôi là đứa lắng nghe khá tốt, mẹ chồng tôi lại hay kể chuyện, những câu chuyện của bà kể ra trong lúc ngẫu hứng tôi đã nghe đến chục lần. Nhưng lần nào bà kể, tôi vẫn tỏ ra lắng nghe chăm chú để không làm bà cụt hứng . Còn nếu chán nghe lắm rồi thì tôi sẽ khéo léo đánh trống lảng sang chuyện con tôi. Tôi hiểu được rằng, bà ở nhà cả ngày và thiếu người trò chuyện, do đó nhu cầu nói chuyện rất cao. Nếu không thể tương tác như những người bạn thì ít ra cũng có thể lắng nghe câu chuyện đó vì nếu không bà sẽ cảm thấy mình bị gạt phắt sang một thế giới khác

5. Là người hòa giải

nho bi kip song chung voi me chong nang dau duoc me chong thuong nhu con de
Là người hòa giải giữa mẹ chồng và chồng. (Ảnh: Báo mới)

Lạ lùng thay, 2-3 năm nay tôi thường xuyên là người hòa giải giữa mẹ chồng tôi và chồng tôi. Mẹ con kiểu gì vẫn có sự bất hòa, thậm chí nhiều lần bà giận chồng tôi không ăn cơm mấy bữa liền. Những chuyện xảy ra như thế, tôi đại loại sẽ nói với bà rằng “con nói với chồng con rồi, vợ có thể bỏ nhưng mẹ chỉ có một, anh nặng lời với mẹ thế bà đau lòng lắm”. Sau đó sẽ là một “tràng giang đại hải” kể tội chồng tôi, tôi nhân dịp đó cũng “dìm hàng” chồng không thương tiếc bằng cách hùa theo bà. Nhưng chốt lại vẫn là câu: “Chồng con tuy nóng tính, ít kiềm chế cảm xúc nên làm mẹ đau lòng nhưng mẹ nuôi anh ấy hơn 30 năm mẹ cũng biết chồng con là người hiếu thảo, có trách nhiệm với gia đình. Thôi thì mẹ bỏ qua cho không khí gia đình vui vẻ, mẹ chăm cháu giúp cho bọn con yên tâm đi làm”.

Bên cạnh đó, tôi cũng bắt chồng tôi xin lỗi bà cho bằng được. Ban đầu chồng tôi sẽ cãi là do bà nhưng tôi kiên quyết: “Đó là mẹ anh, dù bà sai hay đúng thì anh là phận làm con, anh mở lời xin lỗi trước chả đi đâu mà thiệt cả”. Ban đầu thì tiết mục xin lỗi này cũng miến cưỡng lắm, nhưng dần dà, chồng tôi cũng tạo thành phản xạ rất tự nhiên, dù ai sai ai đúng cũng là người chủ động xin lỗi trước, giữ hòa khí trong gia đình.

Chỉ mấy gạch đầu dòng đó thôi nhưng đã giúp tôi sống êm đẹp với mẹ chồng trong một mái nhà suốt 4 năm qua. Có thể nó đúng với người này, không đúng với người kia nhưng có một điều luôn luôn đúng, đó là thái độ quyết định tất cả.

Khi cần cải thiện một mối quan hệ, tôi cho rằng thái độ là yếu tố quyết định, cũng nhờ kịp thời điều chỉnh thái độ mà mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu nhà tôi thay đổi theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp lên rất nhiều. Sau trận ốm vừa rồi, tôi có tâm sự với mấy người bạn rằng sẽ phải tốt với mẹ chồng tôi hơn nữa.

chọn
Cầu vượt thép Mai Dịch chờ thông xe
Cầu vượt thép Mai Dịch nằm trên nút giao Vành đai 3 - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã hoàn thành, không còn hoạt động thi công từ lâu nhưng chưa thông xe.