Trần Lễ Dũng (sinh năm 1997, sinh viên đại học Ngoại thương TP. HCM) hiện đang là tân đại biểu của chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á 2017. Dũng sẽ cùng các đại biểu của Nhật Bản và 10 Quốc gia ASEAN tham dự Hội nghị lãnh đạo trẻ và ở tại nhà dân trong 10 ngày, sau đó sẽ cùng nhau tham gia các hoạt động giao lưu trên con tàu 5* Nippon Maru vòng quanh các nước ASEAN.
Sở hữu bảng thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa đáng nể phục thế nhưng ít ai biết rằng, thành công của Dũng không chỉ đến từ tài năng của bản thân mà còn xuất phát từ sự liều lĩnh. Qua lời chia sẻ của chàng trai trẻ, mọi cơ hội dường như gắn liền với chữ "liều" và cũng nhờ đó mà Dũng góp nhặt được rất nhiều trải nghiệm thú vị.
Cùng nghía qua những thành tích khủng của Dũng nào: Giải 3 Học sinh giỏi môn Sử cấp thành phố Ban tổ chức chương trình hướng nghiệp “Find your X” của nhóm Wannabe trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa Thành viên Đội Kịch trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa Thành viên CLB Tiếng Anh trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa Thành viên Đội hát Tuyên truyền các ca khúc cách mạng trường ĐH Ngoại thương Cơ sở 2 Thành viên CLB Tiếng Nhật trường Đại học Ngoại thương Cơ sở 2 Leader team Tuyển dụng Quốc tế, chương trình Tài năng Toàn cầu (Global Talent) và Khởi nghiệp Toàn cầu (Global Entrepreneur) của AIESEC Tình nguyện viên chiến dịch Hoa phượng đỏ 2016 Trợ giảng tại Hội Đồng Anh Giải Nhì cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh E-Factor 2017 Giải Nhì cuộc thi Youth Speak Competition 2016, tổ chức bởi AIESEC Vietnam và bảo trợ bởi UNICEF Vietnam Đại diện Việt Nam tham gia Mekong Friendship Project 2016 tổ chức bởi chính phủ Thái Lan đi qua các nước Thái Lan, Lào và Campuchia Đại diện Việt Nam tham gia Asia Pacific High Level Meeting on Child Rights lần thứ 3 và cuộc thi HLM3 Youth Innovation Challenge tổ chức bởi UNICEF tại Kuala Lumpur, Malaysia |
Chân dung chàng trai dùng từ "liều" để nói về bản thân |
“Liều”
"Khi được hỏi, nếu chọn một từ để miêu tả về bản thân thì mình sẽ chọn từ “liều”. Bởi vì trong đa số những quyết định từ trước đến giờ mình đưa ra, người ngoài nhìn vào sẽ cảm thấy khá ngông, bốc đồng và liều lĩnh. Nhưng riêng đối với bản thân, đó là những công việc mà mình thích nên dù có khó khăn, mình vẫn dốc hết sức để thực hiện", Dũng mở đầu câu chuyện của chính mình.
Dũng bắt đầu kể về con đường học tập không mấy “bằng phẳng” của cậu. Ở cấp II, Dũng may mắn được chọn vào lớp năng khiếu Toán của trường. Qua cấp III, cậu thi và đậu được vào lớp chuyên Hóa của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP. HCM).
Trải qua ba năm học, Dũng dần nhận ra bản thân không thích hợp với những ngành nghề định hướng trong tương lai có liên quan đến môn chuyên của mình, mặc dù cậu vẫn giữ sức học ở mức giỏi. Rồi một quyết định “liều” đầu tiên được đưa ra vào lớp 12, đó là việc Dũng xin được phép chuyển sang đội tuyển học sinh giỏi môn Sử của trường.
Ban đầu, khi ba mẹ biết tin thì một mực phản đối vì Dũng đã bỏ công sức và thời gian theo đuổi lớp chuyên Hóa ba năm trời, tại sao có thể ngay lúc căng thẳng ở lớp 12 lại “đứt gánh giữa đường”. Nhưng rồi Dũng đã chứng mình cho ba mẹ thấy rằng đối với việc bản thân đam mê, cậu cũng có thể đạt được kết quả tương xứng với công sức bỏ ra khi đạt được giải Ba cấp thành phố.
Dũng kể về con đường học tập không mấy “bằng phẳng” của cậu |
Tiếp tục khi đến kì thi Đại học, Dũng lại “liều” một lần nữa. Đó là việc chọn khối A1 để tập trung ôn thi và “chia tay” với môn Hóa. Kết quả cậu đậu được vào trường Ngoại thương sau đó tiếp tục là một mình chứng cho quyết định ban đầu của mình là đúng.
Tuy chuyên ngành học là Tài chính, nhưng những công việc Dũng làm thêm trước giờ đều liên quan đến giảng dạy, nhất là tiếng Anh. Ngay đầu năm nhất Đại học, dù còn khá bỡ ngỡ, Dũng vẫn quyết định ứng tuyển cho vị trí trợ giảng ở Hội Đồng Anh (cũng là niềm mơ ước thời cấp III của cậu) và trúng tuyển, rồi làm việc cho đến tận bây giờ cũng đã được hai năm.
Cảm thấy hứng thú với việc giảng dạy thông qua công việc, Dũng cũng từng tham gia việc dạy trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương trong thời gian ngắn và làm gia sư dạy tiếng Anh riêng.
Dũng cũng từng tham gia việc giảng dạy trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương |
Trong năm hai của Đại học, Dũng có lập nhóm tham gia vào cuộc thi Youth Speak Competition do AIESEC tổ chức và phối hợp với UNICEF Việt Nam. Trong giai đoạn vòng bán kết của cuộc thi đang diễn ra cũng là thời điểm cậu tham gia chương trình “Mekong Friendship Project 2016” do chính phủ Thái Lan tổ chức.
Mặc dù ở nơi “phương xa xứ người”, Dũng vẫn cố gắng liên lạc, làm việc với team online. Khi về lại Việt Nam, cậu cùng team tham gia trình bày dự án, rồi được chọn vào vòng chung kết và cuối cùng “cán đích” ở vị trí thứ hai chung cuộc – một kết quả mà Dũng không hề nghĩ đến trước đó.
Sau đó Dũng cùng với dự án vinh dự được UNICEF Việt Nam chọn là một trong ba đại diện quốc gia tham gia Hội nghị Cao cấp lần thứ 3 của UNICEF và cuộc thi HLM3 Youth Innovation Challenge diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia. Trớ trêu là giờ bay của Dũng sang Kuala Lumpur lúc đi lại sát với giờ thi cuối kì một môn ở trên trường. Cơ hội thì hiếm có, trong khi lịch thi lại không dời được.
Không còn cách nào khác, Dũng đành xách cả va-li và ba-lô của mình lên phòng thi. Thời gian thi quy định là 75 phút, nhưng cậu đã cố gắng hoàn thành trong 60 phút để gấp rút di chuyển qua sân bay kịp thời sau đó. Sau chuyến đi, khi đã bay về Việt Nam, điểm số cho môn thi trước “giờ bay” được điểm khá nên Dũng càng vui với quyết định lúc trước của mình.
Dũng cùng với dự án vinh dự được UNICEF Việt Nam chọn là một trong ba đại diện quốc gia tham gia Hội nghị Cao cấp lần thứ 3 của UNICEF và cuộc thi HLM3 Youth Innovation Challenge diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia |
“Có đi rồi sẽ đến” và ước mơ trở thành người “truyền cảm hứng” trong tương lai
“Life isn’t about the destination, it’s about the journey” là quan điểm sống mình. Khi còn trẻ, khi còn chưa biết đích đến của mình ở đâu thì hãy cứ mạnh dạn thử sức. Cứ đi và trải nghiệm càng nhiều càng tốt rồi đến một thời điểm bạn chắc chắn sẽ tìm được nơi bạn cần đến và biết được thêm những điều hay ho và thú vị về bản thân", Dũng tâm sự.
Trong tương lai, Dũng muốn có điều kiện để tiếp tục hoàn thiện và thực hiện dự án giải quyết vấn đề bạo hành trẻ em mà cậu đã lên kế hoạch và chạy thử trong cả hai cuộc thi Youth Speak Competition và HLM3 Youth Innovation Challenge. Dũng đã rất vui khi nhận được những phản hồi và nhận xét, đánh giá tích cực từ Ban giám khảo của cả hai cuộc thi.
Dự án của Dũng áp dụng những tiên tiến trong thời đại Internet hiện nay, ứng dụng short film và video tình huống kèm những bài học, để có thể tiếp cận được đối tượng mục tiêu là các em học sinh và tạo được ấn tượng trên diện rộng. Do kinh phí cao và nhân lực, kĩ thuật chưa đủ đáp ứng, nên Dũng “tạm ngưng” dự án và trong tương lai cậu mong muốn tìm được nguồn hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thực hiện.
Dũng cũng muốn được làm việc trong môi trường NGOs về các dự án xã hội để có thể trau dồi và học hỏi thêm kinh nghiệm, đồng thời đóng góp chút sức lực vào việc xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Dũng muốn có điều kiện để tiếp tục hoàn thiện và thực hiện dự án giải quyết vấn đề bạo hành trẻ em |
Bên cạnh đó, ước mơ lớn nhất của Dũng đến thời điểm hiện tại và cả trong tương lai là có thể đi đến càng nhiều nơi trên thế giới càng tốt, sinh hoạt và làm việc để có thể tích góp thêm kinh nghiệm sống, phong cách sống và làm việc của các nước để trở thành một diễn giả, dùng tiếng nói để tạo và truyền cảm hứng, những bài học quý báu và thiết thực cho giới trẻ (public speaking là một sở thích của cậu). Đó là một trong những động lực lớn nhất thôi thúc cậu tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản 2017.
Dũng dự định sẽ mở một kênh trên Youtube để dạy tiếng Anh, chú trọng vào những nội dung thiết thực và đặc biệt là phát âm vốn là một trong những trở ngại đối với một bộ phận học sinh, sinh viên Việt Nam thông qua những kinh nghiệm và vốn kiến thức mà cậu tích lũy. Điều này bắt nguồn từ niềm đam mê học ngoại ngữ và nghiên cứu về giọng điệu (accent) của các thứ tiếng, nhất là tiếng Anh của bản thân.