Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh 2019 "FTU - Con đường ra biển lớn" được tổ chức tại trường ĐH Ngoại thương mới đây đã thu hút sự chú ý của rất nhiều bậc phụ huynh và thí sinh lớp 12. Rất nhiều câu hỏi thắc mắc được các em đặt ra để nhằm hiểu hơn về các ngành học, cơ hội việc làm ở từng khoa/ngành nếu có cơ hội đỗ vào ĐH Ngoại thương.
- Nếu học ngành luật của ĐH Ngoại thương có điểm lợi thế nào khác so với các trường có đào tạo ngành này. Liệu sau này thí sinh có trở thành luật sư được hay không?
PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Khoa Luật, ĐH Ngoại thương. Ảnh: Đình Tuệ.
PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Khoa Luật: Ngày càng nhiều vụ việc xảy ra trong thực tiễn cho thấy rằng, tất cả những vấn đề đó đều liên quan đến kiến thức pháp luật. Ta phải sử dụng kiến thức pháp luật để giải quyết vấn đề đó, bảo vệ quyền lợi của chính chúng ta.
Bên cạnh những kiến thức luật nền tảng, Khoa Luật của ĐH Ngoại thương với ngành Luật thương mại quốc tế có 3 điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, học gắn với thực hành: Trong quá trình học, các em được thực hành nhiều kĩ năng. Trường đã đầu tư xây dựng phòng thực hành luật để các em sinh viên ngay từ năm 2, năm 3 đã được diện án luật dân sự, luật hình sự, luật thương mại quốc tế.
Thứ hai, phát huy thế mạnh về ngoại ngữ (nhất là Tiếng Anh) của trường ĐH Ngoại thương. Các em sẽ được học nhiều Tiếng Anh pháp lý, nhất là kĩ năng về soạn thảo hợp đồng, tòa án trọng tài, thương mại đầu tư quốc tế.
Thứ ba, các em được học chuyên sâu hơn về luật thương mại quốc tế. Ví dụ các vấn đề về WTO, chống bán phá giá và nhiều lĩnh vực như trọng tài quốc tế, đầu tư quốc tế. Thực tế có những vụ kiện quốc tế rất lớn. Chúng ta mong chờ các bạn sẽ là người thực hiện những kĩ năng đó để thực hành luật không chỉ môi trường trong nước mà còn ra quốc tế.
Còn việc các em hỏi có thể trở thành luật sư được không, tôi trả lời luôn là chắc chắn được! Sau khi tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, các em còn phải học một khóa đào tạo luật sư ở Học viện Tư pháp kéo dài khoảng 18 tháng rồi thi lấy chứng chỉ luật sư.
Luật sư ở đây có thể là luật sư tư vấn hoặc luật sư tranh tụng. Ngoài ra, các em có thể làm pháp chế ở các doanh nghiệp, ngân hàng... Có em có thể làm giảng viên luật hay làm ở các cơ quan tòa án, Viện kiểm sát, các cơ quan nhà nước như UBND các cấp, các bộ ban ngành...
Cơ hội việc làm về luật chưa bao giờ rộng mở như hiện nay. Tất cả sinh viên luật của trường sau khi tốt nghiệp đều được các công ty luật, hãng luật, pháp chế của các doanh nghiệp săn đón rất nhiều.
- Học ngành ngôn ngữ của ĐH Ngoại thương thì có cơ hội làm việc ở những đâu?
TS Nguyễn Thị Dung Huệ, Trưởng Khoa Tiếng Anh thương mại, ĐH Ngoại thương. Ảnh: Đình Tuệ.
TS Nguyễn Thị Dung Huệ, Trưởng Khoa Tiếng Anh thương mại: Ngành Ngôn ngữ nói chung của ĐH Ngoại thương có một số điểm khác so với ngành ngôn ngữ ở các trường khác. Bản thân tên chuyên ngành cho thấy một nửa sẽ là ngôn ngữ, nửa còn lại là kinh tế, kinh doanh quốc tế.
Khi các em ra trường sẽ nhận được tấm bằng với đủ khối lượng kiến thức về kinh tế để bắt tay ngay vào công việc. Sinh viên tốt nghiệp khoa Tiếng Anh thương mại đã có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau.
Ví dụ, MC Thụy Vân của chương trình Bản tin tài chính (trước đây là Á hậu của ĐH Ngoại thương). Dù học ngành Tiếng Anh thương mại nhưng lại làm chương trình về CEO, tài chính. Ngoài biên phiên dịch ra, nhiều sinh viên còn làm ở mảng tài chính, kiểm toán, kế toán, xuất nhập khẩu... và nhiều công việc khác.
Ngoại ngữ là một thế mạnh của sinh viên ĐH Ngoại thương. Chúng ta không cần quá lo lắng nếu có chứng chỉ ngoại ngữ tốt, vì các em được nhân đôi điểm ngoại ngữ nếu nộp hồ sơ thi vào trường năm nay. Thậm chí, các em có thể được tuyển thẳng nếu các em học trường THPT chuyên và có chứng chỉ IELTS, TOEFL.
- Những lưu ý khi áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp vào trường ĐH Ngoại thương năm 2019 là gì?
TS Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo: Số lượng thí sinh đạt điều kiện để nộp hồ sơ với phương thức xét tuyển kết hợp là con số khá ít, nên tỉ lệ trúng tuyển với phương thức xét tuyển này là rất cao. Bản thân phương thức xét tuyển kết hợp điều kiện đặt ra đã là cao rồi, mức độ cạnh tranh của các em đạt điều kiện đó là không cao.
TS Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Ngoại thương. Ảnh: Đình Tuệ.
Khi xác em trúng tuyển thì có 2 khả năng xảy ra:
Một là, các em xác nhận nhập học và chính thức trở thành sinh viên ĐH Ngoại thương vào thời điểm các em trúng tuyển. Khi đó nhà trường sẽ rút các em ra khỏi hệ thống xét tuyển quốc gia.
Hai là, các em không xác nhận nhập học thì thí sinh vẫn tiếp tục ở trong hệ thống xét tuyển điểm THPT quốc gia như bình thường.
Chúng ta sẽ biết được kết quả xét tuyển kết hợp vào khoảng đầu tháng 6/2019 (với các em trường THPT chuyên). Còn những em xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế và điểm thi THPT quốc gia của hai môn, dự kiến sẽ biết kết quả từ ngày 22 - 25/7/2019.
Sau khi các em trúng tuyển vào ĐH Ngoại thương thì sẽ đăng kí vào các chương trình tiên tiến hoặc chất lượng cao. Nếu thí sinh đã trúng tuyển vào ngành nào mà đã có chương trình chất lượng cao rồi thì đăng kí vào chương trình chất lượng cao của ngành đó.
Các em vẫn có thể được quyền đăng kí vào các ngành khác có chương trình chất lượng cao. Tuy nhiên phải đảm bảo, điểm trúng tuyển của các em phải đạt được ngưỡng điểm trúng tuyển của chương trình chất lượng cao đó.
Ngoài ra, các em cũng nên lưu ý: Hiện nay các em đang đăng kí trên hệ thống theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT quốc gia tại các trường THPT đang theo học.
Với phương thức xét tuyển kết hợp, các em cần làm theo đúng hướng dẫn của nhà trường. Với các em học sinh trường chuyên, vào tháng 5/2019 các em sẽ lên hệ thống online của nhà trường làm đúng theo hướng dẫn để đăng kí một cách độc lập.
Vào tháng 7/2019, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, nếu các em sử dụng phương thức kết hợp chứng chỉ quốc tế và điểm thi THPT quốc gia thì cũng lên hệ thống của ĐH Ngoại thương để đăng kí và làm theo hướng dẫn.
Giáo dục 14:36 | 27/06/2019
Đô thị 14:44 | 25/06/2019
Thời sự 18:48 | 24/06/2019
Giáo dục 14:46 | 24/06/2019
Giáo dục 17:54 | 23/06/2019
Giáo dục 06:00 | 22/06/2019
Giáo dục 16:22 | 21/06/2019
Giáo dục 07:08 | 15/06/2019