Nhóm Onsen Fuji nhắm dự án ở Bắc Kạn

Khoáng nóng Thanh Thuỷ - doanh nghiệp được Tập đoàn Onsen Fuji mua lại vào năm 2021, vừa đăng ký làm Khu dân cư và dịch vụ thương mại Khu công nghiệp Thanh Bình tại huyện Chợ Mới, Bắc Kạn.

Một góc TP Bắc Kạn. (Ảnh: UBND tỉnh Bắc Kạn).

Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu dân cư và dịch vụ thương mại Khu công nghiệp Thanh Bình tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới.

Dự án này có quy mô hơn 11,1 ha, hiện trạng sử dụng đất bao gồm đất ở; đất trồng lúa; đất trồng hoa màu; đất trồng cây công nghiệp; mặt nước hiện trạng; đất trống; đất giao thông nội đồng…

Khi hoàn thành, khu dân cư này sẽ đáp ứng nhu cầu ở và hoạt động kinh doanh, thương mại dịch vụ của dân cư trong Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới và khu vực lân cận.

Tại đây sẽ có 80 căn nhà ở xây thô hoàn thiện mặt ngoài với tổng diện tích đất xây dựng khoảng 7.308 m2; chiều cao xây dựng dự kiến 2 tầng. Cùng với đó, nhà đầu tư sẽ chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật được xây dựng trên phần diện tích đất 40.704 m2, số lô đất ở là 472 lô.

Về tiến độ, dự kiến giai đoạn quý III/2023 - quý II/2024 dự án sẽ thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý về đầu tư, môi trường, xây dựng khác theo quy định của pháp luật. Từ quý III/2024 đến quý II/2026 sẽ triển khai thi công xây dựng và đưa dự án vào vận hành.

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án này là 189 tỷ đồng, ngoài ra chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư là 50 tỷ đồng. 

Kết quả mở hồ sơ cho thấy, nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án là CTCP Khoáng nóng Thanh Thuỷ.

Năng lực của Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Khoáng nóng Thanh Thuỷ tiền thân là CTCP Xây dựng và Dịch vụ Sơn Hải được thành lập từ tháng 5/2008. Doanh nghiệp này được toàn quyền khai thác nguồn khoáng nóng 19,7 triệu m3 tại huyệnThanh Thủy, Phú Thọ.

Vào năm 2019, Sơn Hải được CTCP Tập đoàn Onsen Fuji tiến hành mua lại. Đến tháng 10/2021, doanh nghiệp đổi tên thành Khoáng nóng Thanh Thuỷ như hiện nay và đến tháng 12 cùng năm, công ty tăng vốn điều lệ từ 80 tỷ lên 450 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Hoàng Linh góp gần 31%.

Onsen Fuji được thành lập vào tháng 10/2018, có trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội. Thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, với ba cổ đông là Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh (49%); ông Đặng Mạnh Quân (1%) và ông Đặng Thanh Tú (50%). Tính đến ngày 14/12/2021, công ty có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, cổ đông sáng lập của Onsen Fuji. (Ảnh: Khoáng nóng Thanh Thuỷ).

Dàn cổ đông sáng lập của Onsen Fuji có những mối liên hệ với CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (Apec Investment, mã chứng khoán: API). Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Linh được biết đến là em trai của ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch cũ của APEC. Từ năm 2016, ông Linh giữ vị trí là Thành viên HĐQT và Phó Tổng Giám đốc của API. 

Từ năm 2020, ông Linh từng đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ) - một thành viên trong hệ sinh thái APEC Group, đến tháng 4/2022 ông đã từ nhiệm vị trí này.

Bên cạnh API và IDJ, ông Linh từng là Giám đốc của CTCP Đầu tư Việt Nam - Châu Âu và CTCP Bất động sản An Phát. Tại báo cáo thường niên 2022, ông Linh không còn xuất hiện trong ban lãnh đạo của API.

Hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Linh đang đồng thời là Thành viên HĐQT của CTCP Khoáng nóng Thanh Thuỷ. Doanh nghiệp này được Onsen Fuji mua lại từ năm 2019, đến năm 2020 Onsen Fuji hoàn tất mua 100% vốn. Tháng 12/2021, Khoáng nóng Thanh Thuỷ có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Hoàng Linh góp gần 31%.

Theo giới thiệu của Khoáng nóng Thanh Thuỷ, ban lãnh đạo doanh nghiệp từng có kinh nghiệm triển khai các dự án bất động sản lớn, trong đó có KCN Điềm Thuỵ ở Thái Nguyên - một dự án của nhà APEC.

Trở lại với Khoáng nóng Thanh Thuỷ, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp hiện nay là ông Nguyễn Minh Tuấn, người từng làm việc tại một số doanh nghiệp lớn như Ecopark hay Novahomes.

Bên cạnh ông Tuấn, ban lãnh đạo của Khoáng nóng Thanh Thuỷ cũng từng có kinh nghiệm triển khai các dự án bất động sản lớn, trong đó có KCN Điềm Thuỵ ở Thái Nguyên. 

Vài năm trở lại đây, Onsen Fuji đang dần nổi lên trên thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng với loạt dự án ở các tỉnh thành như Phú Thọ, Hà Tĩnh, Quảng Bình...

Hồi tháng 6, Onsen Fuji đã khảo sát, nghiên cứu thực địa khu A, B của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh thuộc địa bàn xã Việt Lâm (Vị Xuyên), tỉnh Hà Giang.

Sau khi khảo sát, tập đoàn này đã đề xuất ý tưởng dự kiến đầu tư 2 dự án tại đây, gồm Tổ hợp thương mại, dịch vụ và công viên khoáng nóng Wyndham Lynn Times Hà Giang, quy mô diện tích khoảng 10,1 ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 350 tỷ đồng và Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng và thể thao Wyndham Lynn Times Hà Giang, quy mô diện tích khoảng 120 ha; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.900 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2020, Onsen Fuji đã khảo sát và nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Bắc Kạn, sau đó đề xuất đầu tư một khu công nghiệp hơn 100 ha tại địa phương này.

chọn
Lộ diện các khoản lỗ lớn quý đầu năm, nhóm bất động sản chiếm sóng
Có thể nói đây là một quý đầu năm hiếm hoi ghi nhận nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trong ngành báo lỗ.