Hé lộ diễn biến trên chuyên cơ tổng thống Mỹ sau vụ 11/9 | |
Lá cờ biểu tượng trong vụ khủng bố 11/9 chấn động ở Mỹ |
Ngày 11/9 cách đây 15 năm, cả thế giới bàng hoàng khi hai toà tháp đôi ở Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ, trong vụ tấn công tồi tệ nhất trên đất Mỹ kể từ khi Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng năm 1941.
19 tên không tặc cướp 4 máy bay chở khách và tấn công nhiều địa điểm quan trọng của Mỹ. Một nhóm điều khiển hai phi cơ lao thẳng vào Tòa tháp đôi, trong khối 7 tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới ở Manhattan, New York. Mỗi chiếc máy bay lao vào một tòa tháp cách nhau khoảng 18 phút. Chỉ trong vòng hai giờ, cả hai tòa tháp 110 tầng bị sụp đổ. Một chiếc máy bay khác đâm vào trụ sở Bộ Quốc phòng ở Lầu Năm Góc tại Washington, một máy bay rơi xuống canh đồng ở Shanksville, Pennsylvania.
Khói bốc lên từ toà tháp ở Trung tâm Thương mại Thế giới. Ảnh: AP |
Bao nhiêu người chết?
Vụ tấn công khủng bố khiến 2.996 người thiệt mạng và hơn 6.000 người khác đã bị thương. Đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất do thế lực nước ngoài gây ra tại Mỹ.
Ai đứng sau?
Năm 2004, lãnh đạo tổ chức Hồi giáo Al-Qaeda, Osama bin Laden, tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ việc. Lời hiệu triệu thánh chiến của Osama bin Laden nhằm chống lại nước Mỹ được coi là động cơ chính dẫn đến vụ tấn công của 19 không tặc. 15 tên trong số này đến từ Saudi Arabia, những tên còn lại đến từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập và Lebanon.
Trung tâm Thương mại Thế giới (WTO) được xây để làm gì?
Trung tâm Thương mại Thế giới là tổ hợp gồm 7 toà tháp ở khu vực Lower Manhattan, New York, được sử dụng chủ yếu làm văn phòng và không gian thương mại. Sau khi hoàn tất xây dựng những năm 1970, hai toà tháp đôi có độ cao 396 m, cao nhất thế giới vào thời điểm đó.
Đây có phải lần đầu tiên WTO bị tấn công?
Câu trả lời là không. Năm 1993, những kẻ khủng bố từng phát nổ một quả bom ở khu đỗ xe tầng hầm của tổ hợp này. Vụ vụ khiến 6 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương, tuy nhiên toà tháp vẫn đứng vững. Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã bắt giữ một số phần tử khủng bố liên quan đến vụ tấn công này.
Nước Mỹ có mất cảnh giác?
Có nhiều dấu hiệu trước ngày 11/9 làm dấy lên nghi ngờ rằng những kẻ khủng bố có thể tiến hành vụ tấn công quy mô lớn hơn, trong đó có vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993, đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998, tấn công chiến hạm USS Cole ở Yemen năm 2000. Cục Tình báo Trung ương (CIA) thậm chí còn từng lần theo dấu vết của một số kẻ trong nhóm không tặc tấn công ngày 11/9 và xếp chúng vào danh sách mối đe doạ tiềm tàng. Tuy nhiên, giới chức đã không xử lý các thông tin này.
Một phần của Lầu Năm Góc sụp đổ trong vụ tấn công. Ảnh: AP |
Không tặc chiếm máy bay bằng cách nào?
19 phần tử tấn công liều chết xông vào buồng lái của 4 máy bay, sát hại hoặc khống chế tổ bay bằng dao và các dụng cụ thô khác. Hành khách trên chuyến bay mang số hiệu 93 của United Airlines đã cố chống lại không tặc và đi vào buồng lái, trước khi những kẻ tấn công cho máy bay lao xuống một cánh đồng. Toàn bộ hành khách trên khoang thiệt mạng. Nhóm không tặc ban đầu dự định bay đến Washington D.C và nhắm đến mục tiêu Nhà Trắng hoặc Toà nhà Quốc hội Mỹ.
Tại sao Mỹ và đồng minh đưa quân đến Afghanistan?
Dưới trướng của Taliban, tổ chức khủng bố al-Qaeda - một phong trào Hồi giáo thống trị Afghanistan từ 1996-2001, nhận trách nhiệm đứng sau vụ tấn công 11/9. Cựu tổng thống George W. Bush, với sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ, sau đó đã ra lệnh mở cuộc tấn công quân sự ở Afghanistan nhằm tiêu diệt al-Qaeda và Taliban.
Mỹ can thiệp chiến tranh Iraq như thế nào?
Sau vụ việc 11/9, chính quyền tổng thống Bush cho rằng có mối liên hệ giữa phần tử al-Qaeda và tình báo Iraq. Giới chức nhận định Iraq có vũ khí sinh học phá huỷ hàng loạt, đặc biệt là các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học. Tuy nhiên, Mỹ chưa từng phát hiện bất kỳ loại vũ khí nào ở đây trong thời gian đưa quân đến Iraq.
Mất bao lâu để tìm thấy Osama bin Laden?
Mỹ đã mất 10 năm truy lùng và tiêu diệt Osama bin Laden, kẻ được cho là "kiến trúc sư" trong vụ tấn công khủng bố 11/9. Trước đó, Washington treo thưởng 25 triệu USD cho để lấy đầu tên này. Ngày 2/5/2011, nhóm đặc vụ SEAL của Mỹ vây ráp và đột kích nơi ở của y ở Abbottabad, Pakistan. Osama bin Laden và một số vệ sĩ bị tiêu diệt.
Địa điểm từng bị tấn công hiện giờ ra sao?
Trung tâm Thương mại Thế giới năm xưa hiện là trụ sở của Bảo tàng và Đài tưởng niệm Quốc gia 11/9 cùng Trung tâm Thương mại một thế giới. Các dự án xây dựng toà cao ốc dự kiến được xây dựng tại đây trong tương lai.
Tại Lầu Năm Góc, khu tưởng niệm ngoài trời được xây dựng để tưởng nhớ các nạn nhân đã thiệt mạng khi chiếc máy bay của hãng American Airlines gặp nạn. Khu tưởng niệm ở Shanksville là nơi tưởng nhớ các hành khách thiệt mạng trên chuyến bay 93.
Người dân hoảng loạn bỏ chạy khi một trong hai toà tháp sụp đổ. Ảnh: AP |
Nước Mỹ đã thay đổi như thế nào?
Sau các vụ tấn công gây thiệt hại nặng nề về người và của, chính phủ Mỹ đã dồn tâm sức cho cuộc chiến chống khủng bố, không chỉ ở Mỹ ở trên toàn thế giới. Bộ An ninh Nội địa Mỹ được thành lập với nhiệm vụ phối hợp hoạt động các cơ quan an ninh, sân bay. Hoạt động hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia cũng được đẩy mạnh.
"Giờ đây, chúng tôi coi vấn đề chống khủng bố là trách nhiệm hàng đầu của tổng thống và các quan chức cấp cao, theo cách mà chúng tôi chưa thực hiện trước khi xảy ra vụ khủng bố 11/9", Daniel Byman, giáo sư an ninh quốc gia tại Đại học Georgetown, cho hay.
Liệu có một vụ tấn công tương tự nữa hay không?
Có thể có, nhưng cũng có thể không. Theo Byman, việc cơ quan an ninh của Mỹ và các quốc gia khác tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, đẩy mạnh hoạt động chống khủng bố và mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa chính phủ Mỹ với các cộng đồng Hồi giáo tại nước này khiến một vụ khủng bố quy mô tương tự khó có thể xảy ra.
Trong 15 năm qua, các vụ tấn công khủng bố trên đất Mỹ đã khiến 94 người thiệt mạng. Con số này ít hơn nhiều so với số thương vong trong tai nạn ôtô, bệnh tim hay nổ súng.