Ngôi nhà ở nơi xa xôi nhất của xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội cách Hồ Hoàn Kiếm khoảng 47 km. Trước năm 2008, nơi này là một phần của tỉnh Hòa Bình.
Trong thung lũng giữa những dải đồi thoai thoải 10 năm trước, đã có những ước mơ đến trường chưa bao giờ thành sự thật, có những cô cậu học trò người Mường không sõi tiếng Kinh và những thầy cô chỉ ước ao một mái trường không dột.
Cô Phượng là giáo viên dạy môn Ngữ Văn và Lịch sử. Cô tự nhận chuyện đời mình nghe giống cuộc đời của các cô giáo vùng cao biên giới.
Cô Phượng về trường THCS Tiến Xuân nhận công tác trong một ngày giữa tháng 9 mưa dầm 24 năm trước. 26 cây số đường rừng từ Lương Sơn được cô đếm bằng “chục lần đỗ lại”, phần vì mệt, phần vì phải xuống cạy bùn bám ở bánh xe.
Vượt qua dốc Đồng Rằng dựng đứng mất gần 3 tiếng đồng hồ, mấy mái nhà xiêu vẹo - nơi được dùng chung làm trường cấp 1 và cấp 2 cho hơn 400 trẻ em của xã, hiện ra trước mắt.
Khung cảnh trường THCS Tiến Xuân trước ngày về Hà Nội. Ảnh tư liệu. |
Đêm ấy, 7 cô giáo trẻ ngồi cạnh nhau trong căn phòng tập thể chục mét vuông cho giáo viên, ngăn bằng tấm liếp, ôm nhau khóc nức nở trong ánh đèn dầu. “Biết trước là sẽ khổ, nhưng không nghĩ lại khổ đến thế”, cô Phượng mắt đỏ hoe, kể về những ngày mới về trường.
Nhiều em bỏ học vì nhà nghèo, vì đường sá khó khăn, vì bất cứ lý do gì. Cô Phượng lại cùng đồng nghiệp lặn lội đi bộ vòng qua đèo qua núi “dỗ” chúng đến trường. Ban đêm thi thoảng cô đến nhà chúng chơi, rồi cô trò soi đuốc đi xem phim ở nhà khá giả nhất làng, có cái TV đen trắng chạy bằng ắc quy.
“Chiếu bóng tập thể” là hoạt động giải trí duy nhất mà họ có.
Ngày ấy, thiếu giáo viên, học sinh chỉ được học 4 môn cơ bản là Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý. Mỗi thầy cô, ngay cả thầy hiệu trưởng, cùng một lúc cũng phải chủ nhiệm 2, 3 lớp.
Năm 1996, Tiến Xuân có điện, cũng là khi 10 phòng học cấp bốn mái ngói được xây mới, tách ra làm trường THCS Tiến Xuân. Trường xây xong, cỏ dại còn mọc cao đến ngực, sân đất trũng ngập lúc nào là thành cái ao không đường ra lối vào. Thầy trò và phụ huynh lại cùng nhau, suốt một tuần liền, ra suối bê từng viên đá cuội đặt tạm làm lối đi. Những ngày mưa, họ dặn học trò nhớ đi ủng đến trường. Nhưng thường, chúng sẽ nghỉ học luôn.
Học sinh xã này ít người học hết cấp 3, thi được vào Đại học thì hầu như không có, thi được vào trung cấp là cả làng cả xã biết. Cô Phượng thành thật kể lại, rồi chỉ lên những tấm bằng khen học sinh giỏi cấp huyện ngày ấy, tất cả đều của giải chạy việt dã. “Học sinh miền núi, chỉ giỏi thể thao thôi”.
Mười bốn năm của thầy trò vùng núi này vẫn đều đều như vậy, không có gì thay đổi, từ lúc cô về trường. Mọi thay đổi lớn chỉ bắt đầu từ năm 2008, khi xã Tiến Xuân được sáp nhập về thành phố Hà Nội.
Dãy phòng học cấp bốn xây dựng 22 năm về trước nay chỉ còn được lưu trong trí nhớ của người thời ấy và những bức ảnh trong phòng truyền thống nhà trường.
Năm 2010, khi những tuyến đường liên xã được trải nhựa, cũng là khi tòa nhà 3 tầng và dãy nhà chức năng 2 tầng liền kề được hoàn thành với số vốn hơn 20 tỷ đồng. Học sinh toàn xã, giờ không còn phải chia ca để học vì thiếu lớp.
Trường THCS Tiến Xuân không phải là ngôi trường duy nhất được xây mới và hoàn thiện cơ sở vật chất từ ngày sáp nhập mà còn có 2 trường tiểu học và khối trường mầm non được đầu tư xây tường bao, sân chơi, lớp học...với trị giá trên 8 tỷ đồng.
Phòng máy vi tính của trường THCS Tiến Xuân. Ảnh: Ngọc Thành. |
Cô giáo Đào gắn bó với lớp học mầm non đến nay đã 19 năm, từ khi các bé còn học nhờ tại nhà văn hóa của các thôn. “Nhà văn hóa nằm trơ trọi giữa bãi đất gần đường, không tường, không cổng, các cháu cứ ùa ra ngoài chơi”, cô kể. Mỗi khi thôn hội họp, các cháu nhỏ của cô phải nghỉ học. Ước mơ lớn nhất của cô Đào khi ấy là một ngôi trường, “nhưng phải có tường bao cho an toàn”.
Giờ trường mầm non của cô không chỉ có tường bao, mà còn có bàn có ghế, có quạt. Đồ chơi và dạy học cho các cháu, tuy chưa nhiều nhưng đủ là một niềm vui lớn với cô và các phụ huynh. Nhắc lại ước mơ ngày nào, cô vui vẻ nói “Không về Hà Nội, không biết bao giờ mới có”.
Khi cơ sở vật chất các trường được cải thiện cũng là khi học sinh đến trường thường xuyên hơn. Năm 2017, tỷ lệ trẻ đến trường ở 3 cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở đạt tỷ lệ 100%.
Mười năm về Hà Nội, những thành tích học trò Tiến Xuân đạt được không còn dừng lại ở những tấm huân chương chạy việt dã. Riêng trong năm 2017, toàn xã có 84 giải học sinh giỏi cấp huyện các môn văn hóa và 3 giải học sinh giỏi cấp thành phố.
Ông Đinh Công Long, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân hào hứng khoe về con số 29 tân sinh viên đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2017. “Ngày xưa, nếu không ‘về Hà Nội’ chắc không mấy người thi đỗ đại học”, ông Long nhận định.
Cô Phượng của năm 2008 là một giáo viên không biết mặt cái máy vi tính, không biết dùng máy chiếu. Giáo án viết tay của cô từ những năm mới về trường vẫn còn được sử dụng cho học trò chục năm sau đó. Những tiết Lịch sử của cô không có gì nhiều hơn ngoài những điều cô đọc trò chép trong sách giáo khoa. Học trò của cô cũng ít mặn mà với tiết học.
Cô Phượng trước cơ ngơi mới của trường. Ảnh: Ngọc Thành. |
Áp lực của những giáo viên xùng sâu vùng xa như cô khi về Hà Nội, vì vậy, không chỉ đến từ những đợt thanh tra hằng tháng và đột xuất của cán bộ Sở Giáo dục Thành phố, mà còn là một sự so sánh vô thức, nhận ra rằng thua kém về chất lượng giáo dục của mình so với thầy trò các trường ở trung tâm.
Cô Phượng của năm 2018 là giáo viên soạn giáo án điện tử, giảng bài qua máy chiếu. Cô công nhận những điểm tiến bộ mà công nghệ đã đem đến cho thầy trò mình nhưng chưa đủ để cạnh tranh với các trường lớn ở nội thành. Sĩ số trung bình mỗi năm học của trường cô vào khoảng 400 em nhưng phòng tin học - nơi cô Phượng nhận xét là hiện đại nhất khuôn viên trường, chỉ có 17 máy vi tính.
Bây giờ, khi không phải vào làng “dỗ” trẻ đến trường, cô Phượng lại có một nhiệm vụ khác. Cô tự nhận còn phải trau dồi để đuổi kịp các đồng nghiệp thành phố. Thày cô nơi này vẫn dùng từ “giáo viên thủ đô”, để phân biệt mình với phần còn lại của ngành giáo dục Hà Nội.
Sau hợp nhất, năm 2009, Hà Nội đã chi hơn 2.000 tỷ đồng để cải tạo và xây mới hơn 5.500 phòng học tạm, phòng học xuống cấp, tập trung ở 15 quận, huyện thị xã ngoại thành, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thuộc Hà Nội mở rộng. Ngoài ra, chi phí hỗ trợ các trường học thuộc 14 xã miền núi của Hà Nội giai đoạn này là khoảng 650 tỷ đồng. |
Hà Nội kỷ niệm 10 năm mở rộng: Niềm vui chưa trọn ở phía Tây thành phố
Trong những ngày này, Thủ đô Hà Nội đang vui mừng kỷ niệm những thành tựu sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính ... |
Hà Nội sau 10 năm mở rộng
Sau cuộc đại điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô, nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ cho cả chính quyền, các chuyên gia quy ... |