Phạm vi quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội áp dụng cho hai khu vực chính.
Đầu tiên là khu vực khu phố cổ, phía Bắc giáp phố Phan Đình Phùng, Hàng Đậu; phía Đông giáp phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải; phía Tây giáp phố Phùng Hưng; phía Nam giáp các phố Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông.
Khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 82 ha với 10 phường, 79 tuyến phố và 83 ô phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Dân số hiện có hơn 66.000 người, mật độ 823 người/ha, cao so với yêu cầu của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô về dân số khu phố cổ đến năm 2020 là 45.000 người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự quá tải và xuống cấp trầm trọng về môi trường sống đô thị của khu phố cổ.
Thứ hai là khu vực liền kề và khu hỗ trợ chức năng, trong đó khu vực liền kề có diện tích khoảng 7.19 ha, ranh giới từ khu phố cổ đến hết thửa đất lớp ngoài của các tuyến phố có đường bao xung quanh khu phố cổ. Khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng đô thị gồm hai phường Phúc Tân và Chương Dương thuộc quận Hoàn Kiếm.
Về phân vùng quản lý quy hoạch – kiến trúc, Khu phố cổ Hà Nội được chia làm hai khu vực bảo vệ, tôn tạo. Đầu tiên là khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp I, có quy mô khoảng 19 ha, gồm 21 phố, đoạn phố và 17 ô phố, được giới hạn bởi các phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật.
Trong khu vực này, hình ảnh và phong cách Khu phố cổ truyền thống, các công trình kiến trúc có giá trị, các di tích lịch sử văn hóa được giữ gìn, bảo tồn.
Khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp II có quy mô khoảng 63 ha, gồm các phố còn lại trong ranh giới khu phố cổ.
Chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới tuyến đường đỏ các tuyến phố trong phố cổ đã được Hà Nội phê duyệt.
Khu phố cổ có các không gian mở chính, bao gồm không gian trước và xung quanh chợ Đồng Xuân; Quảng Trường chợ Hàng Da; khu vực ô Quan Chưởng, không gian quanh khu vực chợ Gạo, vườn hoa Bát Đàn, các khu vực quanh nút giao thôn dẫn lên cầu Chương Dương, cầu Long Biên và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Khu phố cổ có 29 tuyến phố và 4 đoạn phố cải tạo phục dựng gồm các tuyến phố chính theo hướng Bắc Nam (Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy; Lương Văn Can, Hàng Cân, Chả Cá, Hàng Lược; Hàng Da, Hàng Điếu, Hàng Gà, Hàng Cót); theo hướng Đông Tây (Hàng Mã, Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng; Hàng Vải, Lãn Ông, Hàng Buồm, Mã Mây; Bát Đàn, Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Mắm); các tuyến phố đường bao phía Nam (Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng) và các phố Cầu Đông; các đoạn phố Hàng Khoai từ Hàng Lược đến Nguyễn Thiệp; Hàng Cá – Ngõ Gạch và Gia Ngư.
Ngoài ra, 50 phố và đoạn phố còn lại được khuyến khích cải tạo các công trình mặt phố theo hướng phục dựng lại kiến trúc gốc. Trong trường hợp không còn tư liệu sẽ được làm theo kiến trúc mới.
Trên với các phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải sẽ cho phép xây dựng các công trình công cộng đa chức năng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng... Tuyến phố Phùng Hưng sẽ xem xét cải tạo các vòm tường gầm đường sắt phục vụ dịch vụ hoặc đỗ xe, bổ sung cây xanh tại các vỉa hè lớn phía Tây.
Đối với các phố nghề truyền thống như Hàng Bạc, Hàng Mã, Lãn Ông, Hàng Gai, Hàng Thiếc, Lò Rèn và Hàng Đồng sẽ khuyến khích bảo tồn phố nghề sản xuất, buôn bán sản phẩm nghề truyền thống.
Theo bản quy hoạch, khu phố cổ được phép cao 3 - 4 tầng (12 - 16m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16 m.
Trong khi đó, khu phố cũ được phép xây 4-6 tầng (16 - 22m); các khu vực hạn chế phát triển được xây 5-7 tầng (20 - 25m).
Không gian đô thị ở phố cổ, phố cũ của Hà Nội được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Khu vực có công trình cao tầng, Hà Nội ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe.
Về quan điểm bảo tồn tại khu vực Hồ Gươm và phụ cận, Hà Nội bảo tồn hình ảnh đặc trưng với không gian mặt nước và cây xanh quanh hồ; bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan các công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng; bổ sung các công trình phục vụ tiện ích công cộng.
Trong khu vực phố cổ, Hà Nội bảo tồn kiến trúc các tuyến phố hiện có, bảo tồn trục trung tâm thương mại kết hợp nhà ở truyền thống; cải tạo lõi bên trong các ô phố; bảo tồn các công trình công cộng quan trọng, không gian, kiến trúc truyền thống…
Về tổ chức giao thông, trong khu phố cổ sẽ giữ nguyên mạng lưới giao thông và mặt cắt ngang đường, tổ chức phố đi bộ bên trong khu phố.
Cụ thể, đường giao thông công cộng tại các tuyến đường bao. Các điểm đỗ xe công cộng tạm thời được bố trí tại khu vực lân cận vườn hoa Bát Đàn, Chợ Gạo, Cửa Đông, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.
Đường khu vực sẽ cho phép ô tô đi một chiều nhưng không được phép dừng đỗ, bao gồm các phố Hàng Chiếu – Hàng Mã; Bát Đàn – Hàng Bồ - Hàng Bạc – Hàng Mắm; Chả Cá – Hàng Cân – Lương Văn Can; Hàng Da – Hàng Điếu – Hàng Điếu – Hàng Cót. Các đường còn lại dành riêng cho người đi bộ, xe gắn máy và xe thô sơ, trừ các xe chữa cháy, cứu thương, vệ sinh môi trường.
Sáng ngày 22/3, TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử có quy mô nghiên cứu trên 2.700 ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết với việc quy hoạch được thông qua, Hà Nội đặt quyết tâm không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô. Từ nay đến năm 2030, dân số 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng sẽ giảm 215.000 người xuống còn 672.000 người (dân số hiện tại gần 900.000 người).
Trên thực tế, chủ trương giãn dân phố cổ được TP Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước. Đề án giãn dân phố cổ được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 1998 với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, dự kiến đề án giãn dân phố cổ Hà Nội kết thúc vào năm 2020.
Thị trường 14:58 | 21/05/2021
Quy hoạch 11:04 | 12/05/2021
Quy hoạch 06:57 | 10/04/2021
Quy hoạch 14:56 | 23/03/2021
Quy hoạch 08:10 | 23/03/2021
Quy hoạch 19:30 | 22/03/2021
Quy hoạch 11:18 | 22/03/2021
Quy hoạch 11:03 | 22/03/2021