Những khu vực được làm dự án cao tầng trong vùng nội đô lịch sử Hà Nội vừa công bố quy hoạch

Khu vực nội đô lịch sử Hà Nội được chia thành 7 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao xây dựng công trình, hầu hết các vị trí chỉ được phép xây dựng không quá 39 tầng, có hai khu vực được xây tối đa 45 tầng và 50 tầng.

Sáng nay (22/3), TP Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A, H1-1B, H1-1C; H1-2; H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2000 thuộc khu vực nội đô lịch sử và thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Đây sẽ là căn cứ triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.

Theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu nội đô lịch sử TP Hà Nội của UBND Hà Nội, quỹ đất có quy mô từ 2 ha trở lên có được khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Quy chế này được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha thuộc địa giới hành chính 5 quận gồm Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam quận Tây Hồ.

Những khu vực nào được làm dự án cao tầng trong vùng nội đô lịch sử Hà Nội vừa công bố quy hoạch? - Ảnh 1.

Lotte là tòa nhà duy nhất được xây trên 50 tầng ở vùng nội đô lịch sử Hà Nội.

Phía Đông Bắc giáp các đường Nguyễn Khoái, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Yên Phụ, Nghi Tàm, Âu Cơ (đường đê sông Hồng đoạn từ nút giao cầu Vĩnh Tuy đến nút giao cầu Nhật Tân); phía Nam giáp các đường Trường Chinh, Đại La, Minh Khai; phía Tây và Tây Nam giáp các đường Láng, Bưởi, đường Vành đai 2 đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến nút giao cầu Nhật Tân.

Quy chế cho phép xây dựng công trình cao tầng tại các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị; các dự án tái thiết đô thị bao gồm việc đầu tư xây dựng các khu chung cư cũ và quỹ đất sau di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, giáo dục, cơ sở giáo dục và các cơ quan, đơn vị; xây dựng công trình cao tầng trong trường hợp xây dựng lại các khu chung cư, tập thể cũ.

Tại khu vực trên đường Vành đai 1 gồm các tuyến Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt - Xã Đàn – La Thành được xây công trình tối đa 24 tầng với chiều cao tối đa 86 m.

Khu vực đường Vành đai 2 gồm các tuyến Minh Khai – Đại La – Trường Chinh – Láng Bưởi được xây các công trình không cao hơn 27 tầng với độ cao tối đa 97 m. Riêng trên đường Trường Chinh đoạn từ nút giao với phố Khương Thượng đến nút giao với phố Lê Trọng Tấn không được phép xây dựng các công trình cao tầng nhằm đảm bảo an toàn chiều cao tĩnh không cho khu vực sân bay hiện hữu.

Các đường ven đê sông Hồng như An Dương Vương, Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái được xây tối đa từ 21 tầng đến 39 tầng, tùy theo đoạn tuyến.

Đối với đoạn phía Tây đường Yên Phụ từ nút giao với đường Thanh Niên đến nút giao với phố Hàng Bún); đoạn phía Tây đường Trần Quang Khải từ nút giao với đường Lò Sũ đến nút giao đường Hàng Vôi; đoạn phía Tây đường Trần Quang Khải và đường Trần Khánh Dư, số tầng tối đa được phép xây dựng là 21 tầng với chiều cao tối đa 76 m.

Trên đoạn phía Tây đường Nguyễn Khoái từ nút giao với phố Nguyễn Huy Tự đến số 1 Nguyễn Khoái, đường vào bến xe Lương Yên, số tầng tối đa được quy định là 24 với chiều cao tối đa 86 m.

Số tầng tối đa được phép xây dựng trên đoạn phía Tây đường An Dương Vương từ nút giao với đường Võ Chí Công đến nút giao với đường Lạc Long Quân và trên đoạn phía Tây đường Nguyễn Khoái từ số 1 Nguyễn Khoái – đường vào bến xe Lương Yên đến nút giao với đường Minh Khai là 27 với chiều cao tối đa 97 m.

Trên đoạn phía Tây đường Nguyễn Khoái từ nút giao với đường Minh Khai đến nút giao với đường Vĩnh Tuy có số tầng tối đa được xây là 39 tầng, chiều cao tối đa 140 m.

Quy chế quy định các đoạn còn lại không được phép xây dựng các công trình cao tầng hoặc chiều cao và tầng cao cụ thể sẽ được xem xét trên cơ sở triển khai thực tế hoặc thiết kế đô thị đã được duyệt.

Vị trí duy nhất trong Khu vực nội đô lịch sử Hà Nội được phép xây công trình cao 50 tầng - Ảnh 2.

Bản đồ ranh giới, phạm vi nghiên cứu Khu vực nội đô lịch sử Hà Nội.

Đối với tuyến phố hướng tâm gồm các phố Giảng Võ, Láng Hạ, Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Lê Duẩn, Giải Phóng được xây tối đa từ 9 đến 27 tầng.

Cụ thể, trên phố Giảng Võ đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Thái Học đến nút giao với đường Cát Linh không được xây dựng công trình cao tầng. Riêng đối với các ô đất nằm giáp chỉ giới đường đỏ tại nút giao Cát Linh – Giảng Võ sẽ nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng với chiều cao tối đa 21 tầng/76 m.

Với đoạn từ nút giao với đường Cát Linh đến nút giao đường La Thành, số tầng tối đa được phép xây là 21 tầng, chiều cao tối đa 76 m.

Phố Láng Hạ, đoạn từ nút giao với phố Giảng Võ đén nút giao với ngõ 29 Láng Hạ, số tầng tối đa không quá 24 tầng và chiều cao không quá 86 m. Đoạn từ nút giao với ngõ 29 Láng Hạ đến nút giao với đường Láng, số tầng tối đâ được quy định là 27 tầng, chiều cao tối đa 97 m.

Phố Văn Cao đoạn từ nút giao với đường ven hồ Tây đến nút giao với đường Đội Cấn, số tầng tối đa 24 tầng và chiều cao tối đa 86 m.

Trên phố Liễu Giai và phố Nguyễn Chí Thanh đoạn từ nút giao với đường Kim Mã đến nút giao với đường La Thành được phép xây dựng công trình cao từ 25 tầng trở xuống với chiều cao tối đa 90 m.

Phố Nguyễn Chí Thanh đoạn từ nút giao với đường La Thành đến nút giao với đường Láng, số tầng tối đa được quy định là 27 tầng, chiều cao tối đa 97 m.

Trên phố Tôn Đức Thắng đoạn từ nút giao với phố Nguyễn Thái Học đến nút giao với ngõ 221 Tôn Đức Thắng không được phép xây dựng công trình cao tầng.

Phố Nguyễn Lương Bằng; phố Tôn Đức Thắng đoạn từ nút giao với 221 Tôn Đức Thắng đến nút đến nút giao với đường Xã Đàn và phố Tây Sơn đoạn từ nút giao với phố Hồ Đắc Di đến nút giao với đường Chùa Bộc sẽ nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng đảm bảo hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch Phân khu H1-3. Đói với ô phố giáp với nút giao Chùa Bộc – Tây Sơn cho phép xây dựng tối đa 24 tầng/86 m.

Trên phố Tây Sơn đoạn từ nút giao với đường Chùa Bộc đến nút giao với đường Láng sẽ được phép xây dựng công trình cao tối đa 24 tầng với chiều cao tối đa 86 m.

Trên phía Đông đường Lê Duẩn đoạn từ nút giao với đường Điện Biên Phủ đến nút giao với đường Hai Bà Trưng, nằm trong khu vực Văn Miếu và phụ cận không được xây dựng công trình cao tầng, riêng phía Đông tuyến đường phải đảm bảo chiều cao tối đa không vượt quá chiều cao công trình cao tầng hiện hữu trên đoạn này.

Trên đường Lê Duẩn đoạn từ nút giao với đường Hai Bà Trưng đến nút giao với phố Khâm Thiên được xây công trình cao tối đa 9 tầng (32 m), riêng phía Tây tuyến đường phải đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội, phía Đông tuyến đường không được phép xây dựng công trình cao tầng.

Nút giao Lê Duẩn với đường Khâm Thiên đến nút giao với đường Xã Đàn không được phép xây dựng công trình cao tầng.

Trên phố Giải Phóng được xây công trình cao tối đa 24 tầng/86 m.

Công trình xây dựng trên các tuyến phố chính trong Khu vực nội đô lịch sử Hà Nội được xây tối đa từ 13 đến 24 tầng, tùy theo đoạn tuyến. Một số tuyến phố không được phép xây cao tầng như Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lò Dúc, Chùa Bộc, Đội Cấn trừ trường hợp là các điểm nhấn kiến trúc.

Cụ thể, trên phố Hào Nam được xây dựng công trình cao tối đa 13 tầng với chiều cao tối đa 46 m, đảm bảo cảnh quan hai bên đường.

Trên phố Kim Ngưu, Hoàng Cầu và Yên Lãng, phố Hoàng Hoa Thám đoạn từ nút giao với đường Văn Cao đến nút giao với đường Hoàng Quốc Việt các công trình cao không quá 24 tầng với độ cao 86 m, yêu cầu đảm bảo phù hợp với cảnh quan không gian khu vực xung quanh.

Các phố Hàng Đậu, Phan Đình Phùng và đường Hoàng Hoa Thám đoạn từ nút giao với đường Hùng Vương đến nút giao với phố Ngọc Hà không được phép xây dựng công trình cao tầng, riêng phố Hoàng Hoa Thám đoạn từ nút giao Ngọc Hà – Văn Cao sẽ nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, xã hội theo quy hoạch phân khu A1, A6, H1-2 và thiết kế đô thị được duyệt.

Đối với  các phố Lò Đúc, Pháo đài Láng kéo dài, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đội Cấn không xây dựng công trình cao tầng, ngoại trừ các ô đất nằm giáp với chỉ giới dường đỏ và các trường hợp đặc thù khác.

Các khu vực điểm nhấn đô thị được chia làm ba loại gồm  tổ hợp công trình cao tầng như khu vực xung quanh hồ Giảng Võ (21 tầng/76 m), xung quanh hồ Thành Công (24 tầng/86 m), xung quanh ga Hà Nội (18 tầng/65 m), Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (21 tầng/76 m)

Với các nút giao gồm Vành đai 2 - Hoàng Hoa Thám - Hoàng Quốc Việt; Cầu Giấy - La Thành - Bưởi – Láng; Nguyễn Chí Thanh – Láng; Láng Hạ, - Láng; Tây Sơn - Láng, nút Giải Phóng - Trường Chinh - Đại La, Kim Ngưu - Minh Khai, công trình được xây không quá là 39 tầng với độ cao 140 m, riêng nút Nguyễn Chí Thanh - La Thành cao không quá 24 tầng, chiều cao tối đa 86 m; nút Nguyễn Khoái - Vĩnh Tuy cao tối đa 21 tầng, chiều cao tối đa 76 m.

Tại các vị trí khác như nút giao khu đô thị Tây - Hồ Tây; Vành đai 2 và khu vực bán đảo phía Đông Hồ Tây được xây công trình cao tối đa 39 tầng, chiều cao không quá 140 m.

Tại khu vực ga Hà Nội, các công trình cao không quá 18 tầng với chiều cao tối đa 65 m.

Ô đất tại 29 Liễu Giai được phép xây dựng công trình cao tối đa 45 tầng (162 m).

Khu vực triển lãm Giảng Võ là nơi được phép xây dựng các công trình cao nhất trong nội đô lịch sử Hà Nội với số tầng tối đa là 50 tầng và độ cao không quá 180 m.

Việc nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại các dự án tái thiết đô thị là các khu chung cư cũ, có quy mô từ 2 ha trở lên phải đảm bảo các điều kiện như xác định ranh giới toàn bộ khung chung cư cũ là ranh giới để thực hiện dự án tái thiết đô thị. Các công trình này phải được thực hiện tái thiết theo hướng cao tầng, mật độ thấp, tạo nhiều không gian mở, hạn chế gia tăng dân số khu vực, bố trí đất cho các công trình giáo dục...

Ngoài ra, các chung cư trong khu vực phảu đảm bảo theo từng điều kiện cụ thể.

Cụ thể, Khu chung cư Nguyễn Công Trứ có số tầng tối đa là 25 tầng với chiều cao tối đa 90 m. Các chung cư Giảng Võ, Hào Nam và Ngọc Khánh có tối đa 21 tầng, cao 76 m. Đối với khu chung cư cũ nằm giáp tuyến đường Nguyễn Chí Thanh cho phép xây dựng cao 24 tầng (86 m).

Các khu chung cư gồm Bắc Thành Công, Nam Thành Công, Quỳnh Mai, Thanh Nhàn, Khương Thượng, Phương Mau, Láng Hạ, Kim Liên, Nam Đồng, Vĩnh Hồ và Trung Tự có chiều cao tối đa 24 tầng (86 m).

Đối với các ô đất giáp đường vành đai, tuyến phố chính, tuyến phố hướng tâm thực hiện theo quy định tai các khu vực nói trên.

Khu tập thể Văn Chương có chiều cao tối đa 18 tầng (65 m). Công trình cao tầng phải có giải pháp đảm bảo sự kết nối với không gian xanh, hồ Văn Chương, hồ Linh Quang và khu vực ga Hà Nội.

Khu vực nội đô lịch sử Hà Nội được chia thành 7 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao xây dựng công trình như sau:

Khu Trung tâm chính trị Ba Đình có quy mô diện tích khoảng 134,4 ha; Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long có quy mô diện tích khoảng 18,358 ha; Khu phố Cổ có quy mô diện tích khoảng 82 ha; Khu phố cũ có quy mô diện tích khoảng 507,88 ha; Khu vực hồ Gươm và phụ cận có quy mô diện tích khoảng 63,72 ha; Khu vực Hồ Tây và phụ cận có diện tích khoảng 1009,02 ha; Khu vực hạn chế phát triển gồm Khu vực Văn Miếu và phụ cận có quy mô diện tích khoảng 39,48 ha và Khu vực hạn chế phát triển có quy mô diện tích khoảng 2.3030,23 ha.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.