Tắc đường, ngập nước, dự án 'rùa bò'... có được giải quyết khi công bố quy hoạch nội đô lịch sử Hà Nội?

Tốc độ đô thị hoá nhanh chóng đã tác động tích cực nhưng cũng hình thành nhiều điểm hạn chế cần khắc phục trong vùng nội đô lịch sử Hà Nội.
Nhìn lại nội đô lịch sử Hà Nội sau 10 năm chờ đợi quy hoạch - Ảnh 1.

4 quận khu vực nội đô lịch sử. (Nguồn ảnh: Google Maps).

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2011, khu vực nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2, bao gồm 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình.

Ngoài việc là nơi bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống, đây còn là nơi điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài. 

Đồng thời bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống; hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.

10 năm qua, Hà Nội có những đổi thay tích cực, chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, thông minh. Những khu đô thị, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, hiện đại mọc lên ngày càng nhiều, giao thông và hạ tầng được nâng cấp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thực tế vẫn còn một số những tồn đọng trong quy hoạch khiến sự thay đổi của Thủ đô không được như kỳ vọng. Một trong những điểm nghẽn trong 10 năm qua chính là các đồ án quy hoạch phân khu trong vùng nội đô lịch sử chưa được phê duyệt.

Một góc quận Đống Đa và Hai Bà Trưng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hạ Vũ).

Sáng 22/3, điểm nghẽn nói trên đã được gỡ với việc Hà Nội công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tại 4 quận: Hoàn Kiếm H1 - 1 (A, B, C), Ba Đình (H1 - 2), Đống Đa (H1 - 3) và Hai Bà Trưng (H1 - 4).

“Sau gần 10 năm chờ đợi, mong mỏi, tập trung trí lực, chúng ta đã triển khai một khu vực quy hoạch có chức năng, vị thế vô cùng quan trọng trong nội đô lịch sử”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn từng chia sẻ khi trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong về quy hoạch nội đô lịch sử. 

Dưới đây là một số vấn đề tồn đọng trong vùng nội đô lịch sử được kỳ vọng sẽ được giải quyết khi 6 đồ án phân khu được phê duyệt, công bố.

1. Kiểm soát công trình cao tầng

Trong 10 năm qua, 4 quận nội đô lịch sử là khu vực có diễn biến đô thị hóa mạnh nhất, nhiều loại hình công trình kiến trúc cao tầng đã được xây dựng làm thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị của Hà Nội. 

Tuy hiếm có các tòa nhà chọc trời (cả 4 quận chỉ có Lotte Center là công trình thuộc top 10 tòa nhà cao nhất Hà Nội), nhưng các dự án TTTM, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng mọc lên rất nhiều. Đơn cử như quanh khu vực Hồ Giảng Võ, Ngã Tư Sở, Kim Mã,...

Nhìn lại nội đô lịch sử Hà Nội sau 10 năm chờ đợi quy hoạch - Ảnh 3.

Quận Ba Đình có tòa nhà Lotte đang nằm trong top 4 tòa nhà cao nhất cả nước. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, hiện trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội có khoảng hơn 300 công trình cao tầng hiện hữu hoặc đã được cấp phép xây dựng và đang thi công. 

Đô thị trung tâm liên tục được mở rộng, nhiều nhà cao tầng được xây dựng nhanh chóng nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông đô thị đầu tư chưa theo kịp, chậm được hình thành theo quy hoạch. 

Với tổng số lượng quỹ đất hữu hạn, xu hướng tăng diện tích đất ở tại 4 quận nội đô hiện nay sẽ kéo giảm diện tích đất dành cho công trình hạ tầng gây nên cơ cấu sử dụng đất mất cân đối. 

Đây là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng ách tắc giao thông, thiếu sân chơi, công viên, ngập lụt mỗi khi có mưa, ô nhiễm khói bụi,...

2. Ùn tắc giao thông

Ùn tắc giao thông luôn là một nan đề của khu vực Hà Nội nói chung và nội đô lịch sử nói riêng. Trong những năm qua, tuy đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng quá trình đô thị hóa nhanh chóng làm cho hạ tầng giao thông khó có khả năng đáp ứng kịp.

Trong một bài phỏng vấn với Thanh Niên hồi đầu tháng 1, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong các quy hoạch, vùng đô thị như Hà Nội cần tối thiểu 20 - 25% diện tích đất dành cho giao thông. Nhưng việc mở đường quá chậm trễ, khiến diện tích đất dành cho giao thông tới nay mới chỉ đạt khoảng 10%, tức là một nửa của yêu cầu tối thiểu.

Trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân, bao gồm xe máy và ô tô lại gia tăng quá nhanh. Tuy không có thống kê chi tiết phương tiện lưu thông theo từng khu vực, nhưng tính chung năm 2020, Hà Nội có hơn 7 triệu phương tiện giao thông, trong đó riêng ô tô đã tới 800.000 xe, tốc độ tăng 12%. Mặc dù vận tải xe buýt ngày càng được mở rộng, nhưng tác động của vận tải xe buýt vẫn còn hạn chế.

Phương tiện lưu thông khổng lồ đổ về các ngã tư lớn tạo thành nút cổ chai và thiếu các tuyến kết nối. Cùng với việc mạng lưới hiện tại không thể đảm bảo phân bổ giao thông hiệu quả, gây ùn tắc ở nhiều khu vực và xung đột giao thông, gây ngập cục bộ khi mưa lớn, đặc biệt khu vực Hoàn Kiếm.

Cảnh tắc đường kéo dài ở ngã tư Ngã Tư Sở - Láng. (Ảnh: Zing News).

Liên ngành GTVT - Công an Hà Nội cho biết, năm 2020 trên địa bàn thành phố hiện có 34 điểm ùn tắc, đến hết năm đã xử lý được 8 điểm, hiện vẫn còn 26 điểm thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Trong đó, 4 quận nội đô ghi nhận 9 điểm ùn tắc kéo dài, bao gồm: Điện Biên Phủ - Trần Phú, Nguyễn Khang – cầu 361, Đào Tấn - Nguyễn Văn Ngọc, Kim Mã – Liễu Giai – Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai – Đào Tấn, Nguyễn Khoái – cầu Vĩnh Tuy, La Thành – Giảng Võ, Láng Hạ - Lê Văn Lương, Ngã Tư Sở.

3. Ngập nước

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, khu vực nội đô lịch sử hiện tại còn tồn tại khá nhiều điểm úng ngập khi mưa, cụ thể là Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình (4 điểm), Hai Bà Trưng (2 điểm).

4 điểm ngập úng tại Đống Đa bao gồm Trường Chinh (Đoạn Bệnh viện PKKQ), Ngã tư Tây Sơn - Thái Hà, B7 Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Khuyến (Khu vực trước cổng trường Lý Thường Kiệt).

Các điểm ngập úng tại Hoàn Kiếm là ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã 5 Phùng Hưng - Bát Đàn - Đường Thành - Nhà Hỏa, ngã tư Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, ngã năm Bà Triệu, phố Tông Đản (đoạn khách sạn Thủy Tiên).

Quận Ba Đình có các điểm là 209 Đội Cấn, Thụy Khuê (trường Chu Văn An - Dốc La Pho), ngã tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Phi Phương, Cao Bá Quát (cổng Công ty Môi trường Đô thị).

Quận Hai Bà Trưng ngập tại 2 điểm là đường Mạc Thị Bưởi, Minh Khai đoạn chân càu Vĩnh Tuy.

6 vấn đề được kỳ vọng giải quyết sau khi công bố quy hoạch nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 5.

Nước ngập mênh mông ở phố Tràng Tiền trong một cơn mưa lớn năm 2020. (Ảnh: Giang Trịnh).

Với việc các quy hoạch phân khu được phê duyệt, hệ thống thoát nước cũng được kỳ vọng triển khai đồng bộ và dần dần giảm được tình trạng ngập úng tại khu vực nội đô lịch sử.

4. Thiếu bãi đỗ xe

Bên cạnh ùn tắc, việc thiếu chỗ đỗ phương tiện cũng là một bài toán cần giải quyết tại 4 quận. 

Trong khi số lượng nhà ở, đặc biệt nhà cao tầng vẫn xuất hiện với mật độ lớn thì diện tích đất dành cho giao thông, bãi đỗ xe lại hạn chế và có công suất nhỏ.

Theo Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa thông tin với Kinh tế Đô thị, tại các quận lõi của TP, diện tích cho đất bãi đỗ xe khá hạn hẹp, với gần 7 ha tại quận Hoàn Kiếm, hơn 7 ha tại quận Hai Bà Trưng, hơn 9 ha tại quận Đống Đa và 16 ha ở quận Ba Đình. Đây cũng chỉ là số liệu dự kiến tại các bản quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt. 

Một điểm sáng trong hạ tầng giao thông khu vực nội đô là diện tích vỉa hè. Báo cáo về Chương trình phát triển Đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội của HAIDEP chỉ ra rằng, hầu hết các tuyến đường huyết mạch tại 4 quận đều có vỉa hè, cây xanh đường phố và đèn đường. Tỷ lệ vỉa hè cao, chiếm 80% hoặc hơn.

Hầu hết vỉa hè rộng từ 4 m trở lên, ít đoạn đường không có vỉa hè. Tuy nhiên, do thiếu công trình bãi đỗ phù hợp, vỉa hè thường được chiếm dụng làm bãi đỗ xe, nơi kinh doanh, buôn bán hay người tham gia giao thông cũng đi lại trên vỉa hè.

5. Các dự án giao thông trễ hẹn 

Hiện nhiều dự án giao thống lớn trong khu vực nội đô lịch sử chậm tiến độ nhiều năm, đặc biệt là một số tuyến đường sắt đô thị.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318 km để kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven và 7 tuyến xe buýt BRT hoạt động.

Hiện tại, sau nhiều năm lỗi hẹn về đích, hai tuyến đường sắt đang thi công và được kỳ vọng sớm đưa vào hoạt động nhanh nhất chính là tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội).

Hiện nay, nhiều dự án đường sắt đô thị khác thậm chí chưa thể khởi công như tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồ)i, tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo)... Một trong những lý do các tuyến này chậm tiến độ là do vấn đề quy hoạch, đặc biệt là với tuyến metro có lộ trình đi qua khu vực hồ Hoàn Kiếm...

Nhìn lại nội đô lịch sử Hà Nội sau 10 năm chờ đợi quy hoạch - Ảnh 5.

Đoạn tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông chạy qua hồ Đống Đa. (Ảnh: Hạ Vũ).

6. Giãn dân nội đô

Theo quy hoạch, nội đô lịch sử có dân số tính toán là 800.000 người, tổng diện tích khoảng trên 3.800 ha, với chỉ tiêu khoảng đất toàn đô thị 100 m2/người. 

Tuy nhiên, dân số nội đô hiện nay đã lên tới trên 1,3 triệu người. Tình trạng gia tăng dân số làm mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất dẫn đến không đảm bảo về sự phát triển cân bằng giao thông nội đô.

Ngoài ra, theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục thống kê, sau 20 năm, quận Đống Đa và Hai Bà Trưng vẫn là những nơi có mật độ dân số cao nhất TP, tương ứng là 37.347 người/km2 và 29.589 người/km2.

Nhiều chuyên gia cho rằng dưới áp lực về dân số và hạ tầng, thì việc di dời một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện… ra khỏi nội đô là cần thiết. Những khu đất phải giải phóng, về nguyên tắc là để làm không gian cây xanh, mặt nước, các công trình dịch vụ công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng. 

Hiện tại Hà Nội đang có kế hoạch phát triển đô thị ra các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Xuân Mai, Sóc Sơn…, để thực hiện mục tiêu di dân ra khỏi nội đô.

Sau gần 10 năm chờ đợi, khu vực nội đô lịch sử đã có quy hoạch phân khu, làm căn cứ triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử vừa thực hiện mục tiêu xây dựng thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Trong khi đó, quy hoạch phân khu sông Hồng đã có bước tiến lớn sau thời gian dài lâm vào bế tắc vì vướng quy hoạch thoát lũ.

Sau khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, dự kiến sẽ có khoảng 1.500 hộ dân phải di dời để bảo đảm an toàn phòng chống lũ.

Khi 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt, TP sẽ hoàn thành 34/35 đồ án quy hoạch phân khu, cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.