Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội

Theo bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, phân khu nội đô lịch sử Hà Nội là khu vực sở hữu những tuyến đường có mức giá đất ở đắt đỏ nhất Thủ đô.
Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 1.

Phân khu nội đô lịch sử Hà Nội nhìn từ trên cao. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Sáng ngày 22/3 vừa qua, TP Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A, H1-1B, H1-1C; H1-2; H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2000 thuộc khu vực Nội đô lịch sử Hà Nội và thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Theo công bố các đồ án quy hoạch của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, tổng diện tích đất được quy hoạch hơn 2.700 ha, dân số hiện trạng theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là trên 887.000 người, dân số theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 672.000 người.

Phân khu nội đô lịch sử Hà Nội được giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội; cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, khu phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây…

Theo Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, phân khu nội đô lịch sử Hà Nội là khu vực sở hữu những tuyến đường có mức giá đất ở đắt đỏ bậc nhất tại Thủ đô.

Quận Hoàn Kiếm 

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 2.

Trong số 4 quận thuộc phân khu nội đô lịch sử, Hoàn Kiếm là quận có giá đất cao nhất tại Hà Nội, áp dụng cho đất có chức năng ở tại các tuyến đường Hàng Ngang, Hàng Đào và Lê Thái Tổ. Theo bảng giá đất hiện hành, giá đất tại ba tuyến phố này 187.920.000 đồng/m2.

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 3.

Tuy nhiên, trên thực tế những căn nhà trên mặt đường phố Hàng Ngang hay Hàng Đào được ra bán với mức giá cao hơn rất nhiều so với bảng giá đất hiện hành. Khảo sát trên trang batdongsan.com, nằm trên mặt đường Hàng Ngang - Hàng Đào vẫn có những ngôi nhà có giá 160 - 320 triệu đồng/m2. Tuy nhiên phần lớn những ngôi nhà được rao bán ở đây dao động ở mức 500 - 800 triệu đồng/m2.

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 4.

Cách đây vài năm, đã có thời điểm giá đất tại các tuyến phố này chạm ngưỡng 1,2 tỷ đồng/m2.

 Quận Ba Đình

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 5.

Quận Ba Đình được xem là Trung tâm Hành chính - chính trị quốc gia, có trụ sở các cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước, giá đất trên những tuyến phố ở quận Ba Đình cũng không hề thấp. Theo bảng giá đất hiện hành, giá đất cao nhất quận Ba Đình thuộc về tuyến đường Phan Đình Phùng, với mức 132.600.000 đồng/m2.

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 6.

Xếp sau đường Phan Đình Phùng là đường Điện Biên Phủ, tuyến đường có mức giá 125.280.000 đồng/m2. Với mặt đường rộng cùng lượng phương tiện lưu thông tương đối lớn, trên đường Điện Biên Phủ hiện nay chủ yếu là các cửa hàng kinh doanh.

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 7.

Nguyễn Thái Học cũng là tuyến đường đắt đỏ ở Hà Nội theo bảng giá đất. Tuyến đường này chủ yếu đi qua quận Đống Đa, Ba Đình và một phần nhỏ quận Hoàn Kiếm. Đối với đoạn tuyến thuộc địa phận quận Ba Đình, giá đất trên tuyến phố này là 106.720.000 đồng/m2.

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 8.

Đất trên đường Trần Phú đoạn Điện Biên Phủ - Sơn Tây có mức giá 120.960.000 đồng/m2. Đoạn từ nút giao với Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng có mức giá rẻ hơn là 98.560.000 đồng/m2.

 Quận Đống Đa

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 9.

Quận Đống Đa là nơi có hai tuyến đường vành đai và tuyến metro Cát Linh - Hà Đông chạy qua. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều trụ sở của các doanh nghiệp lớn, các tòa nhà văn phòng, các công trình cao tầng hỗn hợp,... Trong ảnh là trục đường Láng Hạ, tuyến đường có mức giá 91.000.000 đồng/m2 theo bảng giá đất hiện hành.

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 10.

Đường Lê Duẩn đoạn không có đường tàu đi qua có mức giá 89.600.000 đồng/m2.

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 11.

Đường Giảng Võ đoạn Cát Linh - Láng Hạ có mức giá 85.840.000 triệu đồng/m2. Tuyến đường này kết nối Ga Cát Linh (thuộc tuyến metro 2A) với đường Đê La Thành (vành đai 1).

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 12.

Đường Nguyễn Chí Thanh là trục đường lớn của Thủ đô, kết nối khu vực trung tâm với khu Tây Hà Nội. Theo bảng giá đất hiện hành, giá đất trên tuyến đường này là 85.800.000 đồng/m2.

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 13.

Đường Cát Linh có mức giá quy định 76.560.000 đồng/m2. Đây cũng là đoạn chạy ngầm của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội.

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 14.

Đường Kim Liên – Xã Đàn được thông xe vào năm 2010, được mệnh danh là đường "đắt nhất hành tinh", đồng thời nằm trên đường vành đai 1. Theo khung giá hiện hành, giá đất trên đường Xã Đàn có mức 76.560.000 triệu đồng/m2.

Quận Hai Bà Trưng

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 15.

Tại quận Hai Bà Trưng, phố Huế và Nguyễn Du là hai tuyến đường có mức giá đắt nhất theo bảng giá đất, đều ở mức 106.720.000 triệu đồng/m2. Phố Huế là đường một chiều, kéo dài từ đường vành đai 1 đến đường Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm).

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 16.

Đường Nguyễn Du có điểm đầu tại nút giao với đường Lê Duẩn, chạy men theo hồ Thiền Quang và kết thúc tại vị trí giao với Phố Huế.

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 17.

Phố Bà Triệu đoạn từ Nguyễn Du đến Thái Phiên có mức giá 103.040.000 đồng/m2 theo bảng giá đất hiện hành. Trong ảnh là nút giao Bà Triệu - Thái Phiên, nơi có dự án Vincom Bà Triệu đang hiện hữu.

Những tuyến phố đắt đỏ nhất phân khu nội đô lịch sử Hà Nội - Ảnh 18.

Sau Bà Triệu, đường Trần Nhân Tông và Quang Trung cũng là những tuyến phố đắt đỏ quận Hai Bà Trưng, với mức giá 106.720.000 đồng/m2.

Giá đất được quy định trong bảng giá đất của TP Hà Nội không phải là giá thị trường, chỉ được sử dụng làm căn cứ trong các trường hợp:

Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân.

Tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai.

Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, phần diện tích vượt hạn mức công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân mà diện tích tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của thửa đất hoặc khu đất có giá trị (xác định theo giá trong bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng.