Số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, hệ thống thoát nước khu vực nội thành gồm 5.700 km cống, 254 km mương, sông, kênh, 125 hồ điều hòa, 10 trạm bơm thoát nước mưa chính và 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải.
Hệ thống này được chia thành 5 khu vực gồm: Khu vực Tô Lịch, khu vực Tả Nhuệ, khu vực Hữu Nhuệ, khu vực Hà Đông và khu vực Long Biên. Trong số này chỉ có khu vực sông Tô Lịch gồm 4 quận nội đô lịch sử, Hoàng Mai, một phần Tây Hồ và Thanh Xuân được đầu tư hoàn chỉnh.
Theo thống kê đến năm 2020, Hà Nội còn 12 điểm ngập úng, trong đó 6 điểm không giảm được úng ngập do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả. 5/6 điểm này thuộc phạm vi 4 quận nội đô lịch sử bao gồm: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.
6 điểm còn lại đã giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập khoảng 50%. So với năm 2019 thì Hà Nội đã giảm được thêm 4 điểm úng ngập (từ 16 điểm xuống 12 điểm úng ngập).
Cảnh nước ngập mênh mông chiều tối qua (11/5) ở khu vực phố Tràng Tiền, Hàng Bài sau trận mưa lớn. (Ảnh: Phúc Văn/OFFB).
Cụ thể, 6 điểm không giảm được úng ngập là: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng - Nhà Hoả, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm).
6 điểm đã giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập khoảng 50% là: Đội Cấn, Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp. 4 điểm đã xóa bỏ được úng ngập là: Thanh Đàm, Nguyễn Chính, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng do các dự án đã triển khai hoàn thành phát huy hiệu quả thoát nước.
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, khu vực nội đô lịch sử hiện tại còn tồn tại khá nhiều điểm úng ngập khi mưa, cụ thể là Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình (4 điểm), Hai Bà Trưng (2 điểm).
4 điểm ngập úng tại Đống Đa bao gồm Trường Chinh (Đoạn Bệnh viện PKKQ), Ngã tư Tây Sơn - Thái Hà, B7 Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Khuyến (Khu vực trước cổng trường Lý Thường Kiệt).
Các điểm ngập úng tại Hoàn Kiếm là ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã 5 Phùng Hưng - Bát Đàn - Đường Thành - Nhà Hỏa, ngã tư Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, ngã năm Bà Triệu, phố Tông Đản (đoạn khách sạn Thủy Tiên).
Quận Ba Đình có các điểm là 209 Đội Cấn, Thụy Khuê (trường Chu Văn An - Dốc La Pho), ngã tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Phi Phương, Cao Bá Quát (cổng Công ty Môi trường Đô thị).
Quận Hai Bà Trưng ngập tại 2 điểm là đường Mạc Thị Bưởi, Minh Khai đoạn chân càu Vĩnh Tuy.
Năm ngoái, thời tiết bất thường và mưa lớn kéo dài gây ngập cục bộ cho Hà Nội ở nhiều thời điểm. Đơn cử là trận mưa kéo dài nhiều giờ trong ngày 17/8/2020 khiến quận Hoàn Kiếm ngập sâu, dấy lên lo ngại về sức chống chịu của hệ thống thoát nước.
Cụ thể quận Hoàn Kiếm lượng mưa lên đến 107 mm, 92,3 mm tại quận Hai Bà Trưng..., mưa dồn dập trong thời gian ngắn, dẫn đến vượt quá khả năng tiêu thoát nước của hệ thống, gây úng ngập cục bộ tại một số tuyến phố không phải là các điểm ngập cố hữu.
Trong tương lai, khi thời tiết ngày càng có xu hướng bất thường, nhiều dự báo Thủ đô sẽ tiếp tục hứng chịu nhiều trận mưa với cường độ lớn, liên tiếp, gây úng ngập cục bộ trên nhiều tuyến phố. Là 4 quận lõi của Hà Nội nhưng khi có mưa lớn xảy ra, nhiều khu vực tại đây gây ngập úng cục bộ và ùn tắc giao thông nhiều giờ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, địa hình Hà Nội cao 3,5 đến 9 m so với mặt nước biển, cao hơn Hải Phòng và tương đương một số thành phố nên việc úng ngập hiện nay không phải do địa hình.
Đồng thời, cốt nền khu vực 4 quận nội đô lịch sử gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng là 8, quận Hoàng Mai là 6, Hà Đông là 6 - 7 tuy nhiên vẫn hay xảy ra úng ngập. Nguyên nhân là tốc độ đô thị hóa khu vực này quá nhanh, song không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực.
Còn theo Sở Xây dựng Hà Nội, một số điểm ngập úng dai dẳng do thi công các dự án giao thông, hạ tầng gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu úng. Trong số này có thể kể đến dự án tại khu vực nội đô lịch sử như ga tàu điện S12 trên phố Trần Hưng Đạo, mở rộng đường vành đai 2 gây ngập úng chân cầu Vĩnh Tuy... hay dự án cống hóa một số đoạn của tuyến mương Thụy Khuê,...
Cho đến thời điểm này, trung bình cường độ mưa tại Hà Nội là 50-100 mm/2h. Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2h không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố sẽ được khắc phục ngay bằng công tác duy trì, ứng trực.
So với nhiều năm trước, hiện tại việc thoát nước và chống ngập úng của Hà Nội đã cải thiện được đáng kể, đặc biệt là khu vực lõi của Thủ đô.
Trao đổi với Zing, Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, tuy rằng còn tồn tại 12 điểm úng ngập, nhưng thời gian nước rút cũng nhanh hơn. "Chúng tôi cố gắng mỗi điểm ngập chỉ kéo dài 1 giờ. Một số điểm xa cổng xả nên thời gian rút có thể lâu hơn", đại diện Thoát nước Hà Nội cho hay.
Doanh nghiệp này cũng đã thiết lập được 59 trạm đo mực nước tự động, chủ yếu ở lưu vực các sông, hồ, trong đó có 10 trạm thuộc 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình. Ngoài ra còn có 6 trạm đo mưa tự động tại khu vực trên.
Ngoài ra, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ huy động các xe bơm nước đến các điểm ngập úng, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 và xây hồ điều tiết ngầm với dung tích 2.300 m3 tại điểm ngập quận Hoàn Kiếm.
Trong các giải pháp được Sở xây dựng đưa ra, ngoài cải tạo, nâng cấp, xây mới các hạng mục trong hệ thống thoát nước, đơn vị chức năng Hà Nội sẽ đẩy mạnh kiểm tra, khống chế mực nước tại các hồ điều hòa; bảo dưỡng, nâng cấp các trạm bơm; dọn dẹp tấm chắn, vật cản tại các miệng cống; thường xuyên vớt rác, nạo vét cống trước mùa mưa...
Bên cạnh đó, trung tâm điều hành hệ thống thoát nước của TP Hà Nội cho biết đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề trên. Đáng chú ý là việc vận hành 15 camera giám sát điểm úng ngập; nâng cấp phần mềm HSDC Maps trên điện thoại thông minh như: Cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh camera của điểm ngập, tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố...
Các thông số của Trung tâm đã được kết nối với Cổng Giao tiếp điện tử của thành phố Hà Nội hoặc tại website của Công ty Thoát nước để người dân nắm bắt tính tình diễn biến các trận mưa, điểm úng ngập trên địa bàn thành phố.
Đồng thời triển khai ứng trực 24/24h giải quyết thoát nước khi mưa, điều động toàn bộ nhân lực triển khai công tác thoát nước theo địa bàn được phân công.
Theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, phạm vi nghiên cứu gồm toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước thuộc địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.344,47 km2 và phần mở rộng ngoài địa giới hành chính Hà Nội thuộc các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên có cùng lưu vực sông.
Tiêu chuẩn thoát nước thải khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 là 254 - 321 l/người/ngày, đến năm 2050 là 321 - 379 l/người/ngày.
Theo Quy hoạch thoát nước thải và xử lý nước thải, khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (thuộc lưu vực Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ) được chia thành 5 lưu vực chính thu gom và xử lý nước thải.
Tại khu vực này, phát triển hệ thống thoát nước hỗn hợp trên cơ sở mạng lưới thoát nước chung đã có và xây dựng mới mạng lưới thu gom nước thải để đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung của từng lưu vực.Dự kiến sẽ xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải tập trung chính cho các đô thị với công suất của các nhà máy xử lý nước thải đến 2030 là 1.808.300 m3/ngày, đến 2050 là 2.482.300 m3/ngày.
Khái toán kinh phí thực hiện Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 khoảng 116.500 tỷ đồng (tính theo thời điểm giá năm 2012). Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 dự kiến khoảng 53.350 tỷ đồng.
Thị trường 14:58 | 21/05/2021
Quy hoạch 11:04 | 12/05/2021
Quy hoạch 06:57 | 10/04/2021
Quy hoạch 14:56 | 23/03/2021
Quy hoạch 08:10 | 23/03/2021
Quy hoạch 19:30 | 22/03/2021
Quy hoạch 11:18 | 22/03/2021
Quy hoạch 11:03 | 22/03/2021